TP Hồ Chí Minh: Ưu tiên sử dụng đất công để thành lập bệnh viện dã chiến

Trong chiến lược y tế trong giai đoạn mới, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương chưa có bệnh viện dã chiến phải có kế hoạch thành lập bệnh viện và ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện dã chiến để có thể sử dụng lâu dài.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang đứng trước thách thức lớn là vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng cho người dân vừa khôi phục và bảo đảm kinh tế xã hội vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố là một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe của người dân.

Theo đó, việc xác định và phát triển các chiến lược y tế trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân - được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Qua đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề ra 6 chiến lược chính, gồm chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố; kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch và cuối cùng là nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức điều tra, rà soát người dân trên địa bàn chưa được tiêm vaccine để tổng hợp số lượng, phối hợp với ngành y tế lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ, kịp thời bằng các hình thức phù hợp, thuận lợi cho người dân; chịu trách nhiệm quản lý thông tin về tiêm chủng vaccine COVID-19 của người dân sinh sống tại địa phương.

Xây dựng kế hoạch thiết lập Trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; đảm bảo 100% các Trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại các địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chưa có bệnh viện dã chiến phải có kế hoạch thành lập bệnh viện; có kế hoạch di dời các bệnh viện dã chiến đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp và ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện dã chiến để có thể sử dụng lâu dài.

Các địa phương tổ chức hoạt động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời; triển khai quy trình phát hiện và xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế theo dõi, giám sát liên tục các chỉ số về dịch bệnh trên địa bàn thành phố, cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh gia tăng; chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn thành phố triển khai công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch và theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân; chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh, các bệnh viện phải thực hiện hai nhiệm vụ vừa khám bệnh, chữa bệnh thông thường vừa khám chữa bệnh cho người mắc COVID-19.

Song song đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Y tế chủ động chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chuyên môn, đặc biệt nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại để nâng cao năng lực cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên về hồi sức tích cực trong hô hấp, điều trị ca bệnh nặng trong hồi sức cấp cứu cho các bệnh viện khu vực và một số bệnh viện quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 11/12: Cả nước có 16.141 ca mắc mới; Bình Phước đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh
Tổng hợp COVID-19 ngày 11/12: Cả nước có 16.141 ca mắc mới; Bình Phước đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh

Ngày 11/12, Việt Nam ghi nhận thêm 16.141 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Đáng chú ý, Bình Phước có số ca mắc mới tăng mạnh, lên trên 1.000 ca trong ngày, đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca F0 tự điều trị ở nhà tăng cao, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn người dân về thuốc điều trị COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN