Thí sinh khó được điểm cao với đề thi môn sử hướng mở

Dù mới chỉ hết 2/3 thời gian, nhiều thí sinh đã hoàn thành xong bài thi môn sử của kỳ thi THPT Quốc gia. Hầu hết các thí sinh đều cho rằng đề thi sử năm nay đòi hỏi khả năng tư duy và nhận định sự kiện tốt mà không đặt nặng việc học thuộc lòng nhiều.


Tại địa điểm thi trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), những thí sinh rời phòng thi sớm có tâm trạng khá thoải mái.


Bạn Thảo (học sinh trường THPT Giao Thủy) cho biết: “Em thấy đề thi môn sử khá khó so với mặt bằng chung và khó hơn nhiều so với những đề thi thử em đã làm trước đó. Đề có sự phân hóa lớn, cần phải có kiến thức tổng hợp mới làm được chứ không đơn thuần chỉ học vẹt, học tủ. Tuy nhiên nếu các bạn chỉ muốn xét nghiệp thì vẫn có thể hoàn thành được bài thi.”

Đề sử năm nay có nhiều câu hỏi theo hướng mở hơn so với năm ngoái.

Bạn Ngọc (học sinh trường THPT Xuân Trường – Nam Định) lại chia sẻ: “Đề thi năm nay có nhiều câu hỏi mở. Nếu các bạn muốn đạt 6 hay 7 điểm thì không khó vì vẫn có những câu hỏi dễ trong nội dung sách giáo khoa để kiếm điểm, nhưng để được điểm 8 thì khá khó. Em rất thích câu hỏi về nhân tố cần phát huy để bảo vệ Tổ quốc và em chọn đó là tinh thần đoàn kết dân tộc".


Thí sinh tự do Đặng Thị Cẩm chia sẻ: "Em nghĩ đề khá khó vì nó liên quan nhiều đến tình hình chính trị và liên quan về chủ tịch Hồ Chí Minh, đề thi như vậy buộc bọn em phải có suy nghĩ và quan điểm rõ ràng, không thể học vẹt hay học tủ được".



Em Trần Thị Chang (THPT Bắc Lý - Hà Nam) nhận định: "Đề thi cũng bình thường, em làm được khoảng 50%, trong đó em thấy khó nhất là câu về Hiệp định Giơnevơ, đề thi cũng mang tính thời sự, có nói về biển đảo, rấy hay và thú vị, nhưng em không theo dõi thời sự nhiều nên viết được khá ít".



Em Ngô Văn Phong (THPT Trần Hưng Đạo) chia sẻ: "Em thấy đề như vậy là vừa sức, có câu dễ chỉ cần ôn tập chút là làm được ngay, có câu thì cần phải suy nghĩ kĩ và hiểu biết thực tế mới làm được. Em ôn tập kỹ nên làm bài khá tốt, ít nhất em nghĩ cũng phải được 6 điểm trở lên".


Gia Bảo, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Diệu, buồn nói: Đề thi sử năm nay khó vì nó trải rộng, đề có 4 câu thì chỉ có 1 câu duy nhất là câu học thuộc bài, còn lại thí sinh phải suy luận vận dụng nhiều kiến thức thì mới có thể làm được bài. Với bài làm này thì em làm trọn vẹn nhất là câu 1 còn những câu còn lại không biết có đúng không. Tương tự thí sinh Trần Quốc Hưng, Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 1, lắc đầu nói: Em không nghĩ đề sẽ ra như vậy. So với đề thi của những môn trước thì em thấy đề sử khó nhất. Nhìn vào đề em thấy hơi bị "sốc" vì đòi hỏi kiến thức của thí sinh quá nhiều và đọc câu hỏi em cũng chưa nắm bắt được ý của câu. Nói chung đề rất mở, những câu sau thì làm như một bài văn. 

Thí sinh hào hứng trao đổi sau khi kết thúc môn thi lịch sử


Trong khi đó, thí sinh Lê Bảo Hòa, trường THPT Hậu Nghĩa (Long An), thì hào hứng nói: Đề năm nay rất hay và mang tính mở, không bắt buộc thí sinh phải học thuộc lòng mà nó đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học để áp dụng vào thực tiễn. Trong các câu hỏi, em tâm đắc nhất câu hỏi "Từ nhân tố chủ quan, đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hãy lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Và thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó". Quan điểm của em, thế hệ trẻ chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Hiện nay chủ quyền về lãnh thổ đang là vấn đề rất thời sự và đó là vận mệnh của đất nước, thế hệ trẻ không được "thờ ơ" với vận mệnh của đất nước. Tuy nhiên, việc đấu tranh đó phải ở tất cả các mặt trận từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế và phải dựa theo đường lối chỉ đạo của chính phủ và chúng ta không được nghe sự kích động của thế lực thù địch.

Nhiều thí sinh hào hứng vì đề thi Sử mang tính mở không buộc thí sinh phải học thuộc lòng


Còn thí sinh Nguyễn Thúy Hằng, trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2) thì chia sẻ: Hay nhất của đề Sử năm nay là thí sinh không phải học thuộc bài nhiều mà phải dùng kiến thức của mình đã học để suy luận và làm bài. Đặc biệt, với những vấn đề đặt ra trong đề thi này đã khơi gợi và giúp thí sinh bày tỏ lòng yêu nước của mình. Trong câu hỏi 2 của phần III em đã lấy chiến tranh phá hoại để chứng minh. Qua đó em cho rằng, hiện chúng ta cũng đang phải đối đầu với những thế lực phá hoại, tranh chấp về lãnh thổ cũng đang diễn ra. Do đó, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Thầy Nguyễn Tiến Vinh, giáo viên bộ môn Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Nhìn chung đề năm nay khá hay và mang tính thời sự. Đề buộc thí sinh phải biết suy luận và vận dụng những kiến thức đã học kết hợp với hiểu biết của học sinh vào trong bài làm. So với đề minh họa của bộ thì đề này hay hơn nhiều, bởi nó tránh được lối mòn cho rằng môn Lịch sử phải là môn học thuộc lòng. Ở câu một thì đúng chất thí sinh chỉ cần học thuộc bài. Câu 2 nâng lên một cấp độ, thí sinh phải nhận biết và lựa chọn ý. Còn đối với đề câu 3 và câu 4 buộc thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học với thực tiễn. Với đề này học sinh có thể dễ dàng kiếm được điểm 5 - 6 nhưng điểm 9 - 10 thí rất khó. 

Tại TP Hồ Chí Minh, môn Sử có số lượng thí sinh dự thi thấp nhất với 18.112 em. Trong đó, với 2.974 thí sinh cụm thi Đại học Sư phạm có lượng thi đông nhất, kế tiếp là cụm thi Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh có 2.845 thí sinh.


Buổi cuối của kỳ thi THPT quốc gia thí sinh sẽ làm bài thi với môn sinh học, thời gian làm bài 90 phút. 



Ninh Thu - Lê Nguyên-Đan Phương
Công an vào cuộc vụ dùng thiết bị để đọc bài thi môn lịch sử
Công an vào cuộc vụ dùng thiết bị để đọc bài thi môn lịch sử

Trưa ngày 4/7, trao đổi với báo Tin tức, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, hiện công an vào cuộc vụ dùng thiết bị để đọc bài thi môn lịch sử

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN