Hoa muống biển

Khu phố ưu tiên cho người về hưu có thu nhập thấp và gia đình trong diện giải tỏa nên chẳng mấy ai thân thiết ai. Then cài, cửa đóng suốt ngày bởi thanh niên trai tráng thì ít, già cả neo đơn thì nhiều. Hai dãy phố đối diện nhau qua con đường bê tông vừa đủ chỗ cho hai xe máy tránh nhau. Các ngôi nhà cũng na ná nhau, một trệt, một lầu và một gác lửng. Sân trước khá rộng là nơi để xe cộ và phơi phóng, một vài chậu hoa kiểng rẻ tiền chơ chỏng phía trong tường rào.


Chênh chếch về hướng trái của nhà bà Tư là ngôi nhà của một người đàn ông tuổi đã lục tuần vừa mới dọn đến. Đó là ngôi nhà có nhiều sách nhất ở khu phố này. Nghe đâu ông là nhà giáo về hưu và đang theo nghề viết lách gì đó. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, nhưng hai người già chung xóm ấy chưa lần nào gặp mặt nhau. Buổi sáng khi ánh mặt trời chiếu vào sân nhà mình là lúc bà Tư đem mấy cái áo khoác cũ ra phơi, khi thì cái này, khi thì cái kia. 

Xế trưa khi ánh nắng chiếu qua dãy nhà đối diện, người đàn ông ấy cũng đem áo của mình ra phơi. Lúc đầu bà Tư nghĩ là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng khi thấy bên nhà kia vẫn phơi áo đều đặn thì bà đâm ra suy nghĩ. Có lẽ nào ông ấy cũng có những kỷ niệm đau buồn như mình. Bà chú ý từng cử chỉ của ông hàng xóm đặc biệt ấy, nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra được điều gì. Bà mon men đến gần nhà ông, nhìn kỹ từng cái áo, bà có cảm giác như đã gặp chúng ở đâu rồi, nhưng cuối cùng đành chịu, áo giống áo. Người đàn ông cũng thế, buổi sáng đi chợ ngang qua nhà bà Tư nhìn mấy cái áo bà phơi cũng thấy quen quen, cũng thấy ngờ ngợ. Hai con người ấy như hai thái cực, ông đi chợ sáng, bà đi chợ chiều. Chợ chiều và chợ sáng ở hai đầu đường nên hai người phải đi ngang qua nhà nhau, dù muốn hay không muốn. Chợ chiều thì hải sản tươi ngon hơn chợ sáng vì xe hải sản đi từ biển lên chỉ mất nửa ngày nhưng rau ráng thì đã héo úa. Chợ sáng rau tươi roi rói nhưng hải sản là đồ còn lại của ngày hôm qua. Ai cũng hiểu điều đó, nhưng ai cũng thích đi chợ sáng, có thể vì chợ sáng có nhiều món điểm tâm và quà vặt. Rồi một hôm bà phát hiện ra chiếc áo da bò màu nâu sẫm với dòng chữ Colorado được in lún phía sau lưng, bên nhà ông ấy thì bà chạnh nhớ đến kỷ niệm xưa.

***

Ngày xưa, bà cũng như bao nhiêu thanh nữ khác trên thế gian này, có một mối tình để thương để nhớ. Mối tình đầu của bà đến từ thời sinh viên trường đại học sư phạm của một tỉnh miền biển.

Ngôi trường đó như mọc lên từ đám muống biển có hoa màu tím dài dại, che chắn gió là hàng dừa xanh ngăn ngắt. Biển nơi này khá đẹp nhưng có nhiều cá dữ, tuy chưa có ai mất mạng bởi hàm răng sắc bén của chúng nhưng thương tật thì khá là nhiều. Xa xa là Cù Lao Xanh mờ ảo trong làn sương khói, trong hơi biển mặn, là điểm cuối của tầm mắt khi Thúy ngồi trên lầu giảng đường nhìn qua khung cửa kính.

Có một vật gì đó lao nhanh vào hộc bàn của Thúy, một tờ giấy nhỏ vo tròn: “Mơ màng gì thế? Xuyên đây mà, thèm hôn quá, ra ngoài uống cà phê đi”. Đúng là quỷ sứ chớ không phải học trò. Thì ra là Xuyên, cái anh chàng cũng khá điển trai nhưng ưa lý sự, Thúy gật đầu. Hai người đợi giảng viên quay mặt lên bảng là chuồn ra cửa sau.

- Ê, tính ngoại tình hả? - Thúy tấn công phủ đầu.
- Có ai yêu đâu mà ngoại tình, mà cũng có ai hơn bà đâu mà o bế…
- Xạo, ngày nào cũng thấy cõng con nhỏ đẹp đẹp vào trường cấp ba Trưng Vương.
- Bà nghĩ sao dzậy, cái xe đạp cà tàng của tui mà giai nhân nào chịu ngồi lên thì mới là lạ.
- Thế…
- Bí mật. Uống nước mía nhé.
- Gì cũng được.
- Hôm nay sao bà dễ tính bất ngờ thế.

Thúy cười, ngẫm nghĩ Xuyên ăn nói cũng có duyên thật, nghe đâu là con một và nhà cũng khá nên thi trượt mấy lượt mà chẳng phải ra chiến trường. Càng về chiều không khí càng mát, gió biển hiu hiu, đó là thời khắc tuyệt vời nhất để nhân tình đi dạo. Ở thành phố này, Thúy thích nhất con đường cặp mé biển, nó thật thơ mộng, nhất là vào những đêm sáng trăng.
- Đi dạo một vòng nha Thúy, đến nhà hàng Hoàng Hậu kiếm gì ăn tối.

- Sang thế cơ à ?

- Thì, lâu lâu cũng phải tỏ ra mình là hảo nam tử chút chứ.

Thúy lại cười bởi cô biết đó là nơi hò hẹn của những đôi tình nhân đang yêu nhau say đắm. Họ biết cách để chọn cho tình nhân một khung cảnh nên thơ, một bên là biển luôn sóng vỗ rì rào, một bên là ghềnh đá, là đồi Thi nhân. Đi bên nhau trên con đường quanh co nơi này mới cảm hết được cái đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, mới thấy mình bé nhỏ đến nhường nào. Đêm thì thanh vắng, u tịch chỉ cần một tiếng động khẽ của chiếc lá rơi cũng khiến cho người ta ôm chầm lấy nhau.

- Ừ, thì đi.

Quãng đường không xa lắm, chỉ hơn cây số nhưng Thúy và Xuyên đã đốt mất nửa tiếng đồng hồ. Nơi đây là khu du lịch, vào cổng phải mua vé, nếu không mua vé thì khi ra phải đưa hóa đơn nhà hàng cho họ xem. Chấp nhận được, bởi ngoài phần mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử thì có gì để tham quan đâu chứ, tranh và thư pháp viết vẽ bằng bút lửa thì nhiều nơi cũng có rồi. Chỉ có nhà hàng Hoàng Hậu mới là nơi cần đến. “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương, đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương…“ áp dụng vào di tích xưa nào cũng đúng. Bà Huyện Thanh Quan viết về Thăng Long thành hoài cổ mà sao như viết nơi này. May là nhà của bà Hoàng đã được người ta tu sửa và giữ gìn để làm du lịch, chứ không thì bãi Đá Trứng nơi mà xưa kia cung nữ tắm cũng theo thời gian thành hoang vu.

Chọn một bàn nhỏ nhìn xuống bãi Đá Trứng, Xuyên huyên thuyên kể về nơi này, về những ngọn sóng ở biển Quy Hòa, về Hàn Mặc Tử tài hoa nhưng bạc mệnh. Xuyên giỏi, Thúy nghĩ vậy. Người ta bảo hồng nhan bạc mệnh nhưng Thúy thấy có cô hoa hậu, á hậu nào chết yểu đâu, giàu sụ lên thì có. Tài hoa bạc mệnh giờ thì Thúy mới nghe và tâm phục. Đêm Ghềnh Ráng thật đẹp, trăng nhú lên từ biển Cù Lao Xanh, đỏ rực như hòn máu, biển lênh loang sắc hồng. Không biết có bao nhiêu văn nhân, thi sĩ đã từng ngồi nơi này; không biết có bao nhiêu mối tình đã được thêu dệt tại đây, Thúy không biết. Thúy chỉ biết ngồi trong cái không gian mơ mộng và đầy chất thơ này người ta thèm yêu, thèm một nụ hôn say đắm và Xuyên đã đáp ứng điều đó.

- Lạnh. - Thúy nói khe khẽ và rùng mình.

Hai người lại quấn vào nhau, chia nhau từng ngụm hơi ấm nhỏ. Lần đầu tiên trong đời, Thúy nhận nụ hôn của người khác giới mà không có lời tỏ tình. Yêu ư, chưa nghĩ gì. Vậy sao để người ta hôn. Có gì ghê gớm đâu, người nước ngoài biết hôn từ rất sớm. Nói thế, nhưng trong lòng con gái không nghĩ thế, cái dư vị của nụ hôn đầu đời hình như không bao giờ chịu xa lánh đôi môi họ một sát na nào.

Ra trường hai người hai ngả. Thúy chọn vùng cao bởi nơi đó khí hậu ôn hòa rất thích hợp với con gái. Xuyên cũng theo Thúy lên vùng cao nhưng công tác ở một huyện khác. Họ không thường xuyên gặp nhau bởi công việc và đường sá xa xôi. Thời gian tin nhắn và điện thoại cũng thưa dần. Tuy vậy, khi có dịp thuận tiện hoặc có ai ngang qua chỗ ở của hai người thì họ đều gửi quà cho nhau. Quà vùng cao là những chiếc áo khoác bằng nỉ hay len dày, đó là loại hàng ở đây có nhiều và rất rẻ. Mấy ai tin chuyện tặng khăn, tặng áo là lìa hay tang.

Khi hay tin mẹ đau nặng Xuyên tức tốc về nhà thì bà cũng đã mất rồi. Cô bé ngày xưa mà Xuyên thường cõng đi học trên cái đạp cà tàng của mình nay cũng đã ra trường và có việc làm ổn định đang chạy tới, chạy lui lo việc nọ, việc kia. Ngày trước, cô ở trong trại mồ côi gần đó và được mẹ Xuyên rất thương yêu coi như con của mình. Nhìn dải khăn tang lúc la lúc lắc sau mái tóc đuôi gà của cô bé ai cũng động lòng, nhất là Xuyên. Sau đám tang mẹ, Xuyên xin thuyên chuyển về quê công tác, tiện việc hương khói cho cha mẹ và trông nom cửa nhà. Lửa gần rơm làm sao khỏi cháy, nhưng có lẽ vì ân nghĩa nữa, bởi cô bé đã không ngại vất vả, gian lao chăm sóc mẹ Xuyên suốt thời gian bà đau yếu. Xuyên và cô bé ấy thành vợ chồng ba năm sau đó.

***

Bà sang nhà ông gõ cửa, vừa nhận ra ông, bà ngất xỉu ra rồi. Ông cũng chết trân, nhưng kịp trấn tỉnh, bế bà đặt lên sa lon, lấy khăn ấm lau mặt cho bà. Ba mươi năm hơn rồi còn gì. Chẳng lẽ bà mãi đợi ông đến giây phút này, để rồi quá xúc động khi gặp mà ngất đi. Ông pha cho bà ly nước trà đường nóng, đợi bà hồi tỉnh hẳn mới mớm cho bà từng muỗng nhỏ. Thời gian làm cho người ta khác đi nhiều quá, hình như càng già người càng bé lại. Ngày trước bà tròn lẳn, phốp pháp chứ đâu gầy guộc thế này. Ông kể về cuộc đời của mình, về tai nạn thương tâm của vợ và hai con nhỏ của ông. Ông không có nhiều thông tin về bà nên không biết bà đang sống ra sao. Do ngày nào cũng phải nhìn thấy những hình ảnh đau đớn của người thân nơi căn nhà cũ nên ông đã bán đi và lên mua nơi này. Ông không có ý định tìm bà bởi đâu biết bà đang sống với ai, chồng con ra sao. Còn bà, chỉ lắc đầu, nước mắt ràn rụa mà không nói gì. Vậy là rõ rồi, bao nhiêu tội lỗi đều do ông gây ra cả, bà góa bụa một đời cũng chính do ông. Khi tâm tư, tình cảm đã trở lại thăng bằng, ông hỏi:

- Sao bà biết tôi ở đây mà gõ cửa?

- Cái áo, nếu không có nó thì làm sao tui dám. Đó là cái áo của bạn tui đi du học bên Mỹ mua giúp, khó có thể trùng lặp với ai. Tui đã tặng nó cho ông và đời con gái của mình thì làm sao tui quên cho được.

Ông im lặng nhìn qua khung cửa kính, suy tư. Nhớ lại những dòng chữ mà ông viết cho bà ngày xưa, khi bà đang thả hồn ra ngoài khung cửa kính giảng đường đại học: ”Mơ màng gì thế? Xuyên đây mà, thèm hôn quá, ra ngoài uống cà phê đi“ mà buồn buồn. Đời người ngắn ngủi quá, bao ước mơ dự định chẳng bao giờ theo kịp thời gian, rồi khi mộ cỏ đắp lên là thành mây khói. Cảm ơn bà, đã can đảm đợi chờ ông suốt một đời dù biết là vô vọng, chính vì sự can đảm vô cùng đó nên có kết cục đẹp như ngày hôm nay. Ông cúi xuống hôn đôi môi đã nhàu nhĩ màu năm tháng của bà trong đắm đuối. 

Lý Thị Minh Châu
Chim núi…
Chim núi…

Bình minh, những chú chim bay từ núi về bậu đầy trước hiên nhà. Chúng cất lên tiếng hót lanh lảnh, trong veo nghe như tiếng suối, tiếng gió đang chảy tràn trong lồng ngực cô giáo và người dân bản. Một ngày mới đã bắt đầu, những giọt nắng đầu tiên rẽ mây, rẽ lá chiếu xuống mảnh sân chênh vênh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN