Những ngày đầu năm mới, trong cơ sở sản xuất hoa tại huyện Mê Linh, anh Đinh Văn Tuấn, chủ doanh nghiệp, mặt lấm tấm mồ hôi, tất bật, tỉ mỉ kiểm tra những tác phẩm “hoa bất tử" vừa hoàn thành.
Nhìn những chiếc lá xanh mướt, những bông hoa màu sắc tươi tắn, “e ấp” khoe sắc trong những chiếc bình thủy tinh trong suốt, anh Tuấn hồ hởi, vì sắp có những tác phẩm nghệ thuật ưng ý phục vụ khách hàng.
Sáng sớm hàng ngày, anh Tuấn cùng nhân viên của mình “luôn chân luôn tay”, chăm chút, lau chùi từng bình hoa sáng bóng và sắp xếp ngay ngắn lên xe hàng chuyển đi… Mỗi sản phẩm hoa mang thương hiệu quê hương Mê Linh, anh Tuấn đều đặt trọn tâm huyết, với mong muốn “những đứa con tinh thần” sau nhiều tháng ấp ủ, có thể đến tay khách hàng trong diện mạo chỉn chu, đẹp mắt nhất.
Sinh ra và lớn lên tại "thủ phủ hoa” Mê Linh, hàng ngày chứng kiến bà con chịu thương, chịu khó, sớm hôm ngoài ruộng để chăm sóc cho từng gốc cây hoa, nhưng cảnh được mùa mất giá, mất mùa được giá, luôn khiến anh Tuấn trăn trở, làm thế nào để san sẻ “gánh nặng” với nông dân tại địa phương?
Từ năm 2017, anh Tuấn dành hết tâm huyết của mình tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những tiền bối đi trước như: Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu, bà Lê Thị Việt - người lập nghiệp thành công nhờ công nghệ làm “hoa bất tử”... và nghiên cứu công nghệ làm hoa của các nước trên thế giới.
Mặc dù giai đoạn đầu nhiều thử nghiệm trên hoa Mê Linh gặp thất bại, tiền tích cóp hàng trăm triệu cũng không còn, khiến anh không dưới một lần muốn từ bỏ. Những lúc đó, nhớ lại mục tiêu san sẻ gánh nặng cùng bà con nông dân và khát khao nâng tầm giá trị hoa Mê Linh, anh như được tiếp thêm động lực để tiếp tục cần mẫn, tìm kiếm phương pháp giải quyết những khó khăn. Trong năm 2019, anh Tuấn mày mò, sáng tạo phương pháp ướp hoa của riêng mình, kết hợp với những công nghệ tiên tiến từ Philippines.
Để tạo nên những bình hoa như hiện tại, phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều cẩn trọng, đầu tư thời gian, công sức.
Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi chọn những bông hoa tươi, đẹp nhất để cho vào khuôn cát biển Nhật và tạo dáng cho bông hoa. Sau đó, hoa sẽ được sốc nhiệt từ 7 - 10 ngày và tiếp tục được ủ với hạt chống ẩm để đảm bảo hơi nước sẽ không xâm nhập, hoa luôn trong trạng thái khô ráo, đúng màu, đúng dáng. Ủ hạt chống ẩm 3 ngày, thì chúng tôi cho ra ngoài, tỉa lại cánh hoa, cắm vào bình, tạo phom dáng và cuối cùng dán nắp bình thật kín...”.
Anh Tuấn cho biết: “Màu sắc, phom dáng của những bình hoa bất tử có độ bền từ 10 - 20 năm, mang đến giá trị về thời gian cho người tiêu dùng chơi hoa, so với những bông hoa chỉ sử dụng trong 2 - 3 ngày".
Với sự cần mẫn, ham học hỏi, đến nay anh Tuấn đã thành công áp dụng công nghệ làm hoa bất tử trên nhiều loài hoa như: Hoa hồng, hoa cúc, hoa súng, hoa cẩm chướng, hoa lan... Hiện tại, 80% đơn hàng của cơ sở là các bình hoa bất tử, được khách hàng đón nhận tốt.
Các sản phẩm “hoa bất tử” tại cơ sở của anh Tuấn đa dạng kích thước, kiểu dáng, giá cả và chủng loại hoa. Giá cả một sản phẩm dao động từ khoảng 200.000 - 7 triệu đồng/sản phẩm tùy theo kích cỡ và loại hoa. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh Tuấn bán khoảng 700 - 800 sản phẩm, thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh Tuấn có 15 - 20 người làm việc tùy từng thời điểm. Mỗi người phụ trách các công đoạn khác nhau trong quy trình sản xuất, thu nhập dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Không dừng lại ở việc nâng tầm các loài hoa quê hương, tạo công ăn việc làm cho bà con tại địa phương, anh Tuấn còn ấp ủ kế hoạch chuyển giao công nghệ, các công đoạn làm "hoa bất tử” cho các trung tâm, đơn vị khác.
“Hiện tại, chúng tôi chuyển giao các công đoạn như cắm hoa, làm đế, đậy nắp bình, cắm hoa vào bình... cho Trung tâm Khuyết tật đào tạo nghề nhân đạo Việt Nam gia công, vừa tạo điều kiện tăng thêm thu nhập, việc làm cho các bạn nhỏ, những người kém may mắn trong xã hội và trung tâm, vừa lan tỏa giá trị nhân văn của quê hương Mê Linh", anh Tuấn chia sẻ.