Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đang trải qua những giai đoạn mà Thành phố Hồ Chí Minh đã từng trải qua, trong đó có những chính sách được thực hiện, rút ra từ bài học kinh nghiệm ở Thành phố. Phóng viên TTXVN có bài viết nhìn lại công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế dưới góc độ linh hoạt trong chính sách điều hành, quản lý của Thành phố.
Linh hoạt chống dịch
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội lần thứ 4 diễn ra từ cuối tháng 4/2021. Ban đầu, Thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, Quận 12, sau đó do diễn biến dịch phức tạp nên áp dụng trên phạm vi toàn Thành phố.
Kể từ cuối tháng 5/2021 Thành phố bắt đầu rơi vào không khí căng thẳng, ngột ngạt, âu lo tràn ngập khắp nơi khi thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Các chốt trạm kiểm soát được lập lên, ban đầu gây ùn ứ, tạo nguy cơ lây nhiễm chéo nhưng sau đó được bố trí lại hợp lý hơn. Thành phố cấp giấy đi đường, quy định từng nhóm đối tượng rồi thay đổi liên tục chỉ trong thời gian ngắn khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn. Các dịch vụ không thiết yếu tạm ngưng hoạt động, Thành phố triển khai mô hình đi chợ hộ. Cùng với đó là việc truy vết, phong tỏa, cách ly tập trung. Có thời điểm, việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tập trung đã gây bùng phát ổ dịch, càng làm cho việc kiểm soát dịch khó khăn hơn.
Trong bối cảnh thiếu thốn nhân lực, vật lực y tế, việc cách ly tập trung đã gây tình trạng quá tải ở hệ thống bệnh viện, thậm chí ngay cả các cơ sở thu dung điều trị, bệnh viện dã chiến. Một thực tế không mong muốn đã xảy ra là không ít F0 không có biểu hiện, sức khỏe ổn định, nhưng khi tập trung cách ly đã chuyển nặng, thậm chí rất nhiều trường hợp không tiếp cận được dịch vụ y tế ban đầu dẫn tới tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện hoặc trong quá trình chuyển tuyến trong tháp 5 tầng điều trị COVID-19.
Trước diễn biến khốc liệt đó, Trung ương, các bộ, ngành và toàn hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân đã kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, điều động lực lượng tăng cường, trưng dụng các trường học, điểm sinh hoạt cộng đồng làm cơ sở thu dung, điều trị, lập các trạm y tế, đội y tế lưu động, kịp thời cấp phát thuốc, ô xy, thí điểm điều trị F0 tại nhà, đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine…
Cùng với đó là thực hiện các chính sách an sinh xã hội, từ cấp phát các nhu yếu phẩm thiết yếu, vật chất cho đến hỗ trợ phương tiện để đưa người dân có nhu cầu về quê an toàn. Tùy theo từng diễn biến dịch, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Nghị quyết 128, Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 10, Chỉ thị 11, Chỉ thị 12, Chỉ thị 18, cùng nhiều quyết định, văn bản hướng dẫn khác.
Nhìn lại công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Thành phố đã trải qua một năm 2021 với nhiều biến cố, đau thương, khốc liệt, thử thách chưa từng có tiền lệ. Trải qua hơn 150 ngày (từ tháng 5-9/2021) Thành phố chìm sâu trong khủng hoảng, buộc phải ứng phó, xoay sở, tìm mọi cách vượt qua.
Trong bối cảnh ngặt nghèo, Thành phố phải chọn lựa mục tiêu tối thượng là sức khỏe, tính mạng nhân dân, hy sinh nhiều vấn đề trước mắt. Lúc đầu Thành phố kỳ vọng có thể xử lý được dịch bệnh trong thời gian ngắn nhưng sức lực có hạn. Sau gần 5 tháng tập trung nhân lực, vật lực, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân Thành phố, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương đã giúp Thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, trở lại trạng thái “bình thường mới” từ cuối tháng 9/2021. Hiện nay, qua hơn 4 tuần, Thành phố đã đạt cấp độ dịch cấp 1- vùng xanh.
“Trải qua những tháng ngày đó, Thành phố đã nhận ra nhiều tồn tại, trong đó có lúc, có nơi, có người không vượt qua được những hy sinh, sự dũng cảm, dám nghĩ, dám làm. Trong thực tế có tình huống dâng cao nhưng hành động vẫn theo cái cũ, ý tưởng chưa thay đổi, thực tế đòi hỏi phải thay đổi quy định nhưng lại chưa kịp thời thực hiện”, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Vừa qua, thăm, chúc Tết và tặng quà đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc Thành phố đã có đóng góp rất quan trọng vào công tác phòng, chống dịch, thay đổi tư duy, biện pháp trong phòng, chống dịch, "đi trước đón đầu", thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định trong phòng, chống dịch và giữ được bản lĩnh trong lúc khó khăn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương. Đến nay, Thành phố đã trở thành một "thành phố xanh".
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đánh giá, phân tích khó khăn của Thành phố trong giai đoạn đầu đợt dịch bùng phát lần thứ 4 khi đối mặt với biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm, chưa có tiền lệ, nhưng lại chưa đủ vaccine, thuốc điều trị, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó và năng lực y tế còn hạn chế dẫn tới không ít những lúng túng ban đầu. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua khó khăn, thách thức, Thành phố và ngành y tế đã trưởng thành lên rất nhiều.
Vượt qua thách thức bao trùm
Trong thời điểm bùng phát dữ dội dịch COVID-19, để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo các mặt hàng sản xuất đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra và áp dụng các phương án “3 tại chỗ”, “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt, “1 cung đường - 2 địa điểm”, kết hợp 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” và phương án “4 xanh” (nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh).
Giữa các phương án nói trên đều có sự linh hoạt, thay đổi kịp thời. Trong giai đoạn đầu thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất vì không thể duy trì được do chi phí lớn, quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông. Việc áp dụng “3 tại chỗ” còn gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới, nhất là các doanh nghiệp sản xuất ngành da dày, dệt may.
Chưa kể việc tổ chức phân chia khu nghỉ ngơi, sản xuất riêng, hoạt động của bếp ăn tại công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là việc thực hiện xét nghiệm nhanh cho người lao động gây tốn kém cho doanh nghiệp. Việc duy trì “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng trong thời gian ngắn, tối đa 1 tháng vì không thể biến khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thành một khu dân cư. Nếu sản xuất tại chỗ kéo dài, sức khỏe, tinh thần người lao động sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trước những bất cập đó, Thành phố đã điều chỉnh kịp thời, chuyển qua phương án "3 tại chỗ theo kíp, luân phiên theo kíp” hoặc "4 xanh”. Đây là các giải pháp giúp các doanh nghiệp linh động hơn trong việc duy trì, khôi phục sản xuất thực hiện “mục tiêu kép” trong thời gian Thành phố tiếp tục giãn cách xã hội.
Đến đầu tháng 10/2021 sau khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, kiểm soát, Thành phố chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố nhanh chóng kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế thành phố.
Các hoạt động kinh tế, kinh doanh dịch vụ đã được khôi phục, hoạt động trở lại. Các chính sách hỗ trợ về tài chính, thủ tục hành chính, nhân lực lao động… được Thành phố hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được duy trì. Nhờ đó, ngay những tháng đầu năm 2022 không khí sản xuất, kinh doanh, buôn bán đã bắt nhịp sôi động trở lại.
Trong bối cảnh đó, Thành phố xây dựng chủ đề năm 2022 là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đây là chủ đề được “cộng hưởng” từ tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và tiếp nối chủ đề năm 2021 đang thực hiện dang dở “xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư”. Điều này cũng phản ánh định hướng, sự linh hoạt trong tư duy điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, lấy thực tiễn làm thước đo và có điều chỉnh phù hợp, kịp thời.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% trong năm 2021 có thể đạt được mức tăng trưởng đề ra năm 2022 từ 6-6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế Thành phố. Song việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6% - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của Thành phố, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022 trên cơ sở những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị. Điều này cũng đòi hỏi Thành phố phải giữ vững thành quả chống dịch, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố trong năm 2022.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, Thành phố đã thống nhất không thay đổi, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã đề ra trong năm 2022. Nhưng trong bối cảnh “bình thường mới” cần phải có tư duy mới, giải pháp mới, cơ chế mới, kế hoạch phù hợp, thậm chí phải điều chỉnh. Giai đoạn đầu là ứng phó, giai đoạn 2 là thích ứng và giai đoạn 3 là kiến tạo. Thành phố không thể cứ loay hoay, thụ động, đối phó, làm mất đi truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Trên cơ sở đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2022), Thành phố tiếp tục khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Giai đoạn 2 (từ năm 2023 – 2025) sẽ tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố, tập trung nguồn lực để phát huy các thế mạnh về trung tâm kinh tế, tài chính thương mại, mua sắm, logistic, sáng tạo khoa học.
Đánh giá về triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Tổ trưởng Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Là trung tâm kinh tế quan trọng nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/4 ngân sách, vậy mà có lúc Thành phố Hồ Chí Minh lại gần như cạn kiệt nguồn lực, ngay cả khi chưa tới đỉnh dịch COVID-19. Dịch bệnh đã vắt kiệt sức lực của Thành phố trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục hồi, phục hồi mạnh mẽ nhờ vào việc Thành phố đã có những lớp phòng vệ, có thời gian đủ để học những bài học quan trọng nhằm thích ứng được với dịch bệnh, duy trì hoạt động gần như bình thường, đồng thời đảm bảo ở mức độ chấp nhận được về an toàn.
Năm 2021 đã khép lại với nhiều biến cố do đại dịch COVID-19 gây ra, năm 2022 đang tới với nhiều niềm tin và hy vọng. Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với việc đã trải qua những thời điểm cam go, thách thức chưa có tiền lệ, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã có những bài học xương máu trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Người dân có quyền tin tưởng và kỳ vọng vào sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành chính sách của Đảng, Nhà nước để tiếp tục đưa đất nước ta đi lên, phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.