Sẽ lập đoàn thanh tra giá sữa

Trước tình hình tăng giá sữa “chóng mặt” trong thời gian qua, ngày 27/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Cục Quản lý giá đã kiến nghị Bộ Công Thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 3 vấn đề: Thương phẩm, chất lượng và giá cả các mặt hàng sữa.

 

Giá sữa tăng liên tiếp


Theo báo cáo mới nhất của Tổ điều hành thị trường (TĐHTT) trong nước, trong 3 tháng đầu năm, thị trường sữa có nhiều biến động. Nhiều mặt hàng sữa đã điều chỉnh tăng giá tới 3 lần, với mức tăng trung bình từ 5 - 10%. Lý do mà các hãng đưa ra vẫn là: Chi phí đầu vào tăng; mẫu mã bao bì thay đổi; bổ sung thành phần dinh dưỡng...


Người tiêu dùng thiệt thòi vì giá sữa luôn tăng. Ảnh: Thu Hồng

 

Cụ thể, nếu như ngày 10/1, giá sữa bột nhập khẩu Dumex tăng từ 8,5 - 9% thì ngày 14/1, hãng Mead Johnson điều chỉnh tăng 10% giá các loại sữa. Vừa mới tăng giá vào tháng 2, thì trong tháng 3, một số hãng như: Công ty Friesland Campina Việt Nam, hãng sữa bột Abbott, sữa Nutifood lại tăng giá sản phẩm với mức tăng từ 5 - 10%...


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, chị Nguyễn Thị Chung (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Chị vừa tìm hiểu một số cửa hàng sữa thì đều nhận được câu trả lời là sữa đã tăng giá, trong đó có Friso Gold. “Giá sữa này tăng thì mình vẫn phải mua vì con mình ăn quen loại sữa này rồi, đổi loại khác bé không chịu” - chị Chung chia sẻ.

 

Thay nhãn mác để tăng giá


Theo Cục Quản lý giá, cái khó của việc quản lý giá sữa là mặc dù Luật Quản lý giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, nhưng nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện đến nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, Luật Giá và Pháp lệnh giá đều hết hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng kẽ hở này đổi tên sản phẩm để tăng giá vô tội vạ.


Trong khi đó, hiện việc cấp phép thay đổi nhãn mác lại do Bộ Y tế quản lý, nên Bộ Tài chính - cơ quan quản lý giá - không thể can thiệp. Vì vậy, nhiều hãng sữa nhập khẩu lách luật bằng cách đăng ký sản phẩm sữa với Bộ Y tế là thực phẩm dinh dưỡng bổ sung.


Báo cáo của TĐHTT trong nước cũng cho hay: Hiện nay, nhiều sản phẩm sữa sau khi hết thời hạn đăng ký nay được các công ty đăng ký lại với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng (như: Sữa Anfalac A+ cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi), thức ăn công thức dinh dưỡng (Lactogen Gold 2 dành cho trẻ em từ 6 - 12 tháng tuổi), sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt (Pedia Sure dành cho trẻ từ 1 - 10 tuổi), thực phẩm bổ sung (Friso Gold cho trẻ từ 1 - 3 tuổi)... gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.


Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, giá sữa luôn là vấn đề “nóng” nhưng cơ quan quản lý thường rơi vào cảnh “bế tắc” trong quản lý giá mặt hàng này. Việc yêu cầu các DN kê khai giá không phải là biện pháp khả thi vì thực tế, cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được vì hiện có tới 200 công ty nhập khẩu sữa; thị trường hiện có tới hàng trăm nghìn mặt hàng sữa. Giải pháp tốt nhất hiện nay là “lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa”. Theo ông Phú, Nhà nước nên chỉ đạo DN lớn của Nhà nước tham gia phân phối một cách chuyên nghiệp mặt hàng này. Ngoài ra, Nhà nước có thể hỗ trợ những DN này trong việc bán các dòng sữa chính hãng; phối hợp với các thương vụ nước ngoài để có những thỏa thuận, hợp tác với các hãng sữa lớn trên thế giới, từ đó mới đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng.

Trả lời về lý do không đưa sản phẩm dinh dưỡng vào danh mục bình ổn giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Sản phẩm dinh dưỡng nằm trong danh mục thức ăn bổ sung, trong đó có sữa đậu nành, sữa chua. “Do đó, để có thể xem xét, đưa mặt hàng thực phẩm bổ sung vào diện bình ổn giá thì trước tiên Bộ Y tế cần phải chuẩn hóa tên mặt hàng”, ông Tuấn nói.


Theo PGS.TS Ngô Trí Long, theo quy định của Bộ Tài chính, nếu điều chỉnh giá sữa tăng vượt “trần” 20%, doanh nghiệp sẽ bị “tuýt còi”. Nhưng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng là mặt hàng kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường nên các doanh nghiệp có quyền chủ động đưa ra giá bán, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20% trong vòng 15 ngày liên tục.


Trước tình hình này, mới đây Bộ Tài chính đã có Công văn số 3180/BTC - QLG gửi Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) và Công văn số 3181/BTC - QLG gửi Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, kiểm soát giá sữa trên địa bàn. Theo đó, Cục Quản lý giá đề nghị Cục An toàn thực phẩm cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... trong năm 2011, 2012 và từ đầu năm 2013 đến nay để làm cơ sở theo dõi và đối chiếu trong công tác quản lý giá.


Minh Phương - Thu Hồng

Cần chuẩn hóa tên mặt hàng để bình ổn giá sữa
Cần chuẩn hóa tên mặt hàng để bình ổn giá sữa

Từ đầu năm đến nay, thị trường sữa Việt Nam đã có nhiều biến động với ba lần tăng giá, trung bình từ 5 -10%. Theo lý giải của các hãng sữa, nguyên nhân là do việc thay đổi mẫu mã bao bì, chi phí đầu vào (giá nguyên, nhiên liệu, nhân công...) đều tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN