Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo “vá lỗ hổng” trong quá trình tổ chức Kỳ thi, đảm bảo tính khách quan, trung thực, lấy lại niềm tin của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Sai ở đâu, sửa ở đóĐể tổ chức tốt Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia trong những năm tới, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu ý kiến của các Sở để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung một số điểm chưa được quy định chặt chẽ trong Quy chế thi. Đặc biệt là quy định phải có cán bộ của trường đại học cùng tham gia giám sát việc chấm bài thi trắc nghiệm, làm phách bài thi tự luận.
Thí sinh sau khi hoàn thành xong phần thi cuối cùng tại Hội đồng thi THPT Tạ Quang Bửu, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN |
Về coi thi, Bộ cần quy định rõ vai trò của thanh tra cắm chốt tại các điểm thi ở các địa phương. Lưu ý chọn các Phó Trưởng điểm thi là cán bộ, giảng viên của các trường đại học có uy tín và trách nhiệm cao. Việc bảo quản đề thi, bài thi, cần quy định chặt chẽ hơn khâu giám sát; quy trình bàn giao chìa khóa và mở niêm phong cần có đủ lực lượng công an, thanh tra… chứng kiến.
Về chấm thi, Ban làm phách cần có thêm cán bộ giám sát của trường đại học; có thể cử cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm (cán bộ kỹ thuật) của các trường đại học trực tiếp tham gia chấm thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công khai rộng rãi hơn nữa số điện thoại, địa chỉ email đường dây nóng để mọi người dân kịp thời phản ánh tiêu cực (hoặc các nghi vấn tiêu cực) xảy ra trong Kỳ thi. Trên cơ sở đó, Bộ phối hợp với Bộ Công an vào cuộc bất kỳ thời điểm nào nếu nghi vấn có tiêu cực.
Trước khi công bố điểm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một bộ phận chuyên gia phân tích phổ điểm ở các tỉnh, nếu có bất thường tại địa phương nào có thể tiến hành thanh, kiểm tra ngay. Nhất là việc chấm môn tự luận Ngữ văn, nếu địa phương nào có phổ điểm cao bất thường so với phổ điểm các bài thi trắc nghiệm cần chấm thẩm định luôn.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng gian lận điểm thi như Hà Giang và Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tổ chức thi, không chỉ chú ý đến coi thi, chấm thi mà cả khâu bảo quản số liệu. Tới đây, Bộ nên rà soát lại hết các quy trình, chỗ nào hổng cần khắc phục ngay. Đặc biệt, chấp nhận kiểm soát chéo chứ không thể giao cho một người quét số liệu bài thi như ở Hà Giang.
Việc tổ chức thi và chấm thi phải được công khai, minh bạch, kèm theo giám sát xã hội. Nghĩa là, Kỳ thi cần có thành phần bên ngoài vào kiểm soát và lắp camera trong phòng thi, phòng chấm, phòng quét để người bên ngoài theo dõi chứ không làm nội bộ...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Đại học Đà Nẵng: Để kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia thực sự khách quan, công bằng, cần có một số điều chỉnh. Trong đó, cần tăng cường vai trò của trường đại học trong việc tổ chức thi ở tất cả các khâu như coi thi, chấm thi, phúc khảo... Các trường đại học phải xem đây là trách nhiệm vì chính các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển; tăng cường kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa trường đại học với các Sở Giáo dục và Đào tạo trong toàn bộ quá trình tổ chức thi.