Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Làm tốt An sinh - An dân - An toàn sẽ đảm bảo đạt được chương trình phục hồi kinh tế, xã hội

“Năm 2022, chúng ta làm thật tốt ba chữ “An” là An sinh - An dân - An toàn thì tôi tin rằng, việc phục hồi kinh tế, xã hội theo chương trình mà Đảng, Nhà nước đặt ra hoàn toàn có thể đạt được”- đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022, khi đề cập đến tác động hậu COVID-19 và những nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp mang tính đột phá của ngành thời gian tới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Năm 2021 có rất nhiều tác động tiêu cực nảy sinh do đại dịch COVID-19 đối với công tác an sinh xã hội, ông đánh giá như thế nào về thực hiện công tác này trong năm qua?

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự khủng hoảng về mặt kinh tế, xã hội, trong đó những vấn đề như lao động, việc làm, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Trong muôn vàn khó khăn như vậy nhưng cho đến nay, có thể nói, chúng ta đã thực hiện các giải pháp, kết quả về triển khai an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, đối tượng yếu thế và các lực lượng khác trong xã hội tương đối tốt. Đặc biệt triển khai đồng bộ tất cả các chính sách liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, thực hiện các chính sách chăm lo cho đời sống cũng như nâng lương cho cán bộ hưu trí, nhất là với người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có mức lương thấp.

Trong những ngày cuối năm 2021, chúng ta còn hoàn thiện được đề án về khôi phục và phát triển thị trường lao động; khôi phục, chăm lo cho an sinh cũng như triển khai đồng bộ tất cả các chính sách liên quan Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Cho đến nay đời sống của người dân, người lao động cơ bản được phục hồi, được ổn định và có bước phát triển tương đối tốt!

Việc chăm lo cho hơn 40 triệu lao động trong năm 2021 là không hề đơn giản, để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những chính sách nào, thưa ông?

Năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành ba nhóm chính sách cơ bản. Đối với nhóm chính sách thường xuyên, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Chính sách này tác động tới khoảng gần 4 triệu người. Bộ cũng tham mưu Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng để điều chỉnh chính sách đối với 9,8 triệu người thuộc nhóm đối tượng này.

Vừa qua, Bộ cũng tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành hai chính sách về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Có thể nói đây là những chính sách chưa từng có trong tiền lệ, được ban hành với tốc độ khẩn trương nhất, nhanh nhất trong điều kiện có thể nhưng thủ tục thông thoáng nhất. Vì vậy, sau một thời gian rất ngắn báo cáo cấp có thẩm quyền, được Quốc hội cho phép, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP. Cho đến nay mới chỉ hơn 4 tháng triển khai, thực hiện nhưng chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đề ra trong hai Nghị quyết này. Chúng ta đã giải ngân là 76.029 tỷ đồng và số người được thụ hưởng là trên 44 triệu người.

Nhưng điều quan trọng hơn là nếu như hàng năm, bình thường chúng ta chỉ có thể hỗ trợ đặc biệt, hỗ trợ đặc thù hay hỗ trợ đột xuất khoảng 1 triệu người thì nay hỗ trợ tới 44 triệu người. Hỗ trợ này lại trong một bối cảnh đặc biệt khó khăn vì cách ly, giãn cách do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 và thực hiện bằng các thủ tục rất đơn giản, rất nhanh, điều đó cho thấy một quyết tâm chính trị rất cao để có kết quả này.

Là Tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn lại năm 2021 thì ông còn những điều gì trăn trở nhất?

Đến giờ này thì tôi thấy có ba điều băn khoăn. Thứ nhất là qua dịch bệnh lần này, rõ ràng chúng ta phải nghĩ vấn đề là phải xây dựng được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững. Từ mạng lưới này thực hiện ba mục tiêu là phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn được các rủi ro cho người dân. Thứ hai là phải xây dựng được môi trường, thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và phát triển theo hướng hiện đại, có thể hội nhập vào thị trường thế giới. Thứ ba là điều mà những ngày cuối năm 2021, dư luận bức xúc, đó là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, phụ nữ.

Đây là những vấn đề trong năm 2022 phải rất chú trọng!

Ông có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2022?

Về nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2022, tôi xác định có 3 chữ “An” phải làm thật tốt là An sinh, An dân và An toàn. Ba chữ “An” này đã bao trùm đầy đủ và nếu thực hiện được, tôi tin rằng, việc phục hồi kinh tế, xã hội theo chương trình mà Đảng, Nhà nước đặt ra hoàn toàn có thể đạt được.

Muốn như vậy, đối với ngành phải tập trung vào hai nhiệm vụ có tính chất chiến lược. Đó là triển khai nhanh nhất, có hiệu quả nhất chương trình phục hồi về mặt xã hội, đặc biệt là phục hồi thị trường lao động và phục hồi đời sống của người dân làm nền tảng để thực hiện ba chữ “An”. Phải tập trung xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, hướng tới tất cả mọi đối tượng với hai trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó tạo cho sự phát triển bao trùm, bền vững và tạo việc làm thỏa đáng cho người dân.

Từ hai vấn đề trọng tâm đó, ngành xác định phải triển khai thật tốt 6 nội dung trong chương trình phục hồi về mặt xã hội. Trong đó quan tâm rất căn bản vấn đề nhà ở cho người lao động, hỗ trợ người lao động ở các khu công nghiệp, nhất là các vùng trọng điểm kinh tế; tạo điều kiện để người lao động quay trở lại thị trường lao động trước đây; tạo việc làm cho người lao động mà người lao động không muốn quay trở lại công việc trước đây. Trong chương trình phục hồi của Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành tương đối lớn. Đó là mấy chục nghìn tỷ cho người lao động vay để mua nhà, cho doanh nghiệp vay để phát triển hệ thống nhà ở; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các đối tượng này.

Cùng với tập trung xây dựng được dự báo cung cầu lao động để làm nền tảng để phát triển thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh, chúng ta phải hướng tới thực hiện thật tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Đây là một chương trình đa chiều, bao trùm, bền vững với việc ngoài vấn đề về thu nhập thì có những trụ cột cơ bản là vấn đề về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh. Đồng thời, chúng ta phải thực hiện việc bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ và chăm lo trẻ em.

Năm 2022, Bộ sẽ phải tạo ra một sự đột phá rất mạnh mẽ trong chuyển đổi số với 5 trụ cột cơ bản, đó là cung - cầu lao động, thị trường lao động, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dữ liệu của toàn bộ hệ thống an sinh để tiến tới một người dân chỉ cần có một thẻ là thẻ an sinh. Cuối cùng là phải tạo sự đồng bộ từ giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, động, mở và gắn với thị trường lao động trong nước cũng như ngoài nước.

Như ông nói Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm có 3 chữ “An”, vậy để thực hiện ba chữ “An” đó thì các giải pháp mang tính đột phá là gì, thưa ông?

Giải pháp đột phá trong năm 2022, chúng tôi tập trung vào một số việc. Đầu tiên là tập trung cao nhất cho thị trường lao động. Muốn thị trường lao động đổi mới thì phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp và tập trung hình thành cung, cầu lao động cũng như đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên. Hiện nay chúng ta có 70% lao động qua đào tạo nhưng chúng ta chỉ có 24,5% lao động có chứng chỉ, bằng cấp mà muốn phát triển được thì lao động chất lượng cao phải là mũi nhọn. Vì thế năm 2022 trở đi sẽ đặt nền móng để tạo lao động chất lượng cao.

Tiếp theo, tôi vẫn nhắc là phải xây dựng được một hệ thống an sinh hướng tới để mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hạnh Quỳnh/TTXVN (thực hiện)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Cần đẩy nhanh chương trình phục hồi, phát triển KT-XH
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Cần đẩy nhanh chương trình phục hồi, phát triển KT-XH

Sáng 25/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp với các bộ, ngành, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN