Nửa chặng đường của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 đã trôi qua (tương đương 10 ngày). Những tưởng hình thức xét tuyển trực tuyến sẽ mang lại sự nhẹ nhàng cho thí sinh và người nhà song hàng trăm thí sinh và phụ huynh lại “khăn gói quả mướp” về Thủ đô để nộp hồ sơ trực tiếp, chờ đợi cơ hội xét tuyển.
Thuê trọ ngóng điểm xét tuyển
Chiều ngày 11/8, nhiều hàng Internet khu Chùa Láng (Hà Nội) đông nghẹt. Thí sinh Nguyễn Hoàng Hà (Hà Trung, Thanh Hóa) cho biết: “Em đã lên Hà Nội được hai hôm nay cùng với bố. Em đạt 24 điểm 3 môn, nhân hệ số là được 26 điểm, nhưng cơ hội đỗ vẫn mong manh. Những ngày qua ở quê em cũng như nhiều bạn bè nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng mạng liên tục bị rớt. Thêm nữa, việc sắp xếp thứ tự ở một số trường còn chưa chính xác. Để chắc chắn, gia đình em quyết định lên thuê trọ gần trường túc trực để xem điểm. Có vấn đề gì sẽ đến thẳng trường hỏi”.
Thí sinh chờ bên ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội chờ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Ảnh: Văn Chung |
Không chỉ ở trường ĐH Ngoại thương, tại nhiều trường ĐH như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội... thí sinh cũng đến tận nơi để nộp hồ sơ xét tuyển. Vì vậy, nhu cầu nhà trọ lại tăng vọt, không kém gì những đợt thi ĐH năm trước. Khảo sát cho thấy, nhiều thí sinh vượt hàng trăm km đi cùng với người nhà về Hà Nội nộp hồ sơ trực tiếp.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng (một phụ huynh ở Vụ Bản, Nam Định) cho biết: “Những tưởng giảm áp lực, đỗ tốn kém hơn so với mọi năm, nhưng năm nay tôi thấy các cháu còn căng thẳng hơn, như ngồi trên đống lửa. Mặc dù biết điểm, nhưng chỉ những cháu nào điểm thật cao thì mới chắc chắn đỗ. Còn lại nếu ở mức từ 17 - 22 điểm thì còn phải xem xét. Như vậy, lại một lần nữa, nhiều gia đình lại phải hành lý lên Thủ đô. Tôi cũng như một số phụ huynh khác cảm thấy tốn kém và căng thẳng”.
Thí sinh được rút hồ sơ tại trường THPT
Trước thông tin về việc thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển vất vả, tối 11/8, Bộ GD- ĐT đã có công văn đề nghị các trường ĐH, các Sở GD- ĐT hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Theo đó, thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác có thể trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành) hoặc có thể tới sở GD - ĐT địa phương hoặc tới các trường trung học phổ thông do sở GD - ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ; Giấy biên nhận thu hồ sơ của trường cũ hoặc Phiếu báo phát chuyển Hồ sơ đăng ký xét tuyển của bưu điện.
Các Sở GD- ĐT đến hết ngày 20/8 tổ chức thu nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh; cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh các thông tin thay đổi nguyện vọng của thí sinh. |
Được biết, một số trường như ĐH Kinh tế Quốc dân có bảng biểu thống kê theo tất cả các ngành, các nguyện vọng. Như vậy sẽ có hàng dài danh sách ảo, khi một thí sinh có thể có tên nhiều lần trên bảng này. Nhiều thí sinh phải tới tận phòng đào tạo nhà trường để xem điểm, hoặc nhờ sự giải thích của cán bộ nhà trường mới hiểu được chính xác nội dung của thống kê.
Hay ĐH Công nghiệp Hà Nội lại sử dụng phần mềm chỉ dành cho những thí sinh đã đăng ký xét tuyển mới có thể xem được thống kê và dự kiến có nằm trong tốp trúng tuyển hay không. Thí sinh ở bên ngoài có nguyện vọng muốn nộp hồ sơ vào trường không thể có thông tin tổng thể để xác định xem có nên chuyển hồ sơ sang trường. Trong khi đó, có trường đưa danh sách thí sinh dạng file PDF và thí sinh muốn biết thứ hạng của mình thì phải chuyển qua dạng excel để tính toán cụ thể.
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hải (Ninh Bình) cho biết: “Thực sự nhìn vào bảng thống kê hồ sơ xét tuyển chúng em như rơi vào ma trận. Em không rõ thứ hạng của mình ở đâu. Trong khi trường chỉ xếp danh sách theo 3 môn thi, không tính điểm ưu tiên. Nếu làm một cách thủ công là cộng điểm thí sinh để biết được điểm của mình thì không làm nổi, để chắc chắn em phải tới tận trường để hỏi”.
Bên cạnh đó, như lãnh đạo nhiều trường thừa nhận, do cùng một lúc lượng truy cập lên tới hàng nghìn lượt, nên website của trường có lúc nghẽn mạng. Có thí sinh cho biết phải chờ tới nửa ngày mới xem được khi truy cập ở quê.
Thí sinh và người nhà nên bình tĩnh
Dự đoán được những tình huống này, một số trường ĐH đã liên tục có nhiều kênh hướng dẫn cho thí sinh bằng cách tổ chức tư vấn trực tiếp hoặc trực tuyến để giải đáp thắc mắc. ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường tiên phong trong việc này. Những ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cảnh báo thí sinh về việc chưa hiểu về cách đăng ký xét tuyển của từng ngành mà lại đồng loạt xin rút hồ sơ.
Trước thực trạng này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT lưu ý: Thí sinh không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học, vì khi đã đỗ vào ngành đó thì thí sinh không có quyền đăng ký xét tuyển ở đợt tiếp theo. Cách thức xét tuyển năm nay nhằm tạo cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học, nhưng vẫn cần sự đồng bộ từ các trường. Vì vậy, Bộ GD - ĐT yêu cầu các trường có sự chuẩn bị kỹ hơn để giúp đỡ thí sinh trong xét tuyển.
Bộ GD - ĐT cũng khẳng định, cách xét tuyển như mọi năm đã để lọt nhiều học sinh điểm cao nhưng không đỗ. Với cách xét tuyển như năm nay, học sinh có thể tự lượng được sức mình để đăng ký xét tuyển và đổi nguyện vọng. Để đảm bảo quyền lợi và đạt được nguyện vọng, thí sinh cần phải theo sát thông tin của trường.