Bệnh nhân đột quỵ, mắc các bệnh hô hấp tăng đột biến do rét đậm kéo dài

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài hơn 1 tháng qua đã khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế gia tăng đáng kể. Trong đó, lượng bệnh nhân về các bệnh hô hấp, đột quỵ tăng đột biến, tăng từ 25-35%. 

Tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhi đến khám bệnh, những ngày cao điểm lên đến gần 400 bệnh nhi. Thời tiết mưa rét và nhiệt độ xuống thấp khiến cho các trẻ nhỏ dễ bị nhiễm các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi họng cấp, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi.

Chị Trương Thị Dung, trú tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng trị cho biết: Thời tiết quá lạnh, con chị bị ho, khò khè và khó thở nên gia đình đưa cháu vào Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế khám bệnh và điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh hen phế quản. Cũng như gia đình chị, đa số phụ huynh đưa con vào khám bệnh tại đây đều mắc các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi.  

Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Diễm Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi Khoa Thần Kinh-Thận-Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Huế, mùa Đông Xuân năm nay nhiệt độ xuống thấp hơn so với nhiều năm trước. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi - độ tuổi miễn dịch chưa cao, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ nhất là ở các vùng đẩu, cổ, ngực và lòng bàn chân; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động hợp lý để trẻ có thể thích nghi, tạo miễn dịch nhằm đối phó với tình trạng thời tiết mưa lạnh. Các phụ huynh cần hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người trong mùa lạnh giá vì nguy cơ có nhiều người nhiễm virus cao, nhất là bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám kịp thời khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, li bì, bỏ bú, ăn kém, nhịp thở bất thường; thường xuyên giữ gìn vệ sinh thân thể và chú ý cho trẻ tiêm phòng cúm, tiêm ngừa phế cầu.

Từ tháng 12/2020 đến nay, khi các đợt rét đậm rét hại kéo dài, tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế), số người bị đột quỵ nhập viện tăng khoảng 30%, trong đó các bệnh nhân ở độ tuổi dưới 40 bị đột quỵ cũng đang có xu hướng tăng cao. Bệnh nhân đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa do chủ quan với bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch, xơ vữa mạch máu, cùng với thời tiết thay đổi, nhiệt độ giảm sâu dễ dẫn đến nguy cơ xuất huyết não với tỉ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng Khoa Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Các yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ thường sẽ trội hơn về những mùa lạnh, đặc biệt là yếu tố tăng huyết áp. Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong thời tiết lạnh kéo dài, bên cạnh phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, người dân phải giữ ấm ngay cả khi ở trong nhà, tránh tiếp xúc thời thiết lạnh đột ngột; theo dõi và điều trị bệnh lý huyết áp, kiểm soát đường huyết, kết hợp với chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn.

Tường Vi (TTXVN)
Các huyện biên giới tỉnh Điện Biên chủ động phòng, chống rét cho học sinh 
Các huyện biên giới tỉnh Điện Biên chủ động phòng, chống rét cho học sinh 

Thời gian qua, các đợt không khí lạnh tăng cường đã gây rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt là ở các địa bàn vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như việc học tập của học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN