Chi phí vận tải hàng hóa đường bộ trên một loạt tuyến đã nhúc nhích tăng không phải do giá xăng dầu tăng, mà do các xe không dám chở quá tải. Việc tăng giá này đang đưa chi phí vận tải về đúng giá trị.
Doanh nghiệp thích cân xe
Nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng nhận định: Chủ trương đồng loạt cân xe của Bộ GTVT đang đẩy chi phí vận tải hàng hóa tăng lên và doanh nghiệp vận tải sẽ tăng tần suất hoạt động lên.
Cân kiểm tra tải trọng xe trên QL 5 Hải Phòng - Hà Nội. |
Ông Đức Nguyên, chủ một công ty vận tải container ở Hải Phòng phân tích: Có khoảng 23 - 25% số container của Hải Phòng thuộc loại 20 feed tương đương sức chứa 21 tấn hàng. Trước đây, các chủ hàng lẻ thường thuê một xe kéo hai container loại này để đóng hàng, chứ không thuê 1 container 40 feed. Lý do là hai container có thể vận chuyển tới 50 tấn hàng hóa, quá tải tới 8 tấn so với quy định. “Việc cân xe đang được làm ráo riết nên công ty chỉ hợp đồng chở theo đúng quy định về tải trọng. Chi phí vận tải vì thế tăng lên và số lượng đầu việc cho doanh nghiệp cũng nhiều lên”, ông Nguyên phấn khởi cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Hải Phòng cho biết: Từ ngày 1/4, đa số chủ xe, doanh nghiệp vận tải container của Hải Phòng đã từ chối chở một chuyến xe kéo hai container 20 feed và yêu cầu chủ hàng phải tách thành hai chuyến. Như vậy, chi phí vận tải cho số hàng đó tăng lên.
Các doanh nghiệp vận tải hàng rời cũng đồng tình với chủ trương cân xe của Bộ GTVT. Thực tế, chi phí vận tải hàng hóa rời trên một số tuyến đường bộ đã nhúc nhích tăng. Theo tính toán, chi phí vận chuyển hàng trên tuyến Lào Cai - Hà Nội đã tăng từ 380.000 đồng/tấn lên 420.000 - 450.000 đồng/tấn…
Anh Nguyễn Văn Tuyến, chủ xe kiêm lái xe vận tải ở Lào Cai cho biết: Lực lượng chức năng các trạm cân Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội… đang làm rất nghiêm nên các xe không dám chở quá tải, mà phải san tải làm hai lần/chuyến, chứ không chở một lần như trước. Theo đó, chi phí chở toàn bộ số hàng đó cũng tăng theo vì phải qua hai lần vận chuyển (đúng tải trọng) thay vì một lần vận chuyển (quá tải) như trước. “Nếu việc cân xe được làm nghiêm, liên tục, các doanh nghiệp vận tải sẽ chở đúng trọng tải, nhưng tổng chi phí chủ hàng phải chi sẽ tăng lên so với trước. Vì để chở đúng tải, doanh nghiệp sẽ cần nhiều xe hơn hoặc đi lại nhiều hơn khi chở cùng một lượng hàng”, anh Tuyến cho biết.
Trên các tuyến quốc lộ phía Bắc, chi phí vận tải hàng rời cũng tăng khoảng 10% so với trước.
Đưa cước vận tải về giá trị thật
Chủ trương kiểm soát tải trọng xe đang là cú hích để tạo lập mặt bằng giá vận tải mới cho các doanh nghiệp vận tải. Theo tính toán của các chuyên gia, các loại hình vận tải đường thủy, đường sắt tuy có giá cước rẻ hơn đường bộ, nhưng chi phí xếp dỡ, thời gian vận chuyển lại lâu hơn, nên tổng chi phí vẫn cao hơn vận tải đường bộ.
Ông Đỗ Xuân Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô khẳng định: Trong bối cảnh Bộ GTVT siết chặt kiểm soát tải trọng xe để ngăn chặn xe quá tải phá đường thì các doanh nghiệp vận tải không còn cách nào khác là phải chở đúng trọng tải. Giá cước vận tải đường bộ đang ở mức rất thấp so với các yếu tố cấu thành giá thành vận tải. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức cước thấp hơn mặt bằng chung vì họ chấp nhận chở quá tải và sử dụng phương tiện đã hết khấu hao.
Hơn nữa, thị trường vận tải đường bộ có quá nhiều công ty vận tải nhỏ cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá. Đơn cử, Công ty Vận tải ô tô số 1 lấy cước vận chuyển 1 container 40 feet từ Hải Phòng về Hà Nội khoảng 4,5 triệu đồng, tương đương 1.800 - 2.200 đồng/km. Trong khi, nếu theo cách tính của Hiệp hội Vận tải Việt Nam hiệp thương, thì giá cước phải từ 5.000 - 7.000 đồng/km mới hợp lý. Do đó, để bù lại phần chênh lệch này, các doanh nghiệp vận tải thường chở quá tải, thậm chí là từ 2 - 4 lần tải trọng cho phép trên mỗi chuyến chở hàng.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cho biết, họ đồng tình với chủ trương kiểm soát tải trọng xe và chấp nhận chi phí vận tải tăng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần kiểm soát mức tăng này, tránh tình trạng các doanh nghiệp vận tải “té nước theo mưa”, đẩy chi phí vận tải lên mức cao bất hợp lý. Đồng tình với nhận định này, nhiều người dân lo lắng, mặt bằng hàng hóa nói chung cũng sẽ được đẩy lên so với trước.
Bài và ảnh: Tiến Hiếu