Chuyện riêng tư chưa kể

Ánh sáng vàng vọt hắt ra từ những cột điện đường phố rọi xuống bóng dáng người phụ nữ tạo một vệt quầng đen kéo dài trên con hẻm vắng. Đồng hồ trên tay Nhung đã chỉ đúng 3 giờ sáng. Chị cảm thấy nhớ chồng con đến tột cùng.

Hơn mười lăm năm làm nhiệm vụ trinh sát hiếm có thời gian để Nhung chăm sóc chồng con chu đáo như bao nhiêu người phụ nữ khác. Bao nhiêu cái Tết đã đi qua mà chị có bao giờ được đón giao thừa trong căn nhà nhỏ của mình.

Biết làm sao hơn. Nhiệm vụ mà. Cái nghiệp trinh sát đối với đàn ông đã khó khăn và nguy hiểm đến dường bao thì đối với một người phụ nữ như chị lại càng hiểm nguy gấp bội. Nhiều lần Nhung thầm nhủ: hay mình xin chuyển ngành khác để có thời gian lo toan việc gia đình nhưng nghĩ đến những đồng nghiệp đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Mới tháng trước đây chị và đồng đội đã chào vĩnh biệt trung tá Liêm, người đội trưởng kiên cường truy bắt bọn cướp của, giết người từ Hà Nội vào đây gây án. Bị truy nã gắt gao, chúng nổ súng chống trả điên cuồng và anh đã trúng đạn hy sinh trong sự tiếc thương của đồng đội. Nhung nhớ mãi lời anh căn dặn lúc sắp đi xa:

- Các đồng chí ở lại cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy phải bám sát đơn vị không được xa rời. Người dân lương thiện đang rất cần chúng ta.

Nhung nhớ lắm ánh mắt đăm đăm của người đại tá trưởng phòng luôn kiên quyết đấu tranh với bọn tội phạm; nhớ những trận đánh vào sinh ra tử để bảo vệ công lý, mang về sự công bằng cho xã hội, chị lại xua tan ý nghĩ thoáng qua ấy.

Minh họa: Trần Thắng


Có lần, đại tá trưởng phòng khuyên:

- Gia đình bây còn lắm khó khăn, hay bây chuyển công tác khác, đơn vị sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ, bây nghĩ sao?

- Con cám ơn chú. Thôi chuyện đó tính sau. Có gì con cho chú hay. Nhung tránh né.

Chiều nay vừa hết giờ làm việc, Nhung tranh thủ ghé mua cho Quang chai dầu gội đầu vì thấy lúc này đầu chồng tóc bạc khá nhiều và gàu đóng nhiều lớp trên tóc. Nhung thấy thương chồng nhiều quá vì đã lâu mình không có thời gian gội đầu cho anh bởi bộn bề công việc. Vậy mà chị có kịp về đâu. Lệnh cấp trên yêu cầu chị tham gia phá một vụ án mua bán ma túy với qui mô lớn nhất từ trước đến nay trên thành phố này. Gói xôi đậu phộng - món ăn khoái khẩu - của con Thu chị mua lúc tan tầm giờ đã nguội lạnh tự lúc nào.

Mà đâu phải là lần đầu tiên Nhung lỡ hẹn với chồng con, chuyện này đã quá thường xuyên với một nữ trinh sát như Nhung. Chỉ riêng chuyện nhịn đói, nhịn khát, hóa trang thành nhiều nhân vật khác nhau để đeo bám đối tượng nhiều ngày cũng là chuyện thường tình, thường tình đến nỗi không sao nhớ hết được trong cuộc đời trinh sát của mình. Rất nhiều lần trong lúc phá án, bọn tội phạm đã cố nài nỉ xin bỏ qua hành vi phạm tội và đánh đổi lấy bằng những số tiền khá lớn. Số tiền sẽ thay đổi nhanh chóng cuộc đời của một gia đình sỹ quan công an như vợ chồng Nhung.

Bao giờ cũng vậy, chúng đều bắt gặp một sự chối từ rất kiên quyết bằng suy nghĩ của một nữ sỹ quan công an liêm khiết như Nhung. Cũng nhiều lần vợ chồng Nhung nghe lời ra, tiếng vào của hàng xóm: vợ chồng sỹ quan công an mà nghèo rách mồng tơi. Nhà thì “bèo”, xe cộ thì “xoàng”, ai biểu hổng chịu “ăn” thì ráng chịu, mai mốt về hưu thì biết cái cảnh...

Mỗi lần gội đầu cho Quang, Nhung thường kể cho chồng nghe những buồn vui mỗi lần công tác nhưng tuyệt nhiên không hề kể về những hiểm nguy mà mình phải đương đầu. Ngược lại Quang lại kể cho vợ nghe những công việc thường ngày của người quản giáo trại giam hơn hai mươi lăm năm qua nhất là những lúc phải truy tìm phạm nhân trốn trại thật gian nan hay những khi phải làm công tác tư tưởng để cảm hóa một con người.
Nhiều lần Nhung dò hỏi:

- Em làm nghề này rồi đi công tác đêm hôm hoài, bỏ anh với con Thu ở nhà thui thủi hoài. Anh có giận hôn?

- Sao lại giận. Nhiệm vụ mà. Anh mong em hoàn thành nhiệm vụ tốt là mừng rồi. Ai cũng từ chối những việc nguy hiểm, khó khăn thì ai làm. Rồi cuộc sống người dân sẽ ra sao? Tội ác sẽ tiếp diễn và sẽ không loại trừ chúng ta. Quang cười cười rồi tát yêu vào má vợ kèm cái hôn má thật nồng nàn.

Những lúc như vậy Nhung nghe ấm lòng và hạnh phúc biết bao. Nhung hiểu chồng nói vậy để chị an lòng chớ đàn ông mà, ai cũng mong muốn được vợ mình chăm sóc, chia sẻ vui buồn từng ngày, từng giờ. Mấy năm rồi hai vợ chồng không có dịp dắt nhau về thăm ông bà tổ tiên vào những ngày lễ, Tết. Ngay cả cái ngày làm sinh nhật cho con Thu lên sáu tuổi, Nhung cũng không được ở nhà vì phải đi công tác gấp trong khi sáu cây đèn cầy đang cháy gần tàn, phía dưới là cái bánh trung thu ghi rõ hàng chữ “ mừng sinh nhật lần thứ 6 của Hoài Thu...”.

- Mẹ xin lỗi con. Mẹ phải đi thôi, khi mẹ về sẽ đưa con đi chơi công viên xem như mẹ chuộc lỗi nghe. Nói đoạn Nhung hôn con thật vội vã rồi dắt xe đi ra con hẻm nhỏ. Thỉnh thoảng chị lại ngoái nhìn hình bóng chồng con đang dõi mắt trông theo với ánh mắt thật buồn.

Có lần theo chồng về dự đám giỗ cha chồng tận miệt Năm Căn - Cà Mau, Nhung cảm nhận bực dọc của họ hàng bên chồng vì sự vắng mặt thường xuyên của mình. Có mấy ai hiểu được nỗi lòng của chị, một nữ trinh sát lặn lội bám sát địa bàn ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Nắng. Mưa. Lũ. Bão. Nhung không hề nao núng. Ngay cả giữa làn ranh sinh - tử, chị cũng không băn khoăn toán tính. Có lúc Nhung nghĩ lỡ mình có hy sinh thì sao? Quang và con Thu sẽ sống ra sao? Ai sẽ thay mình chăm sóc hai cha con? Một ý nghĩ lo lắng thoáng qua. Mình cũng là phụ nữ như bao người phụ nữ khác.

Sao mình không lo toan cho hạnh phúc riêng mình. Mình có cao thượng “ảo” lắm chăng. Không. Không. Mình là công an, là nữ trinh sát nên phải chịu nhẫn nại, hy sinh hạnh phúc của mình. Những lúc như vậy hình ảnh người trung tá đội trưởng hy sinh trên đường phố hiện về mồn một như mới hôm qua thôi. Những cái chết của bao nạn nhân vô tội bởi bàn tay của bọn tội phạm bất lương mà Nhung đã từng chứng kiến kéo về dày dò, cắn rức tâm hồn chị. Cái ác vẫn còn lởn vởn quanh đây. Không. Không. Nhất định tội ác sẽ bị từng trị thích đáng.

- Xin chào con dâu công an mới về. Dữ ác. Mấy năm rồi mới thấy cô dìa” ăn giỗ và đốt nhang cho ông già chồng. Tiếng bà Tám - má Quang nói với vẻ dè bỉu có, giận hờn có.

- Má thông cảm. Tại công chuyện của con nhiều quá nên có năm con không về được... chớ... chớ con... Nhung nói thật khẽ khàng như người có lỗi.

- Thôi cô khỏi nói tui cũng biết. Chắc lúc nầy cô làm cái chức gì bự lắm phải hôn. Bự đến nỗi không có thì giờ dìa quê chồng. Bà chì chiết,

Thấy mẹ quá giận dỗi, Quang xen vào nói nhỏ:

- Thôi tụi con xin lỗi má. Tụi con cố gắng mỗi năm sẽ về đám giỗ của cha cho má vui lòng.

Thấy con trai lên tiếng, bà Tám lặng im rồi bước tới thắp mấy cây nhang trước bàn thờ chồng, miệng bà cầu khấn:

- Ông “dìa” đây chứng giám rồi ăn cơm canh với mẹ con tui cùng bà con cô bác. Tụi nhớ xấp nhỏ nên nói vậy chớ có giận hờn gì đâu. Hồi xưa ông “hy sanh” khi đi làm cách mạng, giờ thì vợ chồng thằng Quang cũng đi làm cách mạng cho ông vui lòng.Thôi vợ chồng bây lại đây đốt nhang rồi chuẩn bị dọn xuống ăn với chòm xóm....

Bữa cơm đạm bạc thật hạnh phúc và ấm cúng biết bao. Bà Tám gắp cho Nhung những miếng thịt gà non tơ do chính tay bà nấu để “đãi” con dâu của mình với nụ cười độ lượng vô cùng. Hai mẹ con nhìn nhau thật âu yếm, ngọt ngào, chan chứa tình thương. Tội nghiệp con Thu. Nó còn nhỏ quá nên cứ trố mắt nhìn và không hiểu vì sao nội nó mới đùng đùng nổi giận rồi lại cười cười với mẹ con nó. Bà còn hứa sẽ lên thành phố chơi với nó vài tháng khi nó nghỉ hè.

Bao suy nghĩ miên man cứ nối tiếp nhau như những thước phim quá khứ dồn nén vào trái tim Nhung đến nỗi chị đã về đến cửa nhà mà không hay biết. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ. Quang ngủ gục trên chiếc bàn làm việc của mình bên chồng hồ sơ xếp ngổn ngang vì đuối sức. Chiếc đèn bàn vẫn còn sáng choang.

Trên chiếc giường nho nhỏ, con Thu đang ngủ say, tay nó ôm khư khư con gấu bông cũ mèm mà Nhung mua đã năm năm qua như một báu vật gì quý báu lắm. Không biết trong mơ nó nghĩ gì mà miệng nó cứ cười cười rất lạ. Cửa vẫn khép hờ. Có lẽ Quang cố tình khép vậy để chờ vợ về. Nhung thấy mình như có lỗi với hai cha con nhiều quá, thấy thương họ nhiều quá. Tất cả đã chịu đựng sự trống vắng, thiệt thòi, cô đơn để chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhung thấy yêu chồng con hơn bao giờ hết.

Nghe tiếng đẩy cửa, Quang thức giấc chạy đến bên vợ âu yếm nói;

- Em mới về hả ? khuya quá rồi. Chắc em đói lắm. Để anh xuống nấu cho em một gói mì tôm ăn cho đỡ đói.

- Sao anh không ngủ sớm?

- Công chuyện nhiều quá. Vả lại anh muồn đợi em về cho vui. Tội nghiệp con Thu. Nó cứ hỏi sao tối quá mà mẹ chưa về. Nó còn nói hổng biết mẹ làm nghề gì mà đi hoài, nửa đêm nghe điện thoại là mẹ đi liền. Mai nầy lớn lên nó sẽ hiểu và thương em nhiều hơn.

Nhung nhẹ nhàng tiến đến chiếc giường nhỏ, rón rén vén chiếc mùng rồi hôn lên khuôn mặt mũm mĩm của con đang say ngủ. Trên chiếc bàn nhỏ, tô mì gói đang bốc lên những sợi khói bay lên làm khuôn mặt Quang khi mờ khi tỏ theo kèm nụ cười thật độ lượng, bao dung.

Ngoài khung cửa sổ, ánh trăng khuya bỗng sáng rực lên thật kỳ diệu như muốn chứng kiến, muốn xẻ chia niềm hạnh phúc thật giản đơn của đôi vợ chồng trẻ đã và đang sống đẹp cho đời.

(Tặng các nữ công an trinh sát)
Song Anh
Thằng Bùm
Thằng Bùm

Không ai biết tên thật của hắn, hắn bao nhiêu tuổi, cũng không biết tại sao hắn lại nửa khùng nửa tỉnh. Mà thật! mấy ai quan tâm đến cuộc sống của một tên khùng bao giờ. Nhưng sự xuất hiện của hắn khiến ai cũng thích thú…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN