Ngày hội tư vấn xét tuyển được bố trí thành các khu vực tư vấn xét tuyển chuyên sâu các nhóm ngành như Khoa học tự nhiên, Công nghệ - Kỹ thuật, Y dược, Nông lâm, Khoa học xã hội, Kinh tế, Quản lý kinh doanh, Ngoại ngữ, Sư phạm, Báo chí - Truyền thông, Công an, Quân đội.
Bên cạnh đó, gần 80 gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ, trường nghề trong cả nước tập trung giới thiệu chi tiết về trường mình tới thí sinh và tư vấn trực tiếp về mức điểm, ngành học phù hợp…
Một phần gian tư vấn của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: LV |
9 giờ sáng, gian tư vấn của ĐH Bách khoa Hà Nội thu hút hàng trăm thí sinh, người nhà thí sinh.
Chị Phạm Minh Hà (48 tuổi, quê ở Hưng Yên) cho biết: “Hai mẹ con tôi lên xe khách từ 5 giờ sáng để lên Hà Nội. Tôi và cháu muốn được nghe tư vấn trực tiếp từ giảng viên, chuyên gia để có quyết định đúng. Bởi như cháu nói chỉ được thay đổi nguyện vọng 1 lần”. Được biết, mức điểm mà con chị Hà đạt được là 25 điểm, nhưng “Cảm giác vẫn lo lắng nhiều vì năm nay thấy điểm rất cao. Do đó cần có thông tin để không đăng ký nhầm”, chị Hà chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Ngày hội tư vấn xét tuyển tại Hà Nội tổ chức đúng thời điểm thí sinh cần được tư vấn nhất cho lựa chọn cuối cùng trước ngưỡng cửa vào ĐH. Đây là cơ hội tốt cho thí sinh để các em có lựa chọn phù hợp.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khuyến cáo: “Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trung bình mỗi thí sinh năm nay chỉ đăng kí 4 - 8 nguyện vọng, mặc dù không khống chế số nguyện vọng nhưng thí sinh cần cân nhắc kĩ, đừng bỏ qua cơ hội được thay đổi nguyện vọng một lần duy nhất để không sai lầm. Mặt khác, nếu có quá nhiều thí sinh có đầu điểm tương đương, các trường có thể quy định tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ có thể xem xét điểm mộttrong ba môn của tổ hợp xét tuyển hoặc xem xét ưu tiên những thí sinh có nguyện vọng 1 vào ngành, hoặc trường”.