Thằng Bùm

Không ai biết tên thật của hắn, hắn bao nhiêu tuổi, cũng không biết tại sao hắn lại nửa khùng nửa tỉnh. Mà thật! mấy ai quan tâm đến cuộc sống của một tên khùng bao giờ. Nhưng sự xuất hiện của hắn khiến ai cũng thích thú…

Hắn không có cha. Hay đúng hơn là không biết cha mình là ai. Chỉ có bà mẹ già còm cõi suốt năm này qua tháng nọ trồng rau, hái rau, rồi đem rau ra chợ bán. Dù vậy, bà vẫn thừa sức nuôi hắn cơm ăn ba bữa. Trong nhà, đồ dùng sinh hoạt cho con, bà cũng lo liệu chu toàn. Nhưng với đầu óc của một kẻ dở hơi, hắn đi suốt. Hắn đi quanh xóm hát hò, đấm lưng cho một ông công chức mập phệ kiếm vài nghìn đồng mua thuốc lá. Lúc rảnh, hắn lại dầm mình dưới mương kênh đùa giỡn với bầy trâu. Mấy chị em đang cấy lúa ngoài đồng thấy hắn đi qua hí hửng: “Ê anh Bùm! Anh Bùm đi đâu đó?”. Bọn con nít thì xúm lại cùng hô to: “Ông Bùm, Ông Bùm! Ông Bùm Khùng!”, rồi chạy toán loạn mỗi đứa một nơi dù hắn chẳng thèm đuổi bắt đứa nào.

Thanh niên choai choai thì hay chọc ghẹo hắn: “Ê Bùm, có vợ chưa? Lấy vợ đi chứ?”, rồi sau đó đưa cho hắn nửa chai rượu, bảo: “Uống đi Bùm! Nước đó! Hắn biết là rượu nhưng cũng uống. Vì với hắn, rượu cũng chẳng khác gì nước, đều là những thứ uống được cả, đôi khi rượu còn khiến hắn thích thú hơn với cuộc sống. Một ngụm rượu không đủ làm hắn say. Nhưng hắn bắt đầu hát to hơn, thích chọc mấy chị em đang cấy lúa dưới ruộng và thích đùa với mấy đứa nhỏ hơn. Có lẽ cả ngày cười suốt như vậy nên thân hình hắn khá mập mạp. Mà người không có gì phải suy nghĩ ai lại chẳng thể mập. Điều này cũng không ngoại lệ với một tên khùng.

Minh họa: Trần Thắng

Hắn có một thói quen, đó là mỗi khi nhà nào có đám tang thì hắn có mặt ở đó, bất kể người chết là già, trẻ, gái, trai, hắn có biết mặt hay không. Như hôm đám tang ông Mười Thu, hắn có mặt ngay từ sáng sớm. Ngay cả khi con cháu ông ở xa còn chưa biết tin cha mình chết thì hắn đã lấn quấn cùng với gia đình lo hậu sự. Mà hắn có lo được gì đâu. Hắn chạy tới chạy lui, làm ra vẻ bận rộn, lo lắng trông y như thật. Nhưng ai cũng biết mục đích của hắn. Đó là những bữa cơm cùng với rượu. Duy chỉ hắn là cố không muốn tỏ ra như vậy. Bữa trưa hay bữa tối, hắn đều lo bưng bê bàn ghế, dọn cơm nước lên mời khách.

Và bao giờ cũng vậy, hắn luôn là người sau cùng ngồi vào bàn, rồi ngồi ăn một cách từ tốn, không hề như một tên đói đang ăn chực nhà người khác. Người nhà ông Mười Thu cũng như bao người trước đó, đều dọn cơm nước cho hắn ăn đàng hoàng, vì không ai muốn người khác nghĩ mình là kẻ bạc đãi. Nhưng không một ai cùng ngồi ăn với hắn cả. Hắn cũng không thấy thế là một điều tồi tệ lắm mà trách cứ chủ nhà. Đến khi đám thanh niên khỏe mạnh đưa ông Mười Thu xuống huyệt, hắn cũng khóc to và thảm thiết chẳng khác gì đám con cháu lóc nhóc của ông. Hắn chưa gặp và biết ông Mười Thu là ai nhưng hắn khóc thật. Đôi lúc, người trong đám tang nhầm tưởng người chết đã có ân huệ gì sâu nặng với hắn khi còn sống.

Hắn có mặt ở các đám tang trở thành chuyện bình thường. Nhưng không ai hiểu được tại sao hắn lại khóc y như thật vậy. Thật đến nỗi người ta nghĩ hắn là con, là cháu ruột rà của người chết. Cũng có người cho rằng hắn khóc vì thương cảm những người đã chết, từ nay không còn gặp được ai nữa. Nhưng cũng có người bảo, hắn khóc thảm thiết như vậy là để được ăn một cách hợp lẽ cho công sức của hắn bỏ ra. Cũng có những đám tang, tiếng khóc của hắn thật có ý nghĩa. Nhất là đối với những đám tang mà người chết không có lấy một đứa con, đứa cháu, hay người thân nào.

Bà Năm Hô góa bụa chết vì già yếu. Bà con trong xóm tụ tập lại lo ma chay. Hắn đương nhiên có mặt cùng với những người có mặt sớm nhất tại nhà bà. Nhưng hắn là người duy nhất khóc thương cho bà Năm Hô khi quan tài của bà được hạ xuống mồ. Hắn khóc như mưa, đến nỗi dù người ta biết hắn đang vào một vai diễn của kẻ khóc nhưng vẫn không tránh được cảm giác chạnh lòng. Sống một đời người bạc phận, thui thủi đi sớm về khuya, không ai bầu ai bạn, đến khi chết xuống, bà Năm Hô chắc cũng không nghĩ rằng mình vẫn còn có một người khóc cho mình. Hắn có mặt tại nhà bà Năm Hô thêm vài ngày sau đó. Hàng xóm thay phiên nhau nấu cơm cúng cho bà. Hắn cũng cùng lo cúng cơm, rót nước, đốt hương đèn, giấy cúng. Đến khi hương tàn, hắn lại một mình dọn cơm cúng ra ăn, ăn một cách chậm rãi, nhẹ nhàng chẳng khác gì cung cách của một vị chủ nhà lịch thiệp…

Cả tháng nay, không ai thấy hắn. Ngay cả khi không có đám tang nào cho hắn tới, người ta cũng không thấy hắn lảng vảng đó đây. Nhưng cũng chẳng ai quan tâm đến chuyện này. Họ chỉ xì xào với nhau trong lúc nghỉ tránh nắng buổi cày: “Mấy bữa ni sao không thấy thằng Bùm đến xin thuốc hút hì?”. Mấy đứa nhỏ không thấy hắn lâu lâu lại réo rắt nhau: “Đi tìm ông Bùm chọc bây ơi!”. Nhưng dạo quanh xóm một vòng chẳng thấy hắn đâu, bọn trẻ lại bỏ về. Mấy chị em đôi khi đùa cợt: “Răng mấy bữa ni không thấy anh Bùm đâu ta? Hay là ảnh chạy theo con khùng nào rồi!”… Nói tóm lại, ai cũng có nhắc đến hắn trong một vài phút giây bất chợt.

Rồi ông Hai Dinh chết sau khi lâm bệnh nặng chừng một tháng, người ta lại thấy hắn. Nhưng lần này là một sự khác biệt đến bất ngờ cả về ngoại hình lẫn hành động. Hắn ốm hơn trước, khuôn mặt vẫn còn đầy nhưng hơi bơ phờ. Hắn vào nhà ông Hai Dinh khi người nhà đang tập trung lo tang cho một người cha già đáng kính của năm đứa con, một vị trưởng tộc có tầm ảnh hưởng quan trọng, một vị cao niên đức độ, mẫu mực bấy lâu nay. Hắn không lăng xăng lo liệu mọi thứ như trước mà đứng nép về một góc nhà, không nói năng.

Dấu hiệu bất thường của một tên khùng không khiến người ta phải đến nỗi ngỡ ngàng. Đôi khi có vài người lướt qua hắn nhìn vội rồi quay đi. Khi khung ảnh của ông Hai Dinh được dựng lên, hắn bắt đầu nhìn chằm chằm vào một khuôn mặt người to lớn với nước da đỏ ngầu, vầng tráng rộng và vồ ra trông dữ tợn. Người này lại có đôi mắt sâu với vài sợi ria mép và một chùm lông mặt khiến hắn giật mình ngu ngơ đưa tay lên khuôn mặt mình sờ thử. Hắn vẫn đứng đó với những suy nghĩ miên man, đứt đoạn. Nhưng khuôn mặt hắn vẻ đăm chiêu lắm. Có lúc người ta lại thấy hắn cười một cách khó hiểu. Lại có lúc thấy hắn như đang tức giận lắm. Nhưng không ai nhận ra rằng, dù lúc cười hay tức giận, khuôn mặt hắn với khuôn mặt người chết hôm ấy giống nhau như đúc. Khác chăng chỉ là một bên có vẻ hơi khù khờ, còn bên kia thì tinh quái, lì lợm.

Đám con cháu, hàng xóm, bạn bè đông nghịt của ông Hai Dinh đưa quan tài ông xuống mồ với trăm nghìn tiếng khóc nức nở. Lần này, hắn là người duy nhất không khóc, cũng không có dấu hiệu của một kẻ đang nghẹn ngào thương xót. Mặt hắn trơ như đá. Nhưng hắn im lặng theo dõi từ đầu đến cuối. Đến khi quan tài đã nằm lọt thỏm dưới một cái huyệt sâu rộng, hắn lẳng lặng bước tới với hay tay cào cấu bờ đất huyệt mộ rồi khóc rống lên liên hồi khiến ai cũng giật thót mình ngoảnh lại nhìn. Không một ai hiểu chuyện gì nhưng ai cũng linh tính được rằng tiếng khóc của hắn không hề đơn giản như những lần khóc trước đó.
- Cha ơi, cha ơi, cha ... ơi!

Tiếng kêu làm mọi người không khỏi rùng mình ớn lạnh khi bắt đầu hiểu ra mọi chuyện. Suốt bao nhiêu năm, người mẹ góa bụa của một tên khùng chịu đựng bao nhiêu sự thị phi để bảo vệ cho đứa con của mình. Bà đã im lặng để chọn cuộc sống bình yên cho hai mẹ con, hay để bảo vệ danh tiết và sự uy nghiêm, mẫu mực cho người đàn ông bội bạc mà bà đã tin tưởng?. Hay bấy nhiêu đó đã đủ cho một người đàn bà xấu xí, nghèo khổ không dám mơ màng hạnh phúc cao sang mà chỉ mong có một niềm vui nhỏ phận người. Suốt bao nhiêu năm, hai mẹ con bà không hề có cái quyền để sống với sự thật…

Cả xóm nghèo nhiều ngày sau đó vẫn còn xì xầm người bàn ra, kẻ tán vào chuyện của thằng Bùm và nhà ông Hai Dinh. Bao nhiêu sự kính trọng của bà con trong xóm đối với ông cũng như gia đình ông bấy lâu nay bỗng chốc trở thành một sự ngờ vực tột đỉnh. Ông Hai Dinh và mẹ thằng Bùm lấy nhau khi nào? Sao bà ấy lại không nói cho ai biết? Thằng Bùm nó giống ông Hai Dinh như đúc sao không ai nhận ra? Và sao ổng lại không nhận con?… Nhiều câu hỏi tương tự như thế và xoay quanh vấn đề này được mọi người thi nhau luận bàn trong lúc ra đồng, lúc ăn cơm, trong cuộc nhậu, trong bữa trà buổi sáng. Nhưng không một ai biết chắc và tường tận những gì đã xảy ra chuyện của gần ba mươi năm về trước.

Hai tuần sau đám tang ông Hai Dinh, năm đứa con của ông bắt đầu tố cáo thằng Bùm. Chúng cho rằng, thằng Bùm khùng điên đã làm ô nhục danh dự của cha mình, làm mất uy tín của gia đình. Ngay hôm đó, có ba người đàn ông nói là nhân viên của trung tâm điều dưỡng người tâm thần về tận nhà trói tay thằng Bùm trong lúc hắn đang ngồi ăn cơm cùng với mẹ. Hắn nhanh chóng bị lôi lên xe dù đã cố chống cự. Mẹ hắn cũng chạy theo nấc lên liên hồi trong cổ họng nhưng không sao thét nổi thành tiếng. Bà té ập xuống mương kênh trước nhà, ngay chỗ thằng Bùm hay dầm mình nô đùa cùng lũ trâu mỗi trưa hè…
Tường Quân
Đi tàu ngày lẻ
Đi tàu ngày lẻ

Đoàn tàu rùng mình rồi tiếp tục chuyển bánh. Tôi tìm được số ghế của mình rồi đặt ba lô lên giá. Hôm nay đúng là tàu thưa thật! Cả một khoang bốn chỗ ngồi chỉ có một mình tôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN