Tại Khoa nhi - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Khoa nhi - Bệnh viện Nhi Trung ương, đối tượng điều trị và can thiệp tâm lý rối loạn hành vi, tăng động giảm chú ý, tự kỷ, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ chủ yếu là trẻ tuổi và tăng lên hằng năm.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trẻ em như: Sự cô lập, thói quen sử dụng internet quá nhiều, gia đình quá nghiêm khắc, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, nỗi lo sợ bị la mắng, áp lực học tập, bị bắt nạt, sống xa gia đình, thiếu hụt tình cảm do bố mẹ ly dị…
Nếu trẻ không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ học sớm, vi phạm pháp luật, lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện, thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử…
Theo bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, hiện nay, nhiều phụ huynh và giáo viên quan niệm chưa đúng về sức khỏe tâm thần cũng như điều trị tâm thần ở trẻ nhỏ cùng sự kỳ thị của xã hội.
Nhiều trường học không muốn công bố học sinh mắc bệnh vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của trường. Một số phụ huynh không muốn thừa nhận con mình mắc bệnh, cho rằng con quá nghịch ngợm, hiếu động, không tập trung chú ý đã khiến bệnh của trẻ nặng thêm, việc điều trị sớm cho trẻ gặp khó khăn.
Để hạn chế tình trạng trẻ mắc rối loạn tâm thần, gia đình và nhà trường cần kết hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Gia đình và nhà trường tuyệt đối không tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ đang ở trong độ tuổi vị thành niên vì đây là lứa tuổi rất dễ bị kích động.