Kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá, một trong những thành công trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 là đề thi được các giáo viên cũng như học sinh nhận định có tính phân loại tốt, phần nghị luận xã hội đã gắn với những vấn đề thời sự, chính trị, xã hội đang được quan tâm. Với hướng ra đề mở như vậy đã tạo được sự hào hứng trong học sinh nhưng cũng yêu cầu người chấm phải “mở”.
Vấn đề thời sự “nóng” trường thi
Đề thi Địa lý ở đợt hai kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 có câu hỏi: “Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào?”. Tiếp tục, đề thi Địa lý ở kỳ thi cao đẳng đã yêu cầu thí sinh: “Trình bày ảnh hưởng của Biển Đông đến địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển nước ta. Tại sao nguồn hải sản của nước ta bị giảm sút rõ rệt?”. Câu hỏi trong đề thi đã chạm vào đúng vấn đề thời sự đang được dư luận quan tâm.
Thí sinh thi môn Văn (khối C và D) tại Hội đồng thi Trường Đại học Công đoàn Hà Nội. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên môn Địa lý trường THPT chuyên Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, đề thi hay ở chỗ là đã đáp ứng được vấn đề thời sự, chính trị hiện tại và còn góp phần nâng cao nhận thức của những công dân trẻ tuổi bước vào đời hiểu về chủ quyền biển, đảo.
Đề thi Ngữ văn khối D, đợt hai kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được nhiều thí sinh tỏ ra hào hứng với câu 2 (3 điểm) bàn về: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”, đề thi này đã đánh trúng tâm lý của bộ phận đông đảo các bạn thí sinh và được giới chuyên môn đánh giá là khá hay. Trước đó không lâu, vấn đề “thảm họa thần tượng” đã làm nóng các diễn đàn, trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng về một loạt các sự kiện đáng báo động về tình trạng hâm hộ thần tượng thái quá của giới trẻ.
Đề Văn khối C ở kỳ thi ĐH và CĐ cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về tính thực tiễn trong đề cũng như hình thức thể hiện. TS Nguyễn Quang Trung, tổ trưởng tổ các môn Khoa học xã hội, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, cách ra đề thi ĐH, CĐ môn Ngữ văn trong những năm gần đây cho thấy cách học ở phổ thông cũng phải chuyển mình theo. “Ưu điểm trong đề Ngữ văn năm nay là giàu tính mỹ cảm, chỉ cần đọc đề là học sinh đã cảm thấy hào hứng và thấy gần gũi. Khác hẳn với những năm trước đây, đề Ngữ văn chỉ dừng lại ở những: phân tích đoạn thơ, đoạn văn, phân tích nhân vật, những câu hỏi thuộc lòng về tác giả tác phẩm… khá đơn điệu”.
Đề mở yêu cầu người chấm cũng “mở”
“Đề thi ra hướng mở nhằm tránh học sinh học vẹt và giúp học sinh biết liên hệ với những vấn đề xã hội đang được quan tâm. Do vậy việc đúng hay sai không quan trọng vì vấn đề luôn có hai chiều. Học sinh hoàn toàn có thể bình luận lại câu hỏi. Việc chấm loại đề mở như thế, những thí sinh trình bày khác với đáp án mà đúng vẫn được điểm, nhưng phải có căn cứ xác thực. Ví dụ hiện tượng mê muội thần tượng là vấn đề của xã hội, nhưng đề thi đã mở ra hai chiều để thí sinh có thể lập luận, kể cả theo chiều ngược lại”, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD & ĐT cho biết.
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, từ nay đến năm 2015, Bộ tiếp tục ra đề theo hướng này và cải tiến về chất lượng đề thi. Về cơ bản kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ theo phương án “3 chung” (chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển – PV). Bộ sẽ có những cải tiến giúp kỳ thi đảm bảo chất lượng và Bộ cũng khuyến khích các trường đủ khả năng tự chủ trong tuyển sinh. |
TS Nguyễn Quang Trung, Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ, với cách ra đề mở thì đáp án cũng nên rộng mở và yêu cầu người chấm cũng phải có năng lực tốt, kể cả với đề nghị luận văn học cũng vậy. Điều này sẽ phủ rộng cả đến đối tượng là những học sinh không tuân thủ theo cách viết rập khuôn mà thích phiêu lưu, đi ngược lại với đáp án nhưng nhìn tổng thể vẫn có thể thuyết phục. Yêu cầu này thực sự xác đáng và yêu cầu người chấm phải đáp ứng được vấn đề này. Theo quy chế chấm thi, trước khi bắt đầu chấm, Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ giám khảo để quán triệt quy chế, thảo luận đáp án, thang điểm, chấm thử. Sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm 2 vòng độc lập tại 2 phòng chấm thi riêng biệt. Nếu 2 lần chấm mà lệch từ 1-1,5 điểm đối với các môn xã hội thì 2 cán bộ chấm phải đối thoại và báo cáo trưởng môn chấm để thống nhất. Khi lệch tới 1,5 điểm thì bài thi sẽ được chấm lại lần thứ 3.
Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi năm nay đã bám sát với những vấn đề mang tính thời sự, phù hợp với lứa tuổi học sinh và có tính giáo dục thế hệ trẻ. Những năm gần đây Bộ ra dạng đề mở này khuyến khích học sinh học tập năng động, có suy luận, chính kiến của riêng mình về vấn đề đặt ra. Đương nhiên những vấn đề đó phải hết sức gần gũi với các em, không xa rời thực tế. Đề thi phù hợp với sự phát triển hiện tại, khuyến khích tính sáng tạo của học sinh. Nói xa hơn nữa là hình thành những tính cách có cá tính độc lập, có quan điểm riêng về một vấn đề nào đó.
Chia sẻ của một số giáo viên cốt cán ở bộ môn xã hội đều hy vọng với cách đổi mới trong việc ra đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới chương trình cũng như phương pháp dạy và học ở trường phổ thông.
Lê Vân