Báo chí viết về xâm hại trẻ em: Không thận trọng, sẽ vi phạm quyền trẻ em

Tình trạng xâm hại trẻ em là một trong những chủ đề được nhiều nhà báo quan tâm trong thời gian vừa qua. Một bài báo nhỏ có thể ngăn chặn được cả một tội ác lớn, nhưng chỉ một dòng tin, một tấm ảnh nhỏ được đăng cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của một đứa trẻ…

Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng tiếp nhận thông tin của trẻ em thông qua đường dây điện thoại nóng. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Thông tin sai lệch sẽ tạo thêm bi kịch

Các vụ việc liên quan đến trẻ em đều trở thành những thông tin nóng trên báo chí và trong các diễn đàn. Nhiều vụ xâm hại trẻ em được báo chí phát hiện, đăng tải, trước tiên đã tác động đến người lớn, đến gia đình và xã hội, đến các nhà hoạch định chính sách, dẫn đến việc ban hành các quyết sách và quyết định mới có lợi cho xã hội.

Đơn cử là câu chuyện bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa bạo hành dã man trẻ em, tại Biên Hòa, Đồng Nai, năm 2008 và một loạt vụ bạo hành trẻ em tại các điểm trông trẻ tư nhân diễn ra trong những thời gian gần nhau đã dẫn tới việc Tòa án xét xử các bị cáo nguyên là cô bảo mẫu đã có hành vi hành hạ trẻ em, các nhà hoạch định chính sách phải nghĩ tới việc thay đổi chính sách. Việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ sau sinh lên 6 tháng thay vì 4 tháng là một trong những thành công từ hoạt động tuyên truyền của báo chí về vấn đề này.

Tuy nhiên, thay vì đặt mình vào hoàn cảnh của nạn nhân để tìm hiểu và viết bài thì nhiều nhà báo lại “vô tư” cố gắng khai thác tận cùng nỗi đau của nhân vật, đôi khi thêm chút “gia vị” để lấy được sự quan tâm của công chúng.

Bên cạnh đó, nhiều bài báo viết về trẻ em bị xâm hại dù ẩn tên nhưng lại khai thác rất kỹ về họ hàng, gia đình, địa chỉ, trường học của nạn nhân, thậm chí công khai cụ thể tên tuổi nạn nhân, đưa ảnh nạn nhân lên nhưng không làm mờ mặt... làm ảnh hưởng tới đời sống riêng tư, tinh thần và tương lai của các em.

Nhận định về tình trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Quan hệ Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, hiện nay có một số nhà báo khi tiếp cận vấn đề liên quan trẻ em chưa có hiểu biết cụ thể và đúng về trẻ em dẫn đến quá trình tác nghiệp có sai sót không đáng có.

Nhiều bài báo, tác phẩm truyền hình khi đưa hình ảnh trẻ em lên báo chí, truyền thông dù có mục đích bảo vệ trẻ em nhưng cách thức và phương pháp không đúng, vô tình gây tổn hại tới đời sống cá nhân và tinh thần của trẻ.

Do đó, viết về trẻ em chỉ có tình thương và lòng nhiệt tình là không đủ mà cần phải có hiểu biết và kiến thức về pháp luật. Các nhà báo cần nắm vững Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, đặc biệt là Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 6/2017.

Cân nhắc mức độ thông tin

Các em học sinh Bến Tre tham gia diễu hành phát động "Tháng hành động vì trẻ em". Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em ( Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam, khi báo chí có thông tin vụ xâm hại trẻ em nên cân nhắc đưa thông tin lên báo ở mức độ nào để không làm ảnh hưởng và tổn thương trẻ. Đồng thời, phóng viên phải lập tức báo cáo thông tin đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý vụ việc.

Những thông tin khi được đăng tải lên mạng, thời gian lưu trữ khoảng 10 năm. Vì vậy, đã có trường hợp, một trẻ vị thành niên phạm tội, sau vài năm được xóa án tích trở lại cuộc sống đời thường, nhưng vết tích phạm tội vẫn lưu lại trên Internet, trên mạng xã hội, đã gây ảnh hưởng không tích cực.

Nhiều trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, khi bị báo chí khai thác đời tư kỹ càng đã không thể sống ở địa phương, cả gia đình phải bỏ đi biệt xứ. Như vậy, nếu không thận trọng, báo chí có thể sẽ vi phạm quyền trẻ em ngay khi đang tìm cách bảo vệ trẻ em.

Về vấn đề này, các chuyên gia đều có cùng quan điểm nên có quy ước chung về tên gọi nạn nhân giống như nước ngoài để không lộ danh tính. Bên cạnh đó, nhà báo không nên đưa hình ảnh về xâm hại trẻ em mà nên sử dụng các hình ảnh ẩn dụ. Trong truyền hình không nên phỏng vấn trẻ khi trẻ không đồng ý vì như vậy vô hình nhà báo đã khiến trẻ tổn thương thêm lần nữa. Nếu phỏng vấn được nạn nhân hay những người thân cần sử dụng phương pháp kỹ thuật làm méo tiếng để người nghe khó nhận biết.

Ông Đặng Hoa Nam cũng kiến nghị, các cơ quan báo chí cần tham khảo ý kiến tổ chức chuyên môn trước khi nêu hoàn cảnh gia đình, người giám hộ. Đặc biệt lưu ý trường hợp nhạy cảm vì tội phạm, nạn nhân, người giám hộ, người tố cáo… là thành viên gia đình. Thông tin nếu bị sai lệch, nhạy cảm có thể tạo thêm bi kịch.

Bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em


Đầu tháng 6/2017 tới, Luật Trẻ em (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành. Luật quy định rõ khi đăng thông tin, báo chí không được nêu chi tiết bí mật đời sống riêng tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về sức khỏe, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em...

Các bậc phụ huynh và các phương tiện truyền thông đại chúng muốn chia sẻ ảnh, thông tin trẻ em trên mạng thì phải đồng thời có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ. Nếu trẻ em từ 17 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của trẻ em đó. Luật Trẻ em cũng quy định phải bảo mật thông tin đối với trẻ em, trừ trường hợp có mục đích bảo vệ trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí ưu tiên việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc đưa tin, nhà báo cần đáp ứng các chuẩn mực tối đa về độ chính xác và nhạy cảm khi đưa tin về các vấn đề liên quan đến trẻ em; tránh sử dụng các định kiến và đưa tin giật gân để quảng cáo cho nội dung báo chí liên quan đến trẻ em.

Các nhà báo cần xem xét cẩn thận các hậu quả của việc xuất bản bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trẻ em và phải hạn chế tối đa tác hại đến các em; không đề lộ hình ảnh của trẻ em, trừ khi điều đó phục vụ rõ ràng cho lợi ích chung.

Cần sử dụng các phương pháp công bằng, công khai và thẳng thắn để quay phim, chụp ảnh khi có sự đồng ý của các em hay của người lớn có trách nhiệm, người giám hộ hay chăm sóc; thẩm định lại độ tin cậy của các tổ chức có mục tiêu nói lên hay đại diện cho quyền lợi của trẻ em; không trả tiền cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ để nói theo kịch bản...

Báo chí có vai trò điều chỉnh dư luận xã hội, cung cấp cho trẻ em kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình, lên án với hành vi xâm hại tình dục. Trong bất kỳ tình huống nào, nhà báo cũng cần tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, nắm vững pháp luật, viết đúng, hiểu đúng và phải có cái tâm khi hành nghề. Viết về trẻ em, hãy thận trọng như viết về chính con, em mình và viết cho con, em mình đọc.

Minh Huệ (TTXVN)
Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại trên môi trường mạng
Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại trên môi trường mạng

Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là gần 47%. Trong số người sử dụng internet, có một tỉ lệ lớn người sử dụng mạng Internet là giới trẻ. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều em chưa được trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN