Oanh nhắn tin cho tôi: “Nghỉ hè năm nay lên nhà em chơi nhé!”.
Tôi mỉm cười. Một lời mời đầy ẩn ý. Vì Oanh biết tôi chuẩn bị ra trường thì làm gì có nghỉ hè.
Nhưng tin nhắn làm tôi nhớ đến lần đầu tiên gặp Oanh cách đây hai tuần.
Tôi đang đi thực tập. Chuyến đi đã được chuẩn bị từ trong Tết. Chả là trường tôi có thông lệ hàng năm khi đến Tết Nguyên đán thì sinh viên năm cuối cũng chuẩn bị đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp. Chuyến thực tập kéo dài khoảng bốn tháng ở các đồn biên phòng nên chúng tôi được làm thủ tục sớm, sau đó về nghỉ Tết và đến nơi thực tập luôn. Tôi chọn Lào Cai vì đó là đơn vị cũ nơi tôi đã công tác trước khi vào đại học. Một niềm vui khó tả, háo hức của người đi xa lâu ngày được trở về nhà. Quê tôi ở trung du, muốn đi Lào Cai trước đây chỉ có tàu hỏa là thuận lợi nhất, ngày nay có đường cao tốc nên tàu hỏa đỡ đông người hơn. Nhưng đi tàu vẫn là trải nghiệm thú vị với nhiều người, nhất là những người hay hoài niệm như tôi. Tôi chọn ngày mười ba để mua vé ngược, theo kinh nghiệm, ngày đó những người cán bộ công chức nghỉ Tết đã đi làm hết, còn những người buôn bán chắc họ kiêng ngày này nên đi tàu sẽ tránh được cảnh chen lấn xô đẩy.
*
* *
Chờ đợi nửa buổi sáng, cuối cùng con tàu cũng từ từ xuất hiện rồi dừng bánh trước sân ga. Tôi xốc lại ba lô, bước nhanh dọc theo đoàn tàu. Toa của tôi ở cuối cùng. May quá! "Ô tô ngồi đầu, tầu ngồi cuối".
Đoàn tàu rùng mình rồi tiếp tục chuyển bánh. Tôi tìm được số ghế của mình rồi đặt ba lô lên giá. Hôm nay đúng là tàu thưa thật! Cả một khoang bốn chỗ ngồi chỉ có một mình tôi. Phía cuối toa, một nhóm sinh viên chừng năm bảy đứa đang chúi đầu vào cỗ bài lá, vừa đánh bài vừa rì rầm rồi lại cười phá lên khi một đứa thua cuộc. Hai vợ chồng một cụ già ngồi chếch dãy ghế phía bên vừa chuyện trò vừa tỏ vẻ sốt ruột. Mấy người khách đi lẻ người xem báo, người ngủ gà ngủ gật. Một chị phụ nữ còn khá trẻ ngồi hàng ghế phía bên kia, tay cầm gói xôi nhỏ vừa dỗ vừa quát đứa con gái chừng ba tuổi bắt nó ăn, đứa bé vừa lắc đầu quầy quậy vừa vùng vằng khỏi tay mẹ. Chị nhìn sang tôi vừa như thanh minh thái độ của mình vừa như nhờ cậy. Tôi dang tay đỡ đứa bé vừa chạy tới, vừa xoa đầu nó vừa nịnh: Cháu ăn đi kẻo đói là không ngoan đâu, tý nữa ai bán bim bim chú sẽ mua cho! Đứa bé giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi vẻ tò mò pha lẫn đôi chút sợ sệt, nhưng hình như nó đã nghe lời....
Mưa!
Những hạt mưa đầu xuân loang loáng lướt qua ô cửa kính càng tạo ra cảm giác lành lạnh. Con tàu như cách biệt với thế giới bên ngoài. Mới đầu xuân mà mưa đã khá nặng hạt. Bây giờ thời tiết nhiều khi không tuân theo quy luật thì phải. Mùa đông đôi khi có cả mưa rào, còn giữa những buổi sáng mùa hè có khi sương mù ở đâu tràn đến. Tôi kéo séc áo khoác, liu riu buồn ngủ, trong đầu nghĩ mông lung về những gì đã xảy ra trước khi đi thực tập. Bố nuôi tôi nói một câu xa xôi: Con đủ tiêu chuẩn để được ở lại trường!
Đối với nhiều người, ra trường được ở lại trường không phải đi biên giới là một điều mơ ước. Còn Hằng thì bảo: Em đã nói với bố về chuyện của chúng mình rồi, nói chung bây giờ mọi chuyện phụ thuộc vào anh. Rồi em tỏ vẻ giận dỗi: Hay anh có cô bé nào trên ấy?. Mọi chuyện chỉ vì trước kia tôi là chiến sỹ liên lạc của bố em, khi ông rời biên giới về trường nhận chức hiệu phó cũng là lúc tôi thi đỗ vào trường. Có thể nói tôi được như ngày hôm nay là nhờ có ông, nếu không tôi cũng sẽ như rất nhiều đồng đội khác sau hai năm nghĩa vụ trở về quê hương, rồi kiếm một công việc gì đó, rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái... Những ngày tôi làm liên lạc cho bố Hằng, ông đã dạy tôi từ việc nhỏ như rèn luyện nếp sống gọn gàng ngăn nắp của người lính, hay đến những điều lớn lao như phải cố gắng phấn đấu để sau này trở thành sỹ quan. Khi về trường, tôi nghiễm nhiên trở thành con nuôi ông hiệu phó, một đứa con nuôi không cần sự thừa nhận của pháp luật, nhưng lại được cả gia đình công nhận. Cũng chính điều đó làm tôi khó xử. Tôi không yêu Hằng, nói đúng ra đó là thứ tình cảm vừa thân thiết như anh em và đồng cảm như những người bạn, nhưng lại không phải tình yêu. Còn Hằng thì cứ vô tư thừa nhận và hi vọng. Tôi ngại khi nhận được sự quan tâm của bố, hay đúng ra tôi không đủ dũng cảm để nói rõ với ông về tình cảm của mình với em. Cả đời binh nghiệp gắn bó với biên cương, ông bà chỉ kịp có với nhau một mụn con gái, dĩ nhiên mọi tình cảm yêu thương đều dồn cả vào Hằng...
*
* *
Đến ga Bảo Hà, mưa tạnh. Tàu dừng lại mấy phút để đón trả khách. Bỗng tôi choàng tỉnh khi trước mặt xuất hiện hai cô gái. Trông họ còn rất trẻ, có lẽ phải kém tôi dăm tuổi. Một cô khẽ gật đầu xã giao chào tôi và nhoẻn miệng cười rồi ngồi xuống hàng ghế đối diện. Họ đang tâm sự về một vấn đề gì đó, qua loáng thoáng câu chuyện, tôi biết cô gái mặc bộ bò tên Mai còn cô bạn mặc chiếc áo khoác kẻ ca rô có cái răng khểnh rất duyên tên Oanh.
- Cái lão Khoa trông thế mà kém nhỉ! Cưới vợ mà không dám mời cả tao với mày. Cô tên Mai nói.
- Thì người ta lấy vợ rồi, mời chúng mình tự nhiên làm khó cho cả hai bên. - Cô gái tên Oanh đáp lại.
- Nhưng tao vẫn thấy tức, chuyện gì ra chuyện ấy chứ!
Họ ngồi rì rầm trò chuyện. Câu chuyện vô tình lọt vào tai tôi lúc được lúc mất. Nhưng qua đó tôi biết cả hai đều là công nhân của Công ty Apatít, nhà ở Bảo Hà và quan trọng là họ đều chưa có gia đình, thậm chí là chưa có người yêu. Cái cách mà họ nói chuyện vô tư lắm, thôi thì đủ các thứ chuyện từ công việc đến lương bổng, từ bạn bè đến gia đình và cả những chuyện rất... con gái. Cô tên Mai có vẻ nhí nhảnh hay nói còn Oanh trầm tính chủ yếu nghe Mai kể chuyện, thỉnh thoảng lại chêm vào một câu hỏi cho Mai kể tiếp.
Chút láu cá của anh lính sinh viên trong tôi trỗi dậy, lấy hết sức can đảm, tôi gọi:
- Oanh ơi!
Cả hai cô cùng quay sang ngỡ ngàng nhìn tôi. Biết họ còn đang nghi ngờ trí nhớ của mình, tôi tiếp luôn:
- Em không nhận ra anh à?
- Thực lòng em nhìn anh hơi quen quen, nhưng em không nhớ đã gặp anh ở đâu. Cô tên Oanh vừa trả lời vừa nhíu mày vẻ suy nghĩ.
Nhiều người khi gặp ai một lúc thường hay bị cảm giác đánh lừa là đã gặp người này ở đâu đó và chắc Oanh cũng vậy. Tôi cười thầm, sự thực thì tôi đã gặp Oanh bao giờ đâu.
- Anh cũng đi Lào Cai à? Mai vừa hỏi vừa chìa cho tôi một quả quýt nhỏ.
- Ừ. Anh là người ở Lào Cai đi học về.
Như để chứng minh cho lời nói của mình. Tôi móc ví lấy cho họ xem thẻ sinh viên. Cả hai cô cầm cái thẻ sinh viên đọc rồi lại nhìn tôi như để đối chiếu. Cuối cùng họ có vẻ tin vào sự giới thiệu của tôi.
Câu chuyện trở nên rôm rả khi có tôi là người tham gia. Oanh kể có người anh họ trước cũng là lính biên phòng đóng quân ở Mường Khương. Sau khi hết nghĩa vụ anh trở về quê rồi trưởng thành từ phong trào đoàn của xã, nay đang làm chức phó chủ tịch xã. Mỗi năm một lần các anh ấy lại tập trung họp mặt và đi thăm thủ trưởng cũ bên Văn Bàn vui lắm. Tôi cũng thấy vui vui. Những người đồng đội có thể không được may mắn như tôi nhưng bản chất của người lính biên phòng thì dù đã xuất ngũ vẫn đọng lại sâu sắc trong họ.
Tôi kín đáo ngắm Oanh. Một cô gái không xinh nhưng rất có duyên thầm. Dáng người hơi thấp đậm nhưng bù lại khuôn mặt ưa nhìn được trang điểm bằng mái tóc ngang vai rất đẹp. Đặc biệt cái răng khểnh mỗi khi cười luôn gây được cảm tình với người đối diện. Ở cô toát lên vẻ đẹp khỏe mạnh của người công nhân nhưng không kém phần duyên dáng.
- Các bạn có hay về thăm nhà không? Tôi hỏi.
- Chúng em thi thoảng được nghỉ bù mới rủ nhau về cùng - Oanh đáp.
- Anh đã đi thăm đền Bảo Hà chưa? Mai từ nãy ngồi chơi điện tử trên điện thoại di động bỗng hỏi xen vào.
- Mình chưa đi, nhưng khi nào có dịp sẽ đến thăm đền và xin cụ Hoàng Bảy cho lấy con gái Bảo Hà.
- Thì anh chưa cầu đã gặp rồi đấy. Mai vừa nói vừa hất hàm về phía bạn.
Câu nói của Mai vô tình làm tôi và Oanh bối rối.
Sình sịch, sình sịch, tầu chạy đều đều. Qua đoạn tăng - bo tàu chạy ra sát bờ sông. Sông Hồng mùa này nước như trong hơn, lững lờ chảy. Phía bên kia những đồi cây ven sông như vừa được tắm gội sạch sẽ trở nên xanh mát. Vệt nắng chiều rọi xuống dòng sông tạo thành muôn nghìn vảy cá lấp lánh. Trong tôi bâng khuâng nửa mong cho tàu nhanh về ga để kết thúc gần một ngày chờ tàu và đi tàu mệt nhọc, nửa như muốn cho tàu chạy chậm lại để có thời gian trò chuyện với hai người bạn mới...
*
* *
Tàu đến Lào Cai đã gần năm giờ chiều, chúng tôi bịn rịn chia tay. Tôi khoác ba lô, xách hộ Oanh và Mai cái túi du lịch. Chúng tôi đã có số điện thoại của nhau. Cả ba lặng lẽ rời tàu đi về phía cửa ga.
- Tạm biệt anh!
Oanh chào tôi rồi hai tay đỡ lấy cái túi du lịch.
- Chào hai bạn! Hẹn gặp lại.
Tôi ngồi xuống quán nước trước sân ga chờ người nhà ra đón, mắt nhìn theo Oanh và Mai lẫn trong dòng người đang hối hả bước, trong lòng nao nao một cảm xúc khác lạ. Hai cô bước lên một chiếc tắc xi đã chờ sẵn. Oanh ngoái lại chào tôi một lần nữa bằng nụ cười răng khểnh.
Với tôi, đi tàu ngày lẻ biết đâu lại là một ngày may mắn.