Thủ tướng: Kiểm soát thật tốt dịch bệnh để thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội
Sáng 10/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch.
Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, dịch COVID-19 đang được kiểm soát trên toàn quốc; kinh tế-xã hội đang từng bước phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số ca mắc có xu hướng tăng, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng; trong khi nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập, lây lan cao...
Tại Việt Nam, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 9/12, cả nước đã ghi nhận trên 1,3 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (77%). Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm hơn 100 ngàn ca mắc mới (57.538 ca cộng đồng, chiếm 57% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 73,3% ca mắc mới trong cộng đồng. Một số địa phương có số mắc cộng đồng tăng cao so với tuần trước như: Bến Tre, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định, Hải Phòng, Gia Lai…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NC-CP, chúng ta đã hoàn thiện biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác"; tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tình hình kinh tế-xã hội đang được phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả trên chứng minh Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành kịp thời, đúng hướng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân do có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu và có quan niệm sai khi cho rằng đã tiêm vaccine thì không bị lây nhiễm dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, việc số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong đa số do chưa được tiêm vaccine và có bệnh nền, trong khi y tế cơ sở, y tế dự phòng còn yếu; tiến độ tiêm vaccine vẫn chưa đạt mong muốn; chính quyền tại nơi dịch diễn biến xấu chưa có biện pháp tốt quản lý rủi ro.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải kiểm soát chặt chẽ dịch , giảm tối đa ca mắc, ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19; phấn đấu đến ngày 15/12, chậm nhất đến hết tháng 12/2021 hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; khẩn trương tiêm vaccine mũi 3 cho tất cả các đối tượng cần thiết như lực lượng tuyến đầu chống dịch và người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền; phấn đấu đến 31/1/2022 tiêm đủ 2 mũi vaccine cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.
Đối với việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, Thủ tướng giao bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nước để triển khai.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir
Ngày 10/12, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đã có công văn hoả tốc gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà và cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh.
Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông tin từ một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa tin về việc nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh không tiếp cận được với thuốc Molnupiravir.
Monulpiravir hiện đang được sử dụng miễn phí và có kiểm soát trong Chương trình "Đánh giá Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại TP Hồ Chí Minh" được phê duyệt theo Quyết định số 4068/QĐ-BYT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Y tế giao Sở Y tế TP Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chỉ đạo quản lý, tổ chức triển khai nghiên cứu theo đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt; phân bổ thuốc tới các cơ sở y tế trực thuộc để sử dụng cho các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà và cộng đồng.
Ngày 7/12/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt và cấp phát bổ sung hơn 25.000 liều thuốc cho TP Hồ Chí Minh để tiếp tục triển khai Chương trình nêu trên, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP Hồ Chí Minh lên gần 100.000 liều. Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bổ sung thuốc Molnupiravir theo đề xuất của TP Hồ Chí Minh để thực hiện Chương trình.
Việt Nam ghi nhận 14.839 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và 216 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 9/12 đến 16 giờ ngày 10/12, Việt Nam ghi nhận 14.839 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, cả nước có 7.681 ca nặng đang điều trị.
Trong số các ca nhiễm mới, có 20 ca nhập cảnh và 14.819 ca ghi nhận trong nước (giảm 481 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 8.843 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 227 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 195 ca), Tiền Giang (giảm 192 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bến Tre (tăng 195 ca), Bạc Liêu (tăng 143 ca), Hải Phòng (tăng 122 ca).
Từ 17 giờ 30 ngày 9/12 đến 17 giờ 30 ngày 10/12, cả nước ghi nhận 216 ca tử vong tại:
Tại TP Hồ Chí Minh có 71 ca, trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Tây Ninh (2), Tiền Giang (2), An Giang (1), Bến Tre (1), Gia Lai (1), Vĩnh Long (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Đồng Nai (33), Bình Dương (15), Tây Ninh (14), Tiền Giang (12), Bạc Liêu (11), Cần Thơ (11), Đồng Tháp (8 ), Bình Thuận (7), Vĩnh Long (7), Kiên Giang (7), Sóc Trăng (7), Long An (5), Trà Vinh (3), Cà Mau (2), Hà Nội (1), Ninh Thuận (1), Bình Phước (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 221 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.402 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Ba vận động viên dự giải xe đạp quốc gia nhiễm SARS-CoV-2
Ngày 10/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong 24 giờ qua, địa phương đã ghi nhận thêm 48 ca nhiễm SARS-CoV-2, đáng chú ý có 3 ca trong cộng đồng là vận động viên đang tham gia Giải vô địch Xe đạp đường trường và địa hình quốc gia 2021 đang diễn ra tại tỉnh.
Theo Ban Tổ chức giải, cả 3 vận động viên dương tính với SARS-CoV-2 đều thuộc đoàn Đồng Nai và đoàn này tạm dừng thi đấu để phục vụ công tác khoanh vùng, cách ly y tế, còn lại 13 đoàn vẫn sẽ tiếp tục thi đấu theo kế hoạch.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho các vận động viên, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các đoàn đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 phải tự cách ly y tế, theo dõi sức khỏe, 3 ngày thực hiện xét nghiệm một lần trước và trong quá trình tham gia giải đấu. Các đoàn vận động viên tham dự giải phải thực hiện thông báo hành trình đến với Ban Tổ chức. Đoàn Đồng Nai đã thực hiện việc cách ly y tế và 4 lần lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các thành viên.
Hà Nội phát hiện thêm 863 ca F0, tiếp tục lập kỷ lục mới
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 9/12 đến 18 giờ ngày 10/12, Hà Nội ghi nhận 863 ca nhiễm SARS-CoV-2; trong đó có 272 ca cộng đồng, 478 ca trong khu cách ly, 113 ca trong khu phong tỏa.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 226 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng (133), Hoàng Mai (128), Đống Đa (80), Nam Từ Liêm (79), Hoàn Kiếm (53), Gia Lâm (51), Chương Mỹ (42), Cầu Giấy (38), Thanh Xuân (37), Hoài Đức (27), Tây Hồ (24), Hà Đông (24), Thanh Oai (23), Đông Anh (18), Phú Xuyên (15), Long Biên (14), Quốc Oai (12), Thanh Trì (11), Thạch Thất (10), Ba Đình (9), Bắc Từ Liêm (8), Đan Phượng (6), Ứng Hòa (5), Thường Tín (5), Sơn Tây (4), Mê Linh (3), Mỹ Đức (2), Ba Vì (1), Sóc Sơn (1).
Trong số các ca nhiễm mới, có 272 ca cộng đồng ghi nhận tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng (84), Đống Đa (28), Hoàng Mai (28), Thanh Xuân (19), Gia Lâm (19), Đông Anh (9), Hà Đông (9), Tây Hồ (8), Cầu Giấy (7), Chương Mỹ (7), Hoàn Kiếm (7), Thạch Thất (6), Nam Từ Liêm (6), Hoài Đức (5), Long Biên (5), Thanh Trì (4), Thanh Oai (4), Thường Tín (4), Ba Đình (4), Bắc Từ Liêm (3), Mỹ Đức (2), Ứng Hòa (1), Sơn Tây (1), Quốc Oai (1), Ba Vì (1).
Hai trường ở Hà Nội chuyển sang dạy học trực tuyến khi phát hiện học sinh là F0
Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 10/12, ông Lưu Luyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện một F0 là học sinh lớp 9, Trường Trung học Cơ sở Tri Thủy thuộc xã Tri Thủy.
Ông Luyến cho biết, sáng 7/12, học sinh này tới trường muộn, khi đó các học sinh khác đã vào lớp. Giáo viên đo thân nhiệt ở cổng trường phát hiện em có nhiệt độ cao hơn bình thường kèm ho, sốt nhẹ. Ngay lập tức nhà trường đưa em đến cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm nhanh và cho kết quả dương tính. Tiến hành xét nghiệm RT-PCR cũng cho kết quả khẳng định dương tính.
Hiện toàn bộ học sinh của Trường Trung học Cơ sở Tri Thủy tạm thời dừng học trực tiếp, chuyển qua học trực tuyến. Các em học cùng lớp với học sinh F0 đang tự cách ly tại nhà và học trực tuyến. Nhà trường đã phối hợp với cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm học sinh và những người có liên quan, tất cả đều cho kết quả âm tính. Dự kiến, học sinh lớp 9 của trường sẽ trở lại học trực tiếp vào ngày 13/12 tới.
Huyện Thường Tín cũng ghi nhận 1 học sinh lớp 9 của Trường Trung học Cơ sở Minh Cường dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện toàn bộ học sinh của trường cũng đang chuyển sang học trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín, học sinh này có biểu hiện ho sốt từ trưa 7/12 và được lấy mẫu xét nghiệm ngay, cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến chiều cùng ngày, tất cả những người có liên quan đến nam sinh này cũng được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm. Từ sáng 8/12, toàn bộ 150 học sinh lớp 9 Trường Trung học Cơ sở Minh Cường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến. Công tác vệ sinh khử khuẩn đã được nhà trường thực hiện ngay sau đó. Hiện kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 1 của những học sinh và cán bộ giáo viên liên quan đến học sinh này đều âm tính.