Tổng hợp COVID-19 ngày 11/12: Cả nước có 16.141 ca mắc mới; Bình Phước đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh

Ngày 11/12, Việt Nam ghi nhận thêm 16.141 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Đáng chú ý, Bình Phước có số ca mắc mới tăng mạnh, lên trên 1.000 ca trong ngày, đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca F0 tự điều trị ở nhà tăng cao, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn người dân về thuốc điều trị COVID-19.

Có 7.558 ca nặng đang điều trị

Tính từ 16 giờ ngày 10/12 đến 16 giờ ngày 11/12, Việt Nam ghi nhận 16.141 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày có 209 ca tử vong và cả nước có 7.558 ca nặng đang điều trị.

Chú thích ảnh
Cách ly khu vực có bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN

Trong số các ca nhiễm mới, có 37 ca nhập cảnh và 16.104 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.285 ca so với ngày trước đó), trong đó có 9.478 ca phát hiện trong cộng đồng. Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.789 ca/ngày.

Đáng chú ý, Bình Phước trong ngày phát hiện thêm 1.164 ca, vượt qua các tỉnh, thành khác và xếp sau TP Hồ Chí Minh là 1.441 ca; tiếp đến là Khánh Hòa, tăng 207 ca so với ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc trong ngày là 794 ca. Ngoài ra, các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, Hà Nội cũng có số ca nhiễm tăng cao như Tây Ninh (903), Bến Tre (756), Đồng Tháp (750), Cà Mau (722), Cần Thơ (689), Sóc Trăng (617), Vĩnh Long (576), Hà Nội (548), Tiền Giang (545), Bạc Liêu (505), Bà Rịa - Vũng Tàu (498), Trà Vinh (456), Bình Dương (418), Kiên Giang (409), Đồng Nai (390), An Giang (368), Hậu Giang (347), Bình Thuận (317)…

Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.393.034 ca, trong đó có 1.050.608 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (486.043 ca), Bình Dương (286.877 ca), Đồng Nai (91.880 ca), Long An (39.165 ca), Tây Ninh (37.776 ca).

Bình Phước đưa thêm cơ sở điều trị và thu dung bệnh nhân mắc COVID-19

Với ca mắc mới liên tục tăng cao và cán mốc 1.000 ca mắc mỗi ngày, xếp thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Phước chuẩn bị đưa thêm cơ sở điều trị vào hoạt động nhằm thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với F0 tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN phát

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho biết, số ca mắc mới những ngày qua trên địa bàn chủ yếu được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng, trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp với số người mắc cao tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến chiều 11/12, tỉnh có tổng cộng 15.405 ca mắc COVID-19, trong đó 8.533 ca đang được điều trị, có 27 trường hợp tử vong.

Ngoài hàng ngàn ca mắc COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến thì hiện có khoảng 3.000 bệnh nhân đang được điều trị tại nhà và trong các doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, hiện nay tại các đơn vị cấp huyện, xã của tỉnh đã có 23 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và mức độ nhẹ với 2.100 giường. Ở cấp tỉnh trong vài ngày tới sẽ có thêm 2 bệnh viện dã chiến tại thành phố Đồng Xoài với quy mô khoảng 1.200 giường, nâng khả năng thu dung điều trị lên khoảng 4.400 giường, trong đó có gần 400 giường điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.

UBND tỉnh Bình Phước cũng vừa điều chỉnh việc phân loại cấp độ dịch trên địa bàn. Theo đó có 57 trong tổng số 111 xã (chiếm hơn 50%) có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 và 4; có 9 trong tổng số 11 huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 3; còn mức độ dịch ở quy mô tỉnh là cấp độ 2.

Bộ Y tế hướng dẫn người dân về thuốc điều trị COVID-19

Với diễn biến dịch vẫn phức tạp, số F0 điều trị tại nhà tăng cao, nhiều người dân tự mua thuốc về điều trị và hiệu quả khỏi bệnh chậm; mặc khác, việc này cũng đã dẫn tới một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus, thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan và dễ dàng mua được mà không cần có đơn của bác sỹ.

Chú thích ảnh
Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh - nơi giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 9072/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thông tin, hướng dẫn về thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo: Bộ Y tế cần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn về các loại thuốc, biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm SARS-CoV-2.

TP Hồ Chí Minh phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn mới

Là địa phương đứng đầu số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cả nước, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai 6 chiến lược lớn gồm: Chiến lược bao phủ vaccine phòng COVID -19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố; kiểm soát dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID -19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Về chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh xác định đây một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do COVID-19 và bảo vệ cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện chiến lược này, Thành phố tập trung vào các giải pháp gồm: Ưu tiên tiêm vaccine cho nguời dân quay về thành phố từ các địa phương khác; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vaccine COVID-19; tăng cường truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vaccine COVID-19 và mở rộng độ bao phủ vaccine cho trẻ em đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường.

Đối với chiến dịch kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới, Thành phố triển khai các giải pháp gồm xét nghiệm COVID-19 trong tình hình mới; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, Thành phố thực hiện các giải pháp như chủ động phát hiện và cập danh sách người F0 và người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn quận, huyện; hài hòa giữa cách ly điều trị tại nhà và cách ly điều trị tập trung; “Mỗi F0 điều trị tại nhà - Một hồ sơ bệnh án điện tử”; huy động mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.

Đối với chiến lược điều trị F0 tại các bệnh viện, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ sở điều trị phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị; “Đánh chặn từ xa” kết hợp “4 tại chỗ”.

Ở nhóm chiến lược truyền thông, Thành phố triển khai thực hiện truyền thông đa phương thức; thông điện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng; đa dạng hóa các nguồn lực tham gia công tác truyền thông.

Cuối cùng, đối với chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp gồm nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các nước trong khu vực; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, dự báo dịch bệnh; đồng thời phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn; phát huy hiệu quả phối hợp giữa y tế với lực lượng vũ trang nhân dân, huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch.

Hải Yên/Báo Tin Tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 10/12: Số ca mắc ngoài cộng đồng gia tăng; ghi nhận216 ca tử vong
Tổng hợp COVID-19 ngày 10/12: Số ca mắc ngoài cộng đồng gia tăng; ghi nhận216 ca tử vong

Trong ngày 10/12, dư luận quan tâm tới các thông tin nổi bật như: Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát thật tốt dịch bệnh để thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội; Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir ghi nhận 14.839 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, 216 ca tử vong; Ba vận động viên dự giải xe đạp quốc gia nhiễm SARS-CoV-2...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN