Rút nộp hồ sơ - hệ lụy mới trong tuyển sinh

Chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn xét tuyển nguyện vọng 1. Lượng thí sinh đổ về các trường ĐH ở Hà Nội ngày càng đông, bởi đây mới là những ngày có tính chất quyết định trong «cuộc chạy loạn» xét tuyển.

Căng thẳng rút, nộp hồ sơ

Lần thứ hai đưa con xuống Hà Nội, trên gương mặt ông Nguyễn Thanh Bình (Trường Yên, Ninh Bình) không giấu được sự mệt mỏi giữa cái nắng oi ả. Ông Bình cho biết: «Sáng 17/8, bố con tôi vừa đáp chuyến xe sớm nhất đến bến xe. Lần trước là đưa con đi thi, lần này đưa đi xét tuyển. Chúng tôi quyết định lên Hà Nội vì đây là thời điểm quyết định của việc xét tuyển hồ sơ ở các trường ».

Khu vực của phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội đông nghịt trong những ngày này.


Ông Bình kể, không thể tưởng tượng nổi chen chân nhau nơi nộp hồ sơ. Hai bố con ông Bình túc trực tại điểm rút hồ sơ tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ 13 giờ 30 chiều, nhưng phải đến 17 giờ chiều, thủ tục rút hồ sơ mới hoàn thiện, dù đã được ưu tiên vì ở tỉnh xa. Ông Bình than thở: «Thi một kỳ thi mà như vài kỳ thi. Đi rút hồ sơ mà cũng như đi thi vậy, nhìn đứa trẻ nào cũng căng thẳng. Tôi không biết gì về công nghệ cả, chỉ đứng để hỗ trợ con mà cũng thấy chóng cả mặt. Giờ này cha con tôi lại tranh thủ xuống Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông để nộp hồ sơ cho cháu. Hy vọng được nhà trường chấp nhận vì nghe nói từ ĐH Bách khoa xuống được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng phải mất cả tiếng do bây giờ đã là giờ tan tầm, dễ tắc đường».

Không ít thí sinh và người nhà có mặt tại Hà Nội từ sáng 17/8 để chờ đợi rút, nộp hồ sơ. Nhiều người đã thuê trọ ngay tại trường nộp hồ sơ để tiện việc đi lại.

Cán bộ Phòng đào tạo ĐH Bách khoa cho biết, từ 5 ngày nay, khu vực rút hồ sơ ĐH Bách khoa Hà Nội đông nghịt người. Có khoảng 3.300 lượt hồ sơ đã được rút ra. Tại trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, lượng thí sinh đổ về cũng khá đông. Từ vài ngày nay, hệ thống máy tính của trường đã được bổ sung để làm công tác nhập điểm, thay đổi nguyện vọng… nhằm tạo điều kiện giúp thí sinh rút hồ sơ một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều thí sinh phải đợi đến hôm sau mới hoàn thành được thủ tục rút hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng.

Điểm chuẩn chưa biết chuẩn

Trong các ngày từ 10 - 15/8, nhiều thí sinh tưởng như đã ở trong vòng an toàn; nhưng từ ngày 15/8 đến nay, thứ hạng liên tục thay đổi, do lượng hồ sơ mới được cập nhật. Thí sinh Nguyễn Thu An (Nam Trực, Nam Định) đạt 23,5 điểm, đặt hồ sơ vào ĐH Ngoại Thương, vừa phải rút hồ sơ vì theo thông báo của nhà trường, điểm chuẩn an toàn của trường tính đến ngày 17/8 là 24 điểm.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, trường sẽ liên tục cập nhật mức điểm trong những ngày cuối để thí sinh chủ động trong việc rút, nộp hồ sơ. Mức điểm an toàn có thể biến động tăng lên tùy thuộc vào số lượng thí sinh điểm cao nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Tính đến 17 giờ ngày 16/8, trường này đã có 3.286 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi số thí sinh dự kiến gọi nhập học là 2.700. Như vậy, sẽ có hơn 500 hồ sơ nằm ngoài chỉ tiêu và thí sinh cần sớm cập nhật để rút hồ sơ kịp thời hạn.

ĐH Dược Hà Nội cũng cập nhật đến ngày 15/8, theo đó có 634 hồ sơ nộp vào, trên tổng chỉ tiêu 550 sinh viên. Trong đó có hơn 100 trường hợp thuộc diện xét tuyển thẳng, cử tuyển, ưu tiên xét tuyển… Như vậy, xếp từ cao xuống thấp thì mức điểm chuẩn của trường là 25,5 điểm. Điểm số này đã tăng hơn so với 10 ngày đầu tiên từ 2- 3 điểm.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã công bố điểm chính thức sau khi trường tổ chức thi môn năng khiếu. Theo đó, trong 7 chuyên ngành Báo chí, thì ngành truyền hình lấy điểm cao nhất 21,5 điểm. Báo chí đa phương tiện và báo in đều lấy mức điểm 21. Ngành quay phim truyền hình lấy điểm thấp nhất 19 điểm. Được biết, trường lấy 435 chỉ tiêu, trong số này đã có khoảng 30- 40 thí sinh đoạt giải quốc gia được tuyển thẳng.

Theo một chuyên gia giáo dục, mức điểm an toàn sẽ tiếp tục biến động vào những ngày cuối. Chưa kể những trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc các trường hợp đăng ký xét tuyển trực tuyến chưa thể cập nhật, vì vậy vào những ngày cuối này, thí sinh cần phải liên tục theo dõi và cập nhật thứ hạng của mình tại trường nộp hồ sơ, để sớm có phương án nhằm đảm bảo có thể đỗ vào một trường ĐH. 

Lê Vân
Thí sinh, nhà trường đều  vật vã  vì xét tuyển
Thí sinh, nhà trường đều vật vã vì xét tuyển

Những ngày cuối tuần, việc rút - nộp hồ sơ tại các trường ĐH vẫn diễn ra nhộn nhịp. Thậm chí, nhiều trường ĐH phải ưu tiên những thí sinh ở tỉnh xa trước,vì lượng hồ sơ quá tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN