Xuất phát từ thực tế
Tình trạng phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ cho con để chờ xét tuyển đầu cấp không còn xa lạ với Hà Nội. Chuyện xếp hàng trắng đêm để mua hồ sơ và đỉnh điểm là hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng trường ùa vào sân trường PTCS Thực nghiệm để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1 đã gây chấn động ngành giáo dục Thủ đô năm 2012. Sau sự kiện này, lãnh đạo nhà trường buộc phải in thêm đơn để phụ huynh có nhu cầu thì mua thêm, nhằm tránh gây chen lấn.
Cảnh chen chân để mua hồ sơ tuyển sinh vẫn diễn ra trong mùa tuyển sinh 2015. Ảnh: VC |
Tình trạng xếp hàng này vẫn còn tiếp diễn những năm sau đó, rải rác ở các quận nội thành. Và gần đây nhất, vào đầu tháng 5/2015, trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) bán hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6. Do lo sợ hết hồ sơ con em mình sẽ không có cơ hội vào trường, nhiều phụ huynh đi sớm để xếp hàng mua hồ sơ, xảy ra chen lấn. Từ sáng sớm, hàng trăm phụ huynh đã đứng ngóng chờ bán hồ sơ tuyển sinh. Ở cơ sở 2 của trường này cũng đông nghịt phụ huynh đi mua hồ sơ cho con.
Từ thực tế đó, ngành giáo dục Hà Nội đã nhiều lần bàn thảo để đưa ra phương án tuyển sinh để tránh tình trạng quá tải, chen chân khi nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp. Và đến năm 2016, Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh nhằm giải quyết những bất cập trong quá tải tuyển sinh xảy ra trong những năm qua.
Phụ huynh, học sinh giám sát
Theo kế hoạch của Sở GD - ĐT Hà Nội, trước thời điểm tuyển sinh (dự kiến từ ngày 1/7/2016), các trường công khai trên website của trường mọi thông tin tuyển sinh, bao gồm chỉ tiêu, đối tượng, địa bàn và thời gian tuyển sinh, cách thức liên hệ. Phụ huynh căn cứ vào thông tin này để chuẩn bị hồ sơ và đăng ký dự tuyển cho con em qua Internet; nhà trường sẽ nhanh chóng phản hồi để phụ huynh nắm được và có phương án phù hợp.
Theo đó, phụ huynh chỉ cần đăng nhập vào cổng thông tin tuyển sinh của trường để hoàn thành hồ sơ, đăng ký cho con vào lớp 1 và lớp 6. Những trường hợp được duyệt sẽ mang hồ sơ gốc đến đối chiếu và làm thủ tục.
Lãnh đạo Sở GD - ĐT Hà Nội cho rằng, cách làm này được kỳ vọng sẽ giảm bớt vất vả cho phụ huynh trong việc đi lại, hạn chế tình trạng phải xếp hàng nộp đơn dự tuyển. Tại những khu vực chưa có Internet hoặc phụ huynh không sử dụng hình thức này, nhà trường vẫn bố trí cán bộ thu nhận và hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu cấp như mọi năm.
Trước đó, Hà Nội đã có chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh đầu cấp. Việc này đã được Sở GD - ĐT triển khai từ năm 2015 nhưng do chưa hoàn thiện phần mềm. Nhưng đến nay, phần mềm tuyển sinh đã hoàn thiện, nên Sở GD - ĐT Hà Nội đã đưa vào thí điểm. Trả lời phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh đầu cấp sẽ giải quyết được nhiều tồn tại của tuyển sinh trong những năm gần đây, đặc biệt là với những trường có tỷ lệ đăng ký đông, giải quyết được tình trạng xếp hàng trắng đêm như 4 - 5 năm trước đây, công khai được thông tin rút - nộp hồ sơ để người nhà và thí sinh tiện theo dõi mức điểm cao - thấp, chỉ tiêu tuyển sinh... Đây là những ưu điểm của việc tuyển sinh qua mạng. Hồ sơ được cập nhật liên tục sẽ tạo ra sự minh bạch trong tuyển sinh. Chính phụ huynh, học sinh là những người giám sát thông tin”.
Về cơ bản, phần mềm tuyển sinh qua mạng đã được hoàn tất và do những đơn vị uy tín trong lĩnh vực này đảm nhận để giúp Sở hoàn tất. Sở GD - ĐT Hà Nội đang tiến hành tập huấn cho các trường về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh. Và Sở vẫn là đầu mối nắm thông tin, dữ liệu để tránh nghẽn mạng.