Ngày 17/7, chỉ số nóng bức cực đại (HI- Heat Index) tại thành phố Hà Nội, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đạt mức 41-54 (mức nguy hiểm). Với mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Dự báo chỉ số tia cực tím đạt mức cực đại trong ngày 17/7 như sau: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 9.4; thành phố Hải Phòng ở mức 9.3; Thủ đô Hà Nội ở mức 9.4; thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) ở mức 9.3; thành phố Đà Nẵng ở mức 7.9; thành phố Hội An (Quảng Nam) ở mức 7.9, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ở mức 8.9. TP Hồ Chí Minh ở mức 9.4, thành phố Cần Thơ ở mức 9.5; thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 9.5.
Từ ngày 18-19/7, mức cường độ tia cực tím rất cao này còn tiếp tục duy trì trong ngày 18/7. Từ ngày 19/7, ngưỡng chỉ số UV cực đại ngày tại khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ có xu hướng giảm xuống mức 5-7, mức có nguy cơ gây hại trung bình đến cao. Khu vực Trung Bộ vẫn tiếp tục mức cường độ tia cực tím rất cao.
Chỉ số tia cực tím là một chỉ số đo lường về cường độ của bức xạ tử ngoại từ mặt trời tại một địa điểm cụ thể vào một ngày cụ thể. Việc tiếp xúc với tia cực tím tích lũy hay việc phơi nắng khi tia cực tím cao xảy ra thường xuyên và kéo dài, có thể dẫn đến lão hóa da sớm, đặc biệt là ung thư da.
Để tránh tác hại của tia cực tím, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân khi ra đường vào thời điểm chỉ số tia cực tím đạt đỉnh trong ngày, từ 10-14 giờ, cần đội nón rộng vành, sử dụng ô, đeo mắt kính màu sậm, dùng khẩu trang và tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát để hạn chế tác động từ tia cực tím.
Bên cạnh đó, việc bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C sẽ giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím. Mỗi người nên uống đủ khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày; sử dụng kem chống nắng mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.