Tuyển sinh ĐH lộn xộn: Phạt tiền không 'ăn thua'

Dự thảo Nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Trong dự thảo, có nhiều quy định mới về xử phạt các vi phạm trong tuyển sinh, đào tạo đại học (ĐH) kể từ mùa tuyển sinh 2013. Điều này được kì vọng sẽ góp phần chấn chỉnh hoạt động tuyển sinh ĐH hiện nay vốn bị đánh giá là còn nhiều lộn xộn.

 

Chú trọng khắc phục hậu quả


Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, điểm mới của dự thảo Nghị định này là việc cụ thể hóa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả. “Theo tôi, đánh mạnh vào tiền bạc không phải là biện pháp duy nhất và quan trọng nhất của dự thảo Nghị định lần này. Thay vào đó, dự thảo Nghị định sẽ điều chỉnh lại các mức xử phạt cho hợp lí và quy định cụ thể việc khắc phục hậu quả của các hành vi vi phạm”.


Học viện Ngoại giao tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh năm 2013.

Theo ông Bằng, mức phạt tối đa được quy định trong dự thảo Nghị định này là 100 triệu đồng. “Thực tế, các trường không sợ bị phạt đến cả trăm triệu đồng. Điều họ sợ nhất là bị dừng tuyển sinh, bị cắt chỉ tiêu, bị cấm mở ngành. Căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ sẽ đưa ra những giải pháp mạnh đủ sức răn đe các trường có “ý định” vi phạm”, ông Bằng cho hay.


Trong dự thảo, nội dung liên quan đến hoạt động tuyển sinh, đào tạo của các trường ĐH được quy định khá rõ ở các mục 2 và 3, chương 2. Cụ thể, với hành vi thông báo tuyển sinh (bằng mọi hình thức) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển, triệu tập thí sinh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng; thông báo tuyển sinh không rõ ràng, không đầy đủ thông tin theo quy định bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng quy định bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng.


Những trường hợp vi phạm không chỉ bị phạt tiền mà còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 1 năm nếu vi phạm lần đầu và không thời hạn nếu tái phạm hoặc khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau số thí sinh được tuyển vượt quy định. Đối với hành vi vi phạm tuyển sinh để đào tạo từng trình độ (CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ) sẽ được phân chia mức độ vi phạm theo số lượng người học được tuyển sinh không đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Mức phạt cao nhất là 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi tuyển từ 50 người học trở lên không đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Đồng thời, trường hợp vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép vô thời hạn nếu tái phạm.


Đại diện một số trường ĐH đánh giá, dự thảo lần này đã cụ thể hóa các hành vi vi phạm, giúp việc xử lí sai phạm được dễ dàng. Tuy nhiên, Nghị định cần phải giải thích rõ các khái niệm, thuật ngữ để tránh việc “lách luật”. Chẳng hạn, thế nào là tuyển sinh; Đăng tin trên mạng, phát tờ rơi quảng cáo về trường đã là tuyển sinh chưa, hay phải đến khi học sinh đến đăng kí học? Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến này để sửa đổi trong dự thảo.

 

Sẽ thanh tra có trọng tâm


Để chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động tuyển sinh ĐH, năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Theo ông Nguyễn Huy Bằng, việc thanh tra không nhằm vào một đối tượng cụ thể nhưng sẽ có trọng tâm để qua đó tác động đến toàn hệ thống. “Chúng tôi sẽ tập trung thanh tra hoạt động liên kết đào tạo trong nước và ngoài nước, kiểm tra việc các trường có bảo đảm về chất lượng giáo dục hay không, với nội dung thanh tra gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu”. Vừa qua, Thanh tra Bộ đã kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Chỉ tiêu tuyển sinh là do Bộ giao các trường tự xác định trên cơ sở năng lực của mình nhưng một số trường đã khai man về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để xin chỉ tiêu, có trường hợp một GS có tên ở 5 - 6 trường.


5 ngành đào tạo bị thu hồi quyết định đào tạo từ năm 2013 gồm các ngành công nghệ thực phẩm, bảo vệ thực vật, khoa học thư viện, công nghệ kĩ thuật điện - điện tử của trường ĐH Lương Thế Vinh và ngành tiếng Trung của ĐH Chu Văn An. Ngoài ra, năm 2013, nhiều ngành đào tạo cũng bị đình chỉ tuyển sinh như: ngành kinh doanh thương mại (ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội), ngành kĩ thuật công trình xây dựng (ĐH Tân Tạo), ngành quản trị kinh doanh (ĐH Đồng Tháp), ngành công nghệ thông tin (ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh), ngành kế toán - quản trị kinh doanh (ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định), ngành Việt Nam học (CĐ Bách khoa Hưng Yên), ngành cơ khí (CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP Hồ Chí Minh).

Về việc xử lí các trường ĐH tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu, hoặc không tuyển đủ số lượng thí sinh, ông Bằng cho biết, năm nay Bộ không đóng cửa hay dừng tuyển sinh toàn bộ một trường nào vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhiều thí sinh. Thay vào đó, Bộ sẽ áp chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường. Các đợt thanh tra năm 2012 làm cơ sở để Bộ ra quyết định dừng tuyển sinh ở 4 trường và 11 ngành. Qua báo cáo của các trường và thanh tra lại của Bộ, Bộ đã cho 4 trường này tuyển sinh lại trong năm 2013 với chỉ tiêu hạn chế.


Theo ông Bằng, những trường đã vi phạm về tuyển sinh sẽ không được giao tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh nữa. Mặt khác, những trường, những ngành sau 3 năm thành lập mà không tuyển được thí sinh cũng sẽ bị dừng tuyển sinh.

 

Bài và ảnh: Hoàng Dương

Phát hành cẩm nang tuyển sinh trên toàn quốc
Phát hành cẩm nang tuyển sinh trên toàn quốc

Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2013” do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam biên soạn, xuất bản chính thức được phát hành vào ngày 11/3. Đồng thời, ngay trong ngày 11/3, cuốn cẩm nang này được chuyển về địa phương để phục vụ thí sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN