Để cộng đồng hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã thực hiện loạt bài viết nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10) với chủ đề “Chăm sóc y tế cho người cao tuổi”, đi sâu phân tích thực trạng sức khỏe và giải pháp, cũng như các mô hình hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.
Nhân viên y tế - bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội phục hồi chức năng cho người bệnh cao tuổi. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Việt Nam đang ở thời kỳ già hóa dân số với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Điều này đặt ra thách thức lớn, có tác động lâu dài cho sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu Theo báo cáo của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), thế kỷ 21 là thế kỷ của già hóa dân số, cứ mỗi giây có 2 người bước vào tuổi 60, mỗi năm có thêm 58 triệu người cao tuổi. Thế giới hiện có 901 triệu người cao tuổi, chiếm 12,3% tổng dân số thế giới (năm 2015) và sẽ tăng lên thành 1,4 tỷ, chiếm 16,5% vào năm 2030; đến năm 2050, số lượng người già sẽ chiếm 22%. Năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ vượt nhóm dân số trẻ em (từ 0-9 tuổi).
Năm 2050, nhóm dân số cao tuổi sẽ vượt nhóm dân số vị thành niên/thanh niên (từ 10-24 tuổi). Trên thế giới, tuổi thọ trung bình là 71 tuổi; tuổi thọ khỏe mạnh là 62 tuổi; 30,2% người cao tuổi (trên 65 tuổi) vẫn tham gia lao động; đặc biệt 67% người cao tuổi đang sống ở các nước đang phát triển- khu vực có tốc độ già hóa nhanh nhất… Châu Á - Thái bình Dương là một trong những khu vực có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới cùng với châu Mỹ La tinh, vùng biển Caribe và châu Phi.
Năm 2017, Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số. Năm 2011, người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% tổng dân số. Năm 2016 là 10,1 triệu người, chiếm 11% tổng dân số; số người cao tuổi trên 80 tuổi là 2 triệu người. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Sau 22 năm kể từ năm 2017, Việt Nam sẽ là nước có dân số già. Già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như: Tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, các dòng di cư quốc tế…
Báo cáo của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cũng nêu rõ: Tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Đồng bằng sông Hồng là khu vực có tỷ lệ người cao tuổi đông nhất, chiếm 28% và thấp nhất là khu vực Tây Nguyên chỉ có 4%. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất…
Gánh nặng bệnh tật kép Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật kép của người cao tuổi Việt cũng cao. Nước ta có khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Như vậy, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Việc chuyển mô hình các bệnh lây nhiễm sang mô hình trội các bệnh không lây nhiễm diễn ra nhanh nhất ở các nước đang phát triển trong những thập niên sắp tới.
Gánh nặng bệnh tật kép này sẽ đe dọa nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp của các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó ở nước ta, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Năm 2014, cả nước chỉ có 49/63 tỉnh có khoa lão tại các bệnh viện tỉnh và 60,8% người cao tuổi có bảo hiểm y tế.
Đồng thời, tại Việt Nam, hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; một bộ phận xã hội còn quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy…
Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian qua, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn thách thức như 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi đó xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân.
Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ,chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân cao gấp 2,2 lần so với nam giới. Đặc biệt, việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi bởi quan niệm của người Á Đông, bao gồm cả người Việt Nam thì gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già…