Diệu từng được uống siro thanh mai một người bạn mang về từ núi Lanbiang cùng với những chùm hoa thanh mai khô thơm dịu và Diệu đem ép trong tấm ốp điện thoại; Nhưng đây là lần đầu tiên Diệu sẽ được nhìn tận mắt những chùm trái vàng cam lẫn tim tím, nho nhỏ, chỉ mới nhìn thôi đã nhẩn nha trong miệng vị chua chua, ngòn ngọt như Khánh từng kể. Thế nhưng, trái với tưởng tượng của Diệu, không có những chùm trái lúc la lúc lỉu, mềm mại như dâu tằm, cắn nhẹ đã thấy mê man vị chua dịu dào qua cuống họng, đậu lại vị ngọt nhẹ trên đầu lưỡi.
Diệu tìm tòi mỏi mắt cũng chỉ thấy những trúc tre, sen, súng và những con đường quanh co vắng lặng. Không có mai, càng không có hồng để ứng với tên gọi Persimon Village (Làng Hồng) một thời. Sư cô chùa Tư Nghiêm, vốn người Dieulivol tỏ ý không hiểu khi Diệu hỏi về trái thanh mai. Diệu không biết tiếng Pháp gọi thanh mai là gì, chỉ có thể mô tả rất mơ hồ và tất nhiên sư cô lắc đầu ý rằng ở đây chỉ có mận là thứ trái đặc trưng, nếu quả thực có trái thanh mai như Diệu nói thì có lẽ từ thời xa lắc nào, mấy chục năm trước, khi Mai Thôn chưa ra đời.
Hơn hai chục năm trước, khi Hòa thượng Thích Nhất Hạnh lập nên và gọi tên Mai Thôn dựa theo trí tưởng về rừng mai hoa nở, có lẽ ngài không nghĩ rằng rồi đây Plum Village không chỉ là điểm dừng chân, tưởng nhớ làng quê Việt thời quá vãng mà còn là nơi mà người vùng lân cận Bordeaux thường xuyên ghé đến như chốn thiền định. Khánh từng sống ở Mai Thôn, anh hoàn toàn tỉnh táo, chẳng lẽ có sự lầm lẫn nào ở đây.
Bặt tin Khánh sau lời đoạn tình, mới đó đã mười năm. Chuyến này, Diệu sẽ sang ở hẳn. Nghe Diệu bảo muốn đi đâu đó chơi để đỡ quẩn chân trong khi mình đang bận công chuyện quan trọng, chồng Diệu gợi ý xuống Làng Mai. Làng Mai, Plum Village, Diệu mới sực nhớ ra chuyện về trái thanh mai. Mà lạ thật, ký ức về Khánh dường như đã tiêu biến hẳn, chỉ còn vỏn vẹn hình dung ngọt lành, thơm thoảng về trái thanh mai. Diệu nghĩ vậy cũng tốt. Nên Diệu nói với chồng muốn đi dạo loanh quanh Paris trong khi anh bận việc, lên chuyến xe Opel đi thẳng từ Paris xuống Mai Thôn trong tiết trời se lạnh và cơn mưa bụi giăng giăng với một tâm trạng khá thoải mái.
“Ngày em hai mươi tuổi”, “Ngày ấy bên nhau”, Diệu đọc những dòng chữ viết tay trên lò sưởi trai đường của Chùa Từ Nghiêm trong khi mọi người trong đoàn quan sát khóa lễ. “Đây là chữ viết tay của một trong những sư thầy tri khách rất nặng tình với chùa Tư Nghiêm. Ai tới đây cầu nguyện, để lại chút di vật hay chữ viết tay sẽ được Phật và Chúa phù hộ để hoàn thành sở nguyện”, sư cô tri khách giải thích cho Diệu. Cô ra dấu, ý bảo Diệu có muốn để lại đôi dòng thủ bút. Diệu lục túi tìm cây bút, giật luôn điện thoại đang cắm bùng nhùng tai nghe rơi choảng xuống đất. Tấm ốp bung ra, vài chùm hoa thanh mai rơi lả tả.
Diệu cài những chùm hoa lên trên lò sưởi, cạnh hình Phật và Chúa Jesus, trước khi theo những tiếng í ới và còi xe Opel đặc trưng rời Làng Mai. Trên xe, Diệu trùm đầu bằng chiếc khăn rằn, đeo tai nghe mà không biết mình đang nghe gì. Diệu đang khóc. Không phải Diệu hồi nhớ điều gì. Khóc vì lời một lời nói dối thôi. Khánh và Diệu không đến với nhau, cũng là phận số thường tình thôi, nhưng nhất định Khánh không được nói dối về trái thanh mai chứ. Nhất là khi chừng ấy năm, mọi ký ức về cuộc tình, Diệu dường đã quên sạch, chỉ còn nhớ chuyện kể về thanh mai.
Dù hụt hẫng, khi về đến Paris, Diệu tự nhủ từ giờ sẽ phủi sạch tơ tưởng về trái thanh mai. Diệu giấu bặt chồng chuyện mang bầu mấy tháng đầu, chăm chỉ đi làm ở tiệm bánh. Nhưng không giấu mãi được khi cái bụng đã đội áo bưng lên và Diệu bị nghén, thèm khát đủ thứ vớ vẩn. Sang tháng thứ bảy rồi mà có đêm, vợ nằm quay lưng vào tường, lật người ra thấy nước mắt lưng tròng, chồng Diệu phải dậy tìm pha mắm tôm hầu nàng. Lúc tưởng những cơn nghén ngớ ngẩn đã ào qua, một buổi tối, trong cơn mưa rào mát mẻ, chồng Diệu bật đĩa nhạc Phật của ca sĩ Hà Thanh mà Diệu mang về từ Làng Mai hôm nọ.
Liền sau đó, cơn nghén thèm dâng lên. Trắng đêm, Diệu như con cá vật đẻ. Sáng ngày ra, nhìn vợ lả lướt, xương sống mũi bóng nhánh làm mắt trụt sâu vào, hơi dại đi, chồng Diệu mới thực hoảng hốt. Tuổi này mang thai tiềm ẩn nhiều rủi ro lắm. Mà Diệu thì có biết đòi hỏi, nói năng cảnh vẻ gì. Anh gặng hỏi Diệu: “Em thèm gì, anh đi mua”. Sáng hôm đó, mấy lần Diệu lắc đầu, đến đầu chiều thì chịu không nổi.
Chồng Diệu bảo Diệu mô tả, nói sẽ ra chợ thử tìm. “Thử tìm”, Diệu nghe từ đó là biết chắc không có rồi. Anh ở Paris hàng chục năm qua chứ có ngắn ngủi gì. Nhưng không hiểu sao Diệu vẫn ngồi ở balcon ngóng ra cổng tới chập chiều.
Chồng Diệu không về tay không. Anh ngượng ngịu mang về đôi chùm dâu tằm. “Thực ra anh biết đây không phải trái thanh mai em muốn. Một sư thầy gặp ở chợ mách cho anh biết ở đâu nhỉ, à, Làng Mai, gần Bordeaux, một tệ xá khiêm tốn, nơi tu tập cũ của thầy có một cây thanh mai, và có lẽ mùa này đang có những trái ngọt đầu tiên. Ngày mai anh sẽ đi lấy về cho em”. “Em muốn đi cùng anh, có được không?”, Diệu cố ghìm cho cổ họng đừng rỗng ruểnh lạc giọng đi. “Từ lâu anh đã nghe nói về Làng Mai, rất bình yên, trong lành. Em đi được”.
Vẫn chiếc xe Opel ấy đưa Diệu quay lại Mai Thôn. “À. Anh quên nói với em. Sư thầy anh gặp ở chợ đã rất ngạc nhiên khi tình cờ nghe anh mô tả về trái thanh mai cho chủ hàng hoa quả. Và khi anh kể về em, hình như thầy xúc động lắm, nốt ruồi son trên ấn đường giật giật. Đã lâu không gặp người Việt mà. Mấy bà hàng ở chợ... kể rằng thầy là tri khách của nhiều chùa chiền khắp địa cầu. Đã lâu lắm, thầy mới trở lại Paris”, vừa lên xe, chồng Diệu mải mê kể, không biết rằng nước mắt vợ đã ứa ra trong tấm khăn rằn trùm đầu.
“Về Pháp, chắc thầy nói sẽ ghé Plum Village chứ anh?”, Diệu hỏi bâng quơ. “Anh cũng hỏi y như em. Hình như thầy bối rối lắm, nói chỉ về thời gian ngắn có công chuyện, chưa chắc đã ghé Làng Mai được. Thầy cho anh số điện thoại người dẫn đường tới tệ xá. À mà có chi tiết này hay lắm, trước nay ai cũng nghĩ thầy Thích Nhất Hạnh tưởng thấy hoa mai trắng tức bạch mai từ trên đỉnh đồi mà đổi tên Làng Hồng thành Làng Mai. Sư thầy tri khách đó nói với anh không phải vậy đâu, loài hoa mà thầy Nhất Hạnh thấy là hoa thanh mai đó. Hồi đó Làng Mai nhiều thanh mai lắm. Trận lụt sau bốn năm lập làng làm hàng trăm gốc thanh mai, gốc bật rễ, gốc ủng chết. May mà hồi đó thầy giữ được vài hạt giống, về sau đem gieo trong tệ xá mới có cây thanh mai mình đang tìm đến”.
Không nghi ngờ gì nữa. Diệu biết xuống Mai Thôn, thể nào cũng không gặp Khánh. Thì xuống làm gì nữa khi những trái thanh mai chỉ làm Diệu thêm đau lòng. Diệu định sửa lời với chồng vài câu thì từ châu thân, một cơn đau chói lói ập tới. Diệu lả đi trong tiếng kêu cấp cứu như mê sảng của chồng và đầu xe Opel ngoặt ngược trở lại Paris.