Xét tuyển đại học - Ý kiến từ hiệu trưởng các trường

Kết thúc đợt 1 xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học năm 2015, cách tuyển sinh mới mẻ lần đầu tiên được áp dụng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.


Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức tư vấn xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2015. Ảnh: Quý Trung – TTXVN


Tuy nhiên, khi nhìn nhận một cách tổng thể và bình tĩnh, đa số hiệu trưởng các trường đại học, nhất là các trường tốp trên lại không ngần ngại khẳng định: đây là một kỳ tuyển sinh mang tính đột phá. Kỳ thi đã cơ bản đạt được các yêu cầu và những rối loạn chỉ là hiện tượng cá biệt ở một số rất ít trong tổng thể hơn 500 trường đại học.


Rối loạn mang tính cục bộ


Những ngày qua hình ảnh hàng dài các thí sinh xếp hàng đăng ký nộp và rút hồ sơ tại một số trường đại học đã gây ra cảm giác về một sự rối loạn. Báo cáo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 42.975, trong đó có 31.877 thí sinh thay đổi trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng. So với tổng số 569.843 thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng thì con số này chiếm chưa tới 9%. Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường có số thí sinh đăng ký xét tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu.


Từ ngày 11/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại địa phương. Trên thực tế đã có hơn 11.800 thí sinh đã thực hiện được việc thay đổi nguyện vọng này ngay tại địa phương. Như vậy những thí sinh thực tế phải đi lại vất vả để thay đổi nguyện vọng chỉ chiếm 6% tổng số thí sinh được xét tuyển nguyện vọng 1 trong cả nước. Nhận xét về sự rối loạn này nhiều hiệu trưởng đại học các trường top trên cho rằng dư luận vừa qua đã thổi phồng qua mức tính chất vụ việc và những tác động ngược của bất kỳ một cuộc cách mạng giáo dục nào là điều khó tránh khỏi. Theo Tiến sỹ Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh: Nếu xét vào bản chất vấn đề, các thí sinh và gia đình chấp nhận tốn kém và vất vả đi nộp và rút hồ sơ vì thấy có lợi hơn nếu so với chi phí sẽ phải trả cho một năm học để thi lại đại học.


Vì thế theo tôi các gia đình và thí sinh này tuy có trách Bộ giáo dục không hướng dẫn họ cách đăng ký thay đổi nguyện vọng thuận tiện hơn thì vẫn cảm ơn Bộ đã có một chủ trương mới tiến bộ hơn năm trước là biết điểm trước rồi đăng ký xét tuyển sau, trao cho con em họ cơ hội vào được một trường vừa với mức điểm và năng lực, mong muốn của mình ngay trong năm nay. Nếu chúng ta làm tốt công tác tư vấn hơn nữa thì sự xáo động sẽ nhỏ hơn.


Phó giáo sư Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: nguyên nhân của "rối loạn” còn có một phần từ sự ngộ nhận của thí sinh và gia đình vào điểm số năm nay. Do năm nay kỳ thi nhập làm 1 nên điểm số có sự thay đổi. Những thí sinh đạt 21, 22 điểm cho rằng là điểm cao nhưng thực ra chỉ là điểm trung bình. Trong khi đó một số trường tốp trên lại để mức điểm nhận hồ sơ quá thấp, chỉ ngang mức điểm sàn của Bộ Giáo dục khiến nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào mà không để ý mức điểm trúng tuyển mọi năm của các trường này rất cao. Chính điều này đã góp phần gây ra việc sau đó nhiều thí sinh lại ồ ạt rút hồ sơ khi phát hiện điểm mình cách xa điểm trúng tuyển vào trường. Vì thế Gs Đỗ Văn Dũng cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm cho Bộ Giáo dục mà các trường đại học và chính các thí sinh cũng có lỗi khi góp phần tạo ra những rối loạn dù chỉ là cục bộ ở đợt xét tuyển vừa qua.


Chất lượng tuyển sinh có tiến bộ và công bằng hơn


Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1 có hàng trăm trường đại học, cao đẳng với hơn 350.000 chỉ tiêu được xét tuyển ngay từ nguyện vọng 1 (so với năm 2014, chỉ có khoảng 50 trường xét đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng 1). Các trường này đều khẳng định so với kết quả xét tuyển đợt 1 của năm 2014, kết quả xét tuyển đợt 1 năm nay đều tốt hơn về số lượng và chất lượng. Một thành tựu là qua kỳ tuyển sinh này, lần đầu tiên giáo dục đại học của Việt Nam cho thấy sự phân tầng rõ rệt và đầy thuyết phục bằng điểm số công bằng và minh bạch của tất cả các thí sinh. Đây thực sự là một tiền đề quan trọng mà lịch sử giáo dục đại học đã phấn đấu nhiều năm nhưng chưa làm được. Tiến sỹ Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Kỳ thi vừa qua cũng đã đạt được nhiều thành công, những em đủ năng lực thì lựa chọn được ngành nghề mình yêu thích, trong khi các trường cũng tuyển được thí sinh có điểm cao ngay từ đầu.


Cần một cách làm nhẹ nhàng hơn


Đa số các hiệu trưởng đều cho rằng chủ trương đổi mới kỳ thi THPTQG là đúng đắn và tiến bộ. Kỳ thi cơ bản đạt được các yêu cầu. Tuy nhiên cách làm phải nhẹ nhàng hơn và phải chuẩn bị một hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhất để hỗ trợ thí sinh ngay tại địa phương mà không cần đi lại vất vả gây nên hiện tượng tập trung đông người. Phó giáo sư Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Đổi mới tuyển sinh là việc cần thiết và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương đúng đắn. Bộ và các trường đều đã rất nỗ lực, đặc biệt là trong 20 ngày xét tuyển vừa qua. Tuy nhiên, khi đổi mới thì phải chấp nhận đối mặt với những vấn đề khó khăn phát sinh. Không có gì có thể hoàn thiện ngay 100%, nhất là khi đây là lần đầu tiên được thực hiện. Chủ trương và ý tưởng đổi mới của kỳ thi phải khẳng định là đúng. Tuy nhiên phải chuẩn bị đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cả truyền thông để tránh tâm lý các em không an tâm khi gửi hồ sơ qua Sở Giáo dục hay qua bưu điện mà phải đích thân đi gửi hồ sơ, tập trung vào những ngày cuối gây rối loạn như vừa qua.


Phó Giáo sư Tiến sỹ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho rằng: Tình hình của trường trong đợt tuyển sinh này không nóng như mức độ báo chí phản ánh về 1 số trường khác. Nguyên nhân là ngay từ đầu trường đã định vị trường là trường tốp đầu có số lượng hồ sơ nộp đông nên đã xác định mức điểm sàn nhận hồ sơ khá cao để những thí sinh điểm thấp không mất công nộp vào trường. Trong quá trình tuyển sinh, trường cũng tư vấn trực tiếp và tư vấn online cho thí sinh, cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình hồ sơ nộp vào trường cũng như cảnh báo mức điểm không nên nộp hồ sơ nên số hồ sơ nộp vào so với chỉ tiêu không chênh lệch lớn. Trong kỳ tuyển sinh những năm tới, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc đăng ký online để giảm bớt vất vả cho thí sinh cũng như thuận tiện hơn cho các trường. Ngoài ra, Phó Giáo sư Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng thời gian xét tuyển cho mỗi đợt 20 ngày là dài, dễ gây tâm lý lo lắng, nên có thể rút gọn bớt thời gian xét tuyển.


Nhóm P/v TTXVN
Một số trường tại TP.HCM vẫn còn nhiều chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung
Một số trường tại TP.HCM vẫn còn nhiều chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung

Ngay sau khi kết thúc xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1, ngày 21/8, một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn chính thức trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành đào tạo của trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN