Lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An từ 40-70mm, có nơi trên 120mm; các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.
Ngày 5/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tiếp tục chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó với khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên biển Đông và mưa lớn diện rộng theo nội dung văn bản số 442/VPTT ngày 4/10/2021 và số 438/VPTT ngày 1/10/2021 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Theo thông tin của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, từ ngày 2-3/10, địa bàn huyện Tương Dương xảy ra mưa kèm dông, lốc, sét làm một người bị thương nhẹ do sét đánh, thiệt hại 5 nhà; 7,82ha lúa, hoa màu, 2,06 ha cây lâm nghiệp bị đổ gẫy; 637 con gia súc, gia cầm, 3,81 ha ao cá bị cuốn trôi... Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thương, thiệt hại về tài sản; huy động lực lượng khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.