Đặc biệt, các thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Cần Thơ và thành phố Cà Mau (Cà Mau) có chỉ số tia UV trên 10.5 (mức cảnh báo cao nhất, rất nguy hiểm).
Trong ngày 29/3, Tây Nguyên và Nam Bộ đều có nắng nóng, nhiệt độ trên 35 độ C, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng diện rộng. Dự báo, vào thời điểm 12 giờ ngày 29/3, khi tia cực tím đạt mức cực đại, chỉ số tia UV tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ở mức 10.8, thành phố Cần Thơ ở mức 10.7, thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 10.6. Khi tia UV có mức chỉ số trên 10.5 gây nguy cơ làm tổn thương da và mắt khi tiếp xúc trực tiếp trong 15 phút mà không được bảo vệ.
Trong ngày 29/3, các thành phố có chỉ số tia UV dự báo đạt mức có nguy cơ gây hại rất cao đến cơ thể người gồm: thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 8.6, thành phố Hải Phòng ở mức 7.6, Thủ đô Hà Nội ở mức 8.6, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) ở mức 9.9, thành phố Đà Nẵng ở mức 10.1, thành phố Hội An (Quảng Nam) ở mức 9.8, Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 10.5.
Từ ngày 30/3 đến ngày 1/4, chỉ số tia UV cực đại trong ngày tại các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ có sự dao động, ngày 30/3 ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, từ ngày 31/3 đến ngày 1/4 giảm dần và ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao. Các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ, Nam Bộ có chỉ số tia UV cực đại đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần phòng tránh tác hại của tia UV bằng cách mặc quần áo dài tay tối màu, có khả năng chống nắng, đội mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm có tròng kính chống nắng để bảo vệ mắt. Người dân cần bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.
Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp phía Tây nên nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2/4. Từ ngày 30/3, nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Các tỉnh, thành phố phía Đông Bắc Bộ có nắng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35-36 độ C.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng chống các tác hại của nắng nóng, người dân không nên làm việc quá lâu, đi lại hoặc chơi thể thao trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sau mỗi một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng, người lao động nên nghỉ giải lao khoảng 15 phút; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất).