Cuộc hội ngộ cổ tích

Tiếng đạn pháo cứ dồn dập từ phía sau những dãy núi cao sừng sững. Những vệt sáng kèm theo những tiếng nổ chát chúa cứ vang lên không ngớt sau mỗi lần pháo nổ. Mùi khét lẹt tanh tanh tỏa khắp bản làng.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979.

Dòng người nối tiếp nhau di tản lui về phía sau để tránh né những loạt đạn tàn nhẫn từ bên kia biên giới. Tiếng gọi nhau khẩn trương dồn dập. Tiếng khóc thét của những đứa bé nép chặt vào lòng mẹ vì đói, vì sợ hãi làm xao động cả khoảng rừng xanh vốn dĩ yên tĩnh, thanh bình. Những đoàn quân đi ngược dòng người hướng về phía bắc với những đôi mắt rực lửa căm hờn.

- Quân tàn độc bá quyền. Toàn là người già, phụ nữ, trẻ con. Họ có tội gì cơ chứ mà phải rời bỏ xóm làng, quê hương. Tiếng tiểu đội trưởng Thông nói rất to kèm theo đôi mắt đỏ sọc vì giận dữ. Hai bàn tay anh cứ đan nhau và kêu răng rắc sau mỗi lần anh bẻ chúng trong sự phẫn nộ tột cùng.


- Vậy mà chúng luôn mở mồm ngon ngọt, nào là tình hữu nghị lâu đời, nào là núi liền núi, sông liền sông, anh em gắn bó keo sơn. Hứ... hứ....cái đồ... cái thứ... Mắng đến đó thì Thương im lặng vì uất ức. Trái cổ anh cứ nhảy bần bật và chạy lên, chạy xuống theo nhịp thở.

Hơn hai mươi năm làm phóng viên chiến trường, Thương đã có dịp ghi lại nhiều tấm ảnh quý giá nhưng cũng vô cùng đau xót. Từ những bức ảnh hàng trăm người bị bọn Pôn Pốt tàn sát dã man như thời Trung cổ năm 1978 ở chùa Phi Lai đến những chiếc sọ người ở Ba Chúc mà đa số là trẻ em, phụ nữ dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia... Nhiều đêm anh thức trắng để nhìn lại những bức ảnh tàn nhẫn ấy. Tàn nhẫn đến nỗi không thể nào tàn nhẫn hơn nữa. Lắm lúc Thương nghĩ: Có lẽ chúng không phải là con người như bao nhiêu con người khác trên thế gian này. Chắc vậy. Mà phải vậy nên chúng mới có trái tim sát nhân lạnh lùng đến như vậy. Giờ đây anh lại có mặt ở chiến trường phía bắc để làm chứng nhân của lịch sử giữ nước thông qua những bức ảnh lịch sử như những bằng chứng thép của cuộc đời như một chân lý công bằng với thời gian.

Ngày 24 tháng 2 năm 1979

Loạt pháo mới lại nã xối xả vào bản làng, rừng núi Bắc Kạn. Hầm công sự rung lên bần bật. Từng đoàn người lại dắt díu nhau tháo chạy trong sự hoảng hốt, lo âu. Ầm. Ầm. Một quả pháo rơi xuống phía sau đoàn người đang rồng rắn bồng bế nhau. Những bóng người ngã ập xuống triền đồi Tả Hồ Sìn. Máu chảy lênh láng. Dòng người lại tiếp tục tháo chạy vô định hướng. Mưa đầu mùa bất ngờ ập xuống. Gió thổi phần phật lạnh thấu xương da. Những dòng nước sền sệt chảy dài xuống. Một bóng người nằm bất động rất lâu trong mưa bỗng cuống cuồng cố gượng ngồi dậy:

- Cứu lấy con tôi. Bà con ơi! Đâu hết rồi cứu lấy con nhỏ. Đừng để nó chết oan tội nghiệp lắm bà con ơi!. Tiếng người phụ nữ còn rất trẻ mình bê bết máu đang bồng con trườn đi trong cơn mưa tầm tã ngày một lớn.

Đứa bé trạc ba tuổi ngơ ngác, sợ sệt cứ áp mặt vào người mẹ nó như muốn tìm hơi ấm chở che trong bom đạn hay nó đang linh cảm mẹ nó sắp đi xa không bao giờ trở về với nó nữa nên làm vậy. Từ trong công sự, cả tiểu đội đều trong thấy cảnh tượng đau lòng đến cháy ruột, cháy gan.

Tiếng đại đội trưởng Thông hét lớn:

- Đồng chí Mùi chuẩn bị vải, mền, áo mưa để lo cho đứa bé. Tôi và đồng chí Nam chuẩn bị cáng để đưa chị ấy về trạm y tế dã chiến phía bên kia đồi. Nhanh lên để không còn kịp nữa.

Ba bóng người nhảy vọt lên khỏi miệng hầm chạy băng băng về hướng hai mẹ con người phụ nữ đang nằm. Họ đâu biết rằng phía sau lưng họ còn có một người cũng bám theo với lỉnh kỉnh máy móc. Đó là Thương. Anh muốn ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi này trong sự đau đớn, phẫn nộ đan xen. Chiến tranh khốc liệt quá, vô tình quá, bất công quá bởi những nạn nhân kia chỉ là những con người hiền lành chân chất, quanh năm chỉ biết nương đồi là cuộc sống, là niềm vui.

- Người mẹ bị thương nặng quá. Chuyển nhanh lên. Còn đồng chí Mùi giữ đứa bé, kiếm gì cho nó ăn, Chắc nó đói và khát nên xanh mét. Khẩn trương lên.
Hai bóng người vội vã khiêng chiếc cáng tải người phụ nữ nhanh chóng xuất phát. Chạy lốc xốc phía sau là Mùi đang bế đứa bé. Khẩu súng AK cứ đập trên lưng đều đặn theo nhịp chạy của chị. Không hiểu linh tính thế nào mà đứa bé lặng thinh không một tiếng khóc.

- Chị gì đó ơi! Chậm lại một chút được không? Phóng viên Thương nói khẽ kèm tiếng thở hổn hển.

- Chậm làm chi? Bộ anh không thấy đứa bé sắp chết rồi đây sao?

- Tôi biết rồi. Nhưng… nhưng… nếu không thì…

- Trời đất. Có gì nói nhanh lên. Bằng không tôi bế cháu đi ngay.

- Tôi muốn chụp một tấm ảnh hai cô cháu ngay bây giờ. Hiếm hoi lắm mới có được giây phút này, chị cố giúp tôi. Nghề nghiệp phải vậy thôi chứ… chứ…

- Dầu sôi lửa bỏng như thế này mà chụp ảnh nỗi gì. Thôi được rồi. Anh chụp nhanh đi. Mùi thúc giục.

Những tấm ảnh vội vàng được thực hiện trong tiếng bom pháo đầy trời. Bên kia đồi những bóng đen xâm lược từ bên kia biên giới tràn sang lớn dần thêm. Súng giao tranh nổ quyết liệt. Núi đồi khét lẹt, lửa cháy mù trời…

Đêm 24 tháng 2 năm 2016

Trong căn hầm dã chiến của trạm quân y tiền phương, tiếng người mẹ trẻ thều thào, cố sức lắm chị mới mở được đôi mắt đôi chút rồi lại nhắm nghiền.

- Con tôi đâu rồi. Đây là đâu. Mấy ông, mấy bà cố gắng giúp con tôi. Nó còn nhỏ quá.

- Chị yên lòng, đứa bé mới ăn xong và ngủ rồi. Nó ngoan lắm. Tiếng Thương an ủi.

- Lạy trời. Con tôi khỏe hả? tôi mừng quá. Mà nó ngủ với ai?

- Nó ngủ với cô Mùi. Hai cô cháu xem ra thích nhau lắm đây. Mà cháu bé tên gì vậy?

- Nó tên Hiền. Tui đặt vậy để cháu luôn gặp điều may mắn trong đời.

Người phụ nữ đưa mắt nhìn sang chiếc thềm đá trong hang núi. Ở đó, con chị đang bá cổ một người con gái bộ đội quần áo lấm lem và ngủ thật ngon như bao nỗi sợ hãi chiến tranh, bao mất mát đau thương chưa hề đến với nó trên cuộc đời này. Chị nấc lên rồi nhắm mắt buông xuôi trong bầu không khí đau thương tràn ngập căn hầm y tế.

Bình minh. Tiếng súng vẫn không ngơi. Dòng người bộ đội lại ngược về biên giới. Đoàn quân lại đi âm thầm, uất hận. Những đôi mắt đăm đăm rực lửa vẫm chằm chằm nhìn về biên giới Việt - Trung.

- Các đồng chí thay tôi chăm sóc cháu Hiền nghe. Tội nghiệp nó vừa mất mẹ lại lạc bố. Tôi phải ra mặt trận đây. Nếu còn sống, còn có duyên may, tôi sẽ tìm được cháu sau chiến tranh. Mùi nói với cái giọng thật buồn rồi cúi xuống hôn lên đôi má của đứa bé, người đã sống cùng chị vỏn vẹn đúng 24 giờ trong hoàn cảnh thật éo le, ngang trái, đau xót vô chừng.

Mọi chuyện không giản đơn như người ta thường nghĩ. Chiến tranh biên giới phía bắc kết thúc. Mùi quay lại chiến trường xưa tìm Hiền nhưng tất cả đã không còn. Trạm quân y dã chiến cũng mất biệt. Lực bất tòng tâm. Biết sao hơn. Mùi tự nhủ lòng. Vậy mà niềm tin sẽ gặp lại đứa bé cứ thôi thúc trong lòng, trong cả những giấc mơ đêm.

Chị nhớ lắm sau cái ngày định mệnh ấy vài hôm, cả đơn vị chiến đấu của Mùi xôn xao trước bức ảnh đen trắng của phóng viên Thương ghi lại hình ảnh hai cô cháu thật xúc động. Cón bé thật dễ thương làm sao. Vậy mà...

Niềm tin ấy được bùng lên sau ba mươi bảy năm chờ đợi. Tấm ảnh kỳ lạ ấy được tái hiện trên mặt báo đúng vào dịp cả nước nhớ về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2 năm 1979. Mùi bây giờ đã là người thiếu phụ 58 tuổi nằm liệt giường sau một vụ tai nạn lao động. Chị khóc nức nở khi nhận ra tấm ảnh của thời khắc 37 năm về trước. Con bé đây rồi. Con giờ ở đâu? Mẹ rất nhớ con Hiền ơi!

Ở một vùng rừng núi khác, cũng vào thời khắc ấy đã có một người phụ nữ tuổi bốn mươi cũng khóc nức nở không kém khi nhận ra tấm ảnh của mình và người mẹ nuôi 37 năm về trước. Mẹ ơi! Mẹ đang ở đâu? Con rất nhớ mẹ.

Ngày 28 tháng 2 năm 2016

Hiền chạy vội vàng đến ôm chầm lấy bà Mùi trong khuôn mặt đầy nước mắt. Cả hai mẹ con đều khóc trước sự gặp mặt bất ngờ mà chỉ tưởng trong mơ mới có được. Với bà Mùi tiếng gọi mẹ càng thiêng liêng hơn vì mấy mươi năm qua bà chưa từng hề làm mẹ bao giờ. Hàng xóm chứng kiến cũng bật khóc vì xúc động. Đứng lặng lẽ phía trước ngôi nhà đơn sơ nhỏ bé là một người đàn ông tóc đã bạc phơ cũng rưng rưng nước mắt. Ông đã làm tròn nguyện ước của mình là tìm được hai con người trong bức ảnh của mình chụp vào tháng 2 năm 1979. Ông là phóng viên Thương.

Một cuộc hội ngộ cổ tích nhưng đã có thật giữa đời thường.

Phan Thị Anh Thư
Quà muộn
Quà muộn

Bà Ngọc yêu hoa, đặc biệt là hoa hồng. Biết mẹ mình si mê hoa, Tuấn, cậu con trai duy nhất của bà đã cho người “gọt” một phần của ngôi nhà để làm khu vườn hoa cho mẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN