Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 17 giờ ngày 31/1/2020, trên thế giới đã có 9.920 người mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), trong đó Trung Quốc 9.779 người, với 213 người tử vong đều ở Trung Quốc.
Hiện dịch đã lan ra 23 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài Trung Quốc) với 141 người mắc.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 5 người mắc nCoV, trong đó có 2 cha con người Vũ Hán, Trung Quốc. Hiện người con đã được chữa trị thành công. Người cha vẫn tiếp tục được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 3 trường hợp còn lại vừa xác định dương tính nCoV vào chiều 30/1 đều là người Việt.
3 trường hợp này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá (1 ca) và 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Cả 5 trường hợp đều có yếu tố dịch tễ liên quan Vũ Hán, trong đó 4 người từ Vũ Hán về, sang Việt Nam, 1 ca tiếp xúc rất gần (là ca người con quốc tịch Trung Quốc, đã điều trị khỏi).
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam có các ca bệnh xâm nhập không phải ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Điều này rất quan trọng. Cần hiểu dịch để đáp ứng phù hợp, nếu không sẽ ảnh hưởng an sinh người dân.
Theo ông Phu, nhiều người chưa hiểu về ban bố khẩn cấp nên quá lo sợ dịch bệnh. Thực tế, Việt Nam làm rất quyết liệt, đã ban hành kế hoạch đáp ứng theo các cấp độ giám sát cơ sở y tế.
“Người dân không nên quá hoang mang trước dịch bệnh. Đeo khẩu trang là biện pháp rất tốt để ngăn ngừa dịch bệnh. Song chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ đặc biệt. Dùng khẩu trang y tế thông thường cũng có thể phòng ngừa được virus”.
Cũng theo ông Phu, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân cần hiểu rõ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu không có việc thì không nên đến chỗ đông người; nếu không khẩn cấp thì không nên tổ chức hội họp, tổ chức đông người, có thể thay bằng hình thức khác (trực tuyến…)
Giải thích lý do Tổ chức Y tế Thế giới công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp "quan ngại quốc tế", bà Sataco Ottshu, Trưởng nhóm kiểm soát bệnh truyền nhiễm, văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng việc công bố nhằm khẳng định cần sự thiết phối hợp toàn cầu trong phòng chống dịch bệnh.
“Việc công bố không có nghĩa nâng cấp độ nguy cơ hay sự đe doạ mà dịch bệnh đang gây ra trên toàn cầu. Chúng tôi hiểu sự băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là nỗi sợ hãi của công chúng và các nhà báo về việc sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu. WHO quan ngại hơn sự lây lan của nCoV tới các quốc gia có hệ thống y tế chưa đủ mạnh”, bà Sataco Ottshu cho biết.
Bà Sataco Ottshu nhấn mạnh, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của chính phủ và ngành y tế cũng như các bộ, ngành ở Việt Nam trong giám sát, phát hiện, điều trị, khuyến cáo…
Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi về thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp do nCoV, trang thiết bị y tế, khẩu trang y tế, đường dây nóng phòng chống dịch, việc ai nên và không nên xét nghiệm đã được các chuyên gia trả lời rõ ràng thấu đáo.
Liên quan câu hỏi về kiến nghị dừng việc thổi máy đo nồng độ cồn để phòng chống lây lan dịch bệnh nCoV, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết tất cả các trường hợp thổi máy nồng độ cồn thì dùng loại ống 1 lần, tránh lây nhiễm tất cả các bệnh (qua hô hấp, tiêu hoá), chứ không riêng gì bệnh do nCoV.