Chim chóc rủ nhau về hội lúa, hội sâu rầy, tranh giành cái thơm ngon, béo ngọt của đất trời, của con người hào phóng ban tặng, thét la inh ỏi. Gió cũng góp phần làm cho cái vũ điệu sinh sôi ấy thêm lộng lẫy, huy hoàng.
Lam không ở nơi này nên khi thấy sóng lúa tung tăng vui đùa, chen nhau về phía vô cùng thì không rời mắt. Lam không biết vì sao lúa gợn sóng bởi đều do gió nhưng với cỏ hay thảo mộc thân mềm thì nằm bẹp cả tuần chưa chắc đã ngóc đầu lên. Thóc bay theo những đàn chim, thóc cười hay chim reo thích thú Lam cũng không biết nữa, nhưng âm thanh ấy sao mà dễ thương vô cùng. Như tiếng nói của Trường qua điện thoại, dịu dàng nhưng nóng bỏng yêu thương. Ở tuổi Lam người ta thích nói về mái nhà, về những đứa con nhưng thiên chức làm mẹ hầu như chưa biết gì. Có biết chăng thì cũng vay mượn của ai đó trên mạng, không ngoa ngôn thì cũng góp phần làm cho đam mê, bồng bột dâng trào dễ thành nông nổi. May là Trường chất phác, thật thà. Tình yêu của Trường cũng mộc mạc, chân thành nên không ngần ngại khi đưa Lam về thăm quê nghèo của anh. Hẳn anh nghĩ để Lam có cái để suy tư, để quyết định về tương lai của mình. Trường chưa biết tuổi thơ của Lam từng gắn vào con đê làng, vào cánh đồng xanh bao la và những củ khoai lùi ngát thơm mùi thích thú. Cũng dong trâu, thả diều, chạy nhảy tung tăng. Cũng mo cơm ra đồng với vài con rô, con tép kho keo hay nhúm muối bọt giã với lá chanh cũng đưa bữa ngon lành.
Trong Lam, làng quê nào cũng còn thanh khiết dẫu không thật thuần thì vẫn hơn sự ô tạp đến thành hỗn độn của khói bụi, của chất thải độc hại mà thành phố đông dân nào cũng hào phóng biếu không cho cư dân mình. Rau quả ở quê, hái xuống là có thể ăn ngay mà không sợ chất bảo quản hay thuốc kích thích gì. Sự trong lành, tinh khiết đến từng sát na không khí giờ chắc chỉ còn ở núi thẳm rừng sâu, ở những làng quê xa xôi hẻo lánh. Lam đã yêu thích nơi này.
- Em muốn anh nói cho nghe về trường lớp ở đây, về tôn sư trọng đạo của trò và cô thầy bởi đó là nghề của em.
- Chắc chắn là em sẽ thích và luôn hài lòng bởi sự tiếp đón nồng hậu và nghĩa tình của người dân nơi này. Họ sẽ coi em như người thân của họ. Còn trường lớp thì cũng khang trang không còn cảnh phên tre mái lá như ngày nào. Học trò cũng thế, ngoan và sạch sẽ không chân đất đầu trần như anh xưa.
Lam cười, Trường cũng cười.
- Bộ mình anh đầu trần chân đất chắc?
- Anh thấy em không có một chút gì là quê.
- Không phải “một cục” mà nhiều à nha. – Lam nheo mắt chế giễu.
- Biết gì việc đồng nói anh nghe coi.
- Nhổ cỏ, bón phân thì thường quá rồi đúng không, nhưng cấy thì hơi khó đấy. Sâu quá thì mạ khó bén rễ, cạn quá thì ngả, nghiêng. Cấy không đều tay, không thẳng hàng thì chỉ có mà ăn mắng.
- Thì ra em cũng từ đồng đất quê mà khôn lớn, trưởng thành.
- Em được về thành phố vì bài văn thi của em tả rất chân, rất quê nhưng lại khá hay nên đã làm hài lòng ban giám khảo. Họ không ngờ là quê giờ vẫn thế, chẳng thay đổi gì nhiều. Còn người quê thì vẫn chất phác, thật thà, đời sống giản dị như lúa, như khoai.
- Ha… ha… Hay. Em nói thôi mà anh đã thấy hay, thấy phục em rồi.
- Chưa uốn lưỡi đấy chứ.
- Nói từ trái tim.
Lam nguýt yêu rồi đưa mắt nhìn về xa xôi, về một cuộc sống khác, về những thành thị khác. Kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng, mạnh giàu không bằng chính đôi chân của mình để nợ nần chồng chất thì thế hệ sau sẽ xoay trở cách nào khi mà tài nguyên ngày càng cạn kiệt, đạo đức suy đồi, tham ô hủ hóa tràn lan. Vì đồng tiền người ta sẵn sàng giết dần đồng loại bằng những thực phẩm chứa nhiều độc tố. Cũng có người không biết là mình đang tiếp tay cho kẻ ác nhưng những quả chín còn tươi nguyên sau hàng tháng trời không thể không làm cho họ giật mình. Giá như mọi người ai cũng thật thà chất phác như quê.
- Thật thanh bình yên ả nhưng đời sống còn nhiều khó khăn, văn minh hiện đại chưa tới.
- Nghe nói sắp có điện gió hay mặt trời rồi đó em. Em sẽ đẻ từ máy tính ra những đứa con để đời.
- Có thể bởi nơi này cảnh đẹp, không khí trong lành còn tình quê thì đậm đà thâm sâu.
- Là tiền đề để em viết.
- Cảm ơn anh nhưng bấy nhiêu thì chưa đủ, phải có chút trắc trở, chút éo le nào đó thì mới mong người đọc mở lòng.
- Có chứ em. Tình quê giờ đâu còn cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó mà ngược lại con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Cha mẹ nào không mong con cái mình hạnh phúc, thỏa lòng được yêu, được thương. Nhưng tuổi trẻ thường hay bồng bột, suy nghĩ cạn mà thành nông nổi, thành cơm không lành canh không ngọt…
Thế là đường ai nấy đi. Hậu quả là những đứa con thiếu tình thương của cha hay mẹ, hay phải bấu víu vào tình thương yêu của ông bà ngoại hay nội. Tuy không nhiều nhưng ở đây không thể là ngoại lệ. Khi có điều kiện anh sẽ đưa em đến những nơi đó. Dễ tiếp cận thôi bởi “xóm nhỏ ai cũng người nhà”.
- “Riêng cô hàng xóm lại là người dưng” chứ gì?
- Hai câu ấy anh đọc được trên báo và nhớ hoài, còn tên tác giả thì quên mất.
- Em cũng vậy. Thật là không phải, phải không anh? Ai cũng như mình thì tác giả buồn chết.
- Không đâu, cắm được câu thơ vào lòng bạn đọc là hạnh phúc lắm rồi. Người viết không mong mỏi gì hơn đâu em.
- Biết bao giờ em làm được điều đó.
Trường nhìn sâu vào mắt Lam, đôi mắt đen lay láy, đẹp đến đắm đò. Đôi mắt ấy như biển tình phẳng lặng nhưng sẽ dào dạt sóng khi vấp phải điều trái ngang. Trường yêu thật lòng. Yêu nhiều hơn anh nghĩ nhưng cuộc đời mà, chẳng ai đoán trước được đâu. Cờ tới tay mà không phất thì cũng không được.
- Đố em biết anh yêu em gì nhất?
- Im lặng là câu trả lời hay nhất phải không anh.
- Đôi mắt. Không hiểu sao, nó làm anh run lên khi chạm cái nhìn của em ban đầu. Nó ấm áp và ngọt ngào đến lạ. Nó đã theo anh vào ca, khi ra đồng hay lúc chờ giấc ngủ.
- Cảm ơn anh nhưng đôi mắt đó là đôi mắt của cha mẹ em cho em. Còn đôi mắt anh mới là đôi mắt mà chúng mình sẽ cho con mình.
- Hạnh phúc cho anh quá.
Trường ôm Lam thật chặt, đặt lên môi cô nụ hôn cháy bỏng nồng nàn. Gió từ sông thổi về mát dịu, tóc Lam bay bay bồng bềnh để lộ ra cái cổ trắng ngần khiến anh rạo rực, xuyến xao.