Mô hình Trung tâm điều hành giao thông đô thị bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng phát triển cho giao thông đô thị, hạn chế ùn tắc giao thông.
Bài 1: Xây dựng mô hình giao thông thông minh
Ngày 12/3/2020, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông độ thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải). Đây được xem là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông. Bằng hệ thống camera ở những tuyến đường trọng yếu và hệ thống giao thông thông minh, giúp Trung tâm nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống giao thông trên địa bàn.
Camera bủa khắp
Là một trong những hợp phần trọng yếu của Đề án Đô thị thông minh, phát triển hệ thống giao thông thông minh (Trung tâm ITS) là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại thành phố bên cạnh các giải pháp như phát triển giao thông công cộng sức cho lớn, đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ...
Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh), đây chính là xu hướng phát triển tại các nước trên thế giới nhằm mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông đô thị bền vững, có chất lượng phục vụ cao. Điều này nhằm đảm bảo mang lại nhiều lợi ích cho người dân như tiết kiệm thời gian, chi phí, năng lượng, giảm thiểu tai nạn và cải thiện môi trường.
Hệ thống ITS đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thực hiện gồm các chức năng: điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường; các thông số của dòng giao thông (lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện) được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm, nằm trên 36 km2 khu vực các tuyến đường trung tâm thành phố theo kịch bản tương ứng với từng thời điểm và tình hình giao thông trong ngày.
Cùng đó, hệ thống giám sát giao thông thông qua hệ thống camera cũng được kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu 817 camera giám sát giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Thông qua hệ thống màn hình tường, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có camera kết nối (các nút giao thông trọng điểm, các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông).
Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố, các sự cố trên đường như tai nạn, ùn tắc, va chạm... được Trung tâm kịp thời thông tin cho cảnh sát giao thông, thanh tra và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Từ năm 2019, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đưa vào hoạt động Mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu về phát sinh và thu hút chuyến đi, lựa chọn phương thức, góp phần định hướng xây dựng các chính sách và kế hoạch quản lý giao thông đô thị.
Ông Ngô Hải Đường cho biết, mô hình phục vụ dự báo tình hình giao thông toàn thành phố giúp công tác định hướng, xây dựng chiến lược phát triển ngành, quy hoạch, đánh giá tác động các dự án ngành giao thông. Các dự án đầu tư xây dựng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng cũng được kiểm tra, đánh giá tác động thông qua mô hình mô phỏng trước khi quyết định triển khai.
Hình thành “làn sóng xanh”
Tp. Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng về quy mô dân số, nhưng hạ tầng giao thông đô thị lại không phát triển theo kịp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Theo kết quả từ mô hình mô phỏng dự báo giao thông, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân thành phố năm 2020 là 3,16 chuyến đi/người/ngày và cao hơn so với số hành trình đi lại của các đô thị trong khu vực. Với quy mô dân số thành phố như hiện nay, nhu cầu đi lại là rất lớn và sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Dự báo từ mô hình mô phỏng, đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại thành phố sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Từ khi đưa hệ thống ITS vào hoạt động, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã tổ chức phân tích, đánh giá lưu lượng giao thông trên các tuyên đường trục chính để xây dựng bổ sung các kịch bản điều khiển “làn sóng xanh” trên các tuyến đường như đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi, Pasteur, Trương Định...
Với hệ thống ITS hiện đại, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số điều khiển như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển, lệch thời gian đèn xanh để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng.
Ông Ngô Hải Đường cho biết, với kịch bản điều khiển “làn sóng xanh”, các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 30-35 km/giờ sẽ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyên đường trong điều kiện lưu thông thông thoáng.
Bên cạnh đó, hệ thống ITS đã thực hiện tối ưu thời lượng đèn cho các khu vực bàn cờ bằng cách sử dụng chu kỳ ngắn cho phép tăng tần suất phục vụ của đèn giao thông cho tất cả các hướng trong các thời gian cao điểm (khu vực Quận 3, Quận 1...), bổ sung các kịch bản dự phòng cho các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng đông xe, di chuyển chậm.
Theo Sở Giao thông Vận tải, trong điều kiện của thành phố, giải pháp điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt đã góp phần giải tỏa ùn tắc cho các nhánh nút đang bị ùn tắc kéo dài, ngăn ngừa được nguy cơ ùn tắc lan truyền, giảm thiểu tổng thời gian tổn thất tại nút giao, giảm thiểu thời gian chờ cho phương tiện giao thông công cộng tại nút giao.
Ông Ngô Hải Đường cho biết, kết quả nhận được sau khi vận hành cơ bản đáp ứng tốt với thói quen và hành vi của người tham gia giao thông, việc dừng chờ đèn ngắn, giảm chiều dài dòng xe chờ đèn tín hiệu, từ đó giảm thời gian bắt đầu nhập nút, tăng năng lực thông hành các tuyến đường (vận tốc trung bình tăng 10% -15% trên các tuyến đường thông qua giải pháp điều khiến đèn linh hoạt) giúp người tham gia giao thông cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả năng lực của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, đầu tư mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông linh hoạt kết nối về Trung tâm, tăng cường cung cấp thông tin giao thông trực tuyến thông qua Cổng thông tin giao thông thành phố.
Bài cuối: Nhiều biện pháp kiểm soát