Chăm sóc y tế cho người cao tuổi - Bài 2: Gánh nặng quá tải hệ thống chăm sóc

Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là bệnh không lây nhiễm và mạn tính nên chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu khác biệt, đặc thù về chăm sóc sức khỏe so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy, ngành y tế cần đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà…); đồng thời  phối hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng.

Người cao tuổi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Gần 8 triệu lượt người cao tuổi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế

Theo khung phân tích của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các can thiệp tác động vào quá trình già hóa, nâng cao năng lực nội tại và khả năng hoạt động nhằm mục tiêu già hóa khỏe mạnh có thể chia thành 3 nhóm, trải suốt vòng đời. Trong đó, nhóm thứ nhất là can thiệp về dịch vụ y tế (bao gồm các can thiệp cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, chẩn đoán sớm và kiểm soát bệnh mạn tính ở giai đoạn 1 của quá trình già hóa, quản lý các bệnh mạn tính đã tiến triển ở giai đoạn cuối); tiếp đó là can thiệp chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi từ giữa giai đoạn 2 - giai đoạn suy giảm năng lực sống. Thứ ba là can thiệp vào môi trường văn hóa, xã hội (hỗ trợ người cao tuổi loại bỏ những rào cản trong tham gia hoạt động kinh tế, xã hội, bù đắp sự mất mát về năng lực sống ở giai đoạn cuối).

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay cả nước có 106 khoa Lão đã được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện Trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế  được đào tạo về lão khoa.

Bên cạnh đó, số người cao tuổi được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là trên 213.000 lượt; được khám chữa bệnh tại nhà là gần 80.000 lượt; người cao tuổi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là gần 8 triệu lượt. Qua khám chữa bệnh phát hiện trên 1 triệu lượt người cao tuổi có bệnh mạn tính không lây nhiễm…

Bên cạnh những kết quả trên, một số tỉnh hiện vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như khám sức khỏe định kỳ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa Lão còn thiếu; bác sỹ, điều dưỡng học về chuyên ngành lão khoa còn thiếu nên chưa tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng…

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão Khoa Trung ương cho biết: Đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi khác với các lứa tuổi khác như lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lý, các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi; sử dụng nhiều thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến.

Đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi (thường là từ 80 tuổi trở lên) thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng (hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước) có nguy cơ tai biến điều trị cao…

Đồng thời, sau khi được điều trị nội, ngoại khoa tại các cơ sở y tế khác, các bệnh nhân này có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng phụ thuộc hoàn toàn về thể chất và tâm thần, rất khó hồi phục. Chính vì vậy, việc thành lập mô hình khoa lão trong bệnh viện sẽ giúp người cao tuổi được chăm sóc một cách toàn diện và liên tục.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng bệnh không lây nhiễm

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Thời gian tới, để giải quyết những thách thức, khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, ngành y tế cần tổ chức có hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Ngành y tế cả nước cần nâng cao năng lực của tuyến cơ sở trong quản lý các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi; phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe tâm thần.


Đồng thời, Bộ Y tế cần quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với người cao tuổi. Đặc biệt, ngành cần phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mạn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng, nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn bệnh tiến triển…

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025”. Đề án được triển khai trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ưu tiên các tỉnh thành phố có tỷ lệ người cao tuổi cao, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều người cao tuổi gặp khó khăn hoặc người cao tuổi là người dân tộc thiểu số.

Theo đó, đối tượng tham gia đề án gồm: Người cao tuổi, gia đình có người cao tuổi; cấp ủy Đảng, Chính quyền và ban ngành đoàn thể; cán bộ dân số, y tế các cấp; cộng đồng nơi người cao tuổi sinh sống. Nội dung đề án tập trung vào các hoạt động như: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Đồng thời, đề án giúp nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Ngoài ra, đề án còn xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình; thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Thu Phương (TTXVN)
Chăm sóc y tế cho người cao tuổi - Bài 1: Trung bình một người già mắc 3 bệnh mãn tính
Chăm sóc y tế cho người cao tuổi - Bài 1: Trung bình một người già mắc 3 bệnh mãn tính

Hoạt động chăm sóc y tế cho người cao tuổi luôn được Bộ Y tế quan tâm để duy trì tuổi thọ và sức khỏe, phòng chống bệnh không lây nhiễm cho người già. Tuy nhiên,do tốc độ già hóa dân số ở nước ta nhanh dẫn tới hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế của người cao tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN