Tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định; công tác theo dõi thi hành án hành chính của hệ thống thi hành án dân sự đã được triển khai, từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và trong việc thi hành án hành chính chưa được thực hiện hiệu quả.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chấp hành nghiêm Điều 55, 60 và Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, các cơ quan nêu trên cần thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành. Đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành trước ngày 1/7/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/3/2020.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính; chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của công dân, tổ chức đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng họp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính của địa phương, báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hành chính.

Đối với Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiếm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch thống kê, theo dõi, tổng kết công tác thi hành án hành chính để báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần tăng cường tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan.

Bộ Tư pháp chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao; phối họp với Văn phòng Chính phủ tổ chức đăng tải công khai thông tin người phải thi hành án không chấp hành án hành chính theo quy định; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ chấp hành viên để nâng cao chất lượng theo dõi việc thi hành án hành chính.

Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ, kịp thời báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đối, bổ sung, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung đối với những địa phương có khiếu kiện hành chính phức tạp, số lượng án hành chính phải thi hành lớn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung làm rõ nguyên nhân và có giải pháp giải quyết căn cơ để khắc phục những bất cập, sơ hở làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong quá trình rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm tạo nhận thức thống nhất, đầy đủ về các quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức nhà nước và các tầng lớp nhân dân.

Bộ Nội vụ bổ sung tiêu chí về chất lượng ban hành các quyết định hành chính, thực hiện các hành vi hành chính; hoàn thành nghĩa vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trong việc xét thi đua, khen thưởng, đánh giá, phân loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp; tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ thực hiện đăng tải công khai, kịp thời thông tin người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành; hướng dẫn thống nhất việc ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong hệ thống Tòa án; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp chuyển giao kịp thời bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cho cơ quan thi hành án dân sự để theo dõi theo đúng quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Thủ tướng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính và thi hành án hành chính; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành và phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát đối với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

TTXVN/Báo Tin tức
Thảo luận dự án Luật tố tụng hành chính sửa đổi
Thảo luận dự án Luật tố tụng hành chính sửa đổi

Sáng 23/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN