Vẫn khó kiểm soát giá sữa liên tục tăng cao

Các sản phẩm sữa sản xuất trong nước và nhập ngoại từ đầu năm đến nay đua nhau tăng giá. Lý do muôn thủa giá sữa tăng là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí bao bì mẫu mã sản phẩm thay đổi.

Mặt khác, nhiều sản phẩm sữa đã đăng ký lại sản phẩm với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm bổ sung… gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Giá sữa tăng, người tiêu dùng phải thận trọng, cân nhắc kỹ hơn khi chọn mua sản phẩm sữa bột. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN.


Theo số liệu thống kê, chỉ tính trong quý I/2013 các công ty sữa đã 3 lần tăng giá, với mức tăng từ 5-15%. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, mở đầu đợt tăng giá sữa trong năm 2013 là việc sữa Dumex tăng giá. Cụ thể giá các loại sản phẩm Dumex Gold với mức tăng từ 8,5-9%.

Tiếp theo là Công ty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady tăng từ 8-9%. Hãng sữa Mead Johnson điều chỉnh tăng giá 10%; hãng sữa Abbott cũng tăng giá từ 2-9% cho các sản phẩm sữa.

Các công ty sữa trong nước như Vinamilk cũng đã điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm lên 7%, Nutifood tăng giá trung bình 10%. Gần đây nhất đầu tháng 4 này hãng sữa Nestlé tăng giá 8-9%.

Theo chia sẻ của một chủ đại lý sữa trên đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội thì “việc thay đổi bao bì chỉ là chiêu lách luật để tăng giá sữa của các doanh nghiệp mà thôi”. Còn trên thực tế, người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu sự tăng giá vô lý bởi nhu cầu sữa hàng ngày cho trẻ là không thể thiếu.

Với những người có thu nhập thấp, trung bình thì việc tăng giá sữa bắt buộc họ phải cắt giảm bớt các chi tiêu của gia đình để dành tiền mua sữa cho con, hoặc chọn mua sữa nội với giá cả phải chăng. Chị Kim Ngân, nhân viên một công ty tư nhân cho biết, với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng, chị đã phải dành một nửa số lương để mua sữa cho con. Nay giá sữa tăng cao cũng trở thành gánh nặng cho gia đình và chị đang cân nhắc đến việc dùng sản phẩm nội để giảm bớt chi phí nhưng chị vẫn băn khoăn, đắn đo về chất lượng sữa nội.

Tương tự, anh Nguyễn Huy, phường Bồ Đề, Gia Lâm chia sẻ, nhà có 3 cháu nhỏ phải thường xuyên dùng sữa bột, mà giá sữa liên tục tăng, chỉ mua sữa cho hai cháu sinh đôi đã hết nửa tháng lương của mẹ, nên thời gian tới, gia đình sẽ phải cắt giảm khẩu phần sữa của các cháu hoặc chuyển sang dùng loại sữa giá rẻ hơn.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Cầu Giấy than thở: Chỉ sau một tuần mua hai hộp sữa Nestle Nan cho con mà phải trả thêm 60.000 đồng, giá sữa đã tăng lên gần 15% nhưng vẫn phải mua vì cháu đang trong độ tuổi phải dùng sữa nên không thể không có sữa.

Theo Tổ điều hành thị trường (Bộ Công Thương), giá sữa tại các thị trường trong tháng 3 có nhiều diễn biến trái chiều. Trong khi giá sữa ở thị trường châu Úc tiếp tục xu hướng tăng từ tháng trước thì giá sữa ở thị trường Tây Âu giảm nhẹ. Giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc hiện ở mức 3.400-4.200 USD/tấn (tăng từ 4,62-10,35% so với tháng trước). Tại thị trường Tây Âu ổn định ở mức 3.375-3.700 USD/tấn (giảm nhẹ từ 1,33-1,46% so với tháng trước).

Một nghịch lý là, mặc dù sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm rất mạnh vào những tháng đầu năm 2012, từ 750-1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011 nhưng gần như không có doanh nghiệp sữa nào điều chỉnh giảm giá, thậm chí vẫn có tới 3 doanh nghiệp tăng giá bán sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức tăng từ 9%-15%. Nay giá thế giới mới tăng nhẹ, nhiều hãng sữa đã tăng giá khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc.

Các chuyên gia cho rằng hiện nay giá sữa thế giới có tăng, nhưng không tương xứng với giá tăng của các hãng sữa trong nước, trên thực tế, giá sữa tại Việt Nam luôn cao hơn giá sữa thế giới. Qua tính toán, khảo sát một số cơ quan cho thấy giá bán sữa ở nước ta đang gấp đôi giá vốn, phần chệnh lệch hưởng lợi rơi vào khâu chiết khấu, tiếp thị, quảng cáo, tiền lương và một số chi phí khác... Ngoài ra, không loại trừ có sự chuyển giá trong giá sữa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương) cho biết, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có trong danh mục bình ổn giá, khi tung các sản phẩm mới ra thị trường, hay khi các sản phẩm có sự điều chỉnh giá các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá.

Vừa qua một số sản phẩm sữa bột cho trẻ em theo quy chuẩn mới đã chuyển sang tên gọi là sản phẩm dinh dưỡng hoặc thức ăn bổ sung hoặc thực phẩm bổ sung vi chất. Theo quy định của Luật Giá thì những sản phẩm này không nằm trong danh mục bình ổn giá, tức là sẽ không phải đăng ký khi giá bán.

“Ở đây đặt ra vấn đề là phải chuẩn hóa lại tên gọi. Các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá tình hình, nếu cần thiết có thể kiến nghị bổ sung các danh mục mặt hàng sữa vào danh mục bình ổn giá”, ông Nguyễn Anh Tuấn lưu ý.


Việt Trung

Sẽ lập đoàn thanh tra giá sữa
Sẽ lập đoàn thanh tra giá sữa

Trước tình hình tăng giá sữa “chóng mặt” trong thời gian qua, ngày 27/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Cục Quản lý giá đã kiến nghị Bộ Công Thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 3 vấn đề: Thương phẩm, chất lượng và giá cả các mặt hàng sữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN