TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc tìm giải pháp mở cửa ngành du lịch dịp cuối năm

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhiều du khách TP Hồ Chí Minh đã chọn các điểm đến vùng Tây Bắc để du lịch sau một thời gian dài ở nhà chống dịch. Tuy nhiên, do du lịch trong mùa dịch nên các tỉnh, thành phố cần có phương án thống nhất điều kiện đón khách.

Chú thích ảnh
Chiều 11/12, tại thành phố Hà Giang, UBND TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh năm 2021.

Thống nhất thích ứng với dịch

Là đơn vị lữ hành đưa nhiều du khách tại TP Hồ Chí Minh đến với các tỉnh Tây Bắc, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải (Vietravel) cho biết, đơn vị đã có hàng chục sản phẩm du lịch đưa khách đến vùng Tây Bắc; trong đó, tiêu biểu nhất là 3 cung đường tour đặc sắc vừa được làm mới và đã triển khai thành công, nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng.

Chú thích ảnh
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho biết, cần có chính sách phục hồi du lịch chung giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. 

“Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, chúng tôi đề xuất các tỉnh, thành cần có cơ chế linh hoạt chung về chính sách phục hồi, phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc mở rộng. Trong đó, các tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng cần có kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể hơn; cần ban hành kế hoạch thống nhất chung, phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực như việc di chuyển liên tỉnh, qui định về điều kiện kiểm soát dịch, tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch… Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy triển khai lại hệ thống cung ứng dịch vụ để phục vụ khách du lịch vì hệ thống cung ứng dịch vụ là một cấu thành quan trọng trong quá trình thực hiện tour cũng như của ngành du lịch. Đặc biệt, chính các địa phương trong khu vực Tây Bắc cũng cần thống nhất kịch bản trong trường hợp phát sinh ca nhiễm trong quá trình thực hiện tour, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và du khách khắc phục và xử lý; tránh tâm lý lo ngại cho du khách khi đi du lịch mà phải cách ly tại các tỉnh, thành phố này”, ông Trần Đoàn Thế Duy nói.

Tương tự, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, các đường tour về Tây Bắc được đơn vị đầu tư theo hướng tập trung vào chất lượng sản phẩm tour, sự trải nghiệm của du khách chứ không chỉ đi theo số lượng. Sản phẩm được xây dựng với mục đích vừa giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, vừa góp phần phát triển kinh tế bền vững ở các địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con tham gia làm du lịch cộng đồng.

“Hiện chúng ta đang sống trong điều kiện có dịch bệnh, vì vậy muốn phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, chúng ta cần có sự thống nhất liên kết về các tiêu chí an toàn giữa TP Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Trong đó, tập trung vào giải pháp làm sao vừa đón khách nhưng cũng kịp thời xử lý các tình huống phát sinh khi có ca F0 trong các đoàn du khách, theo hướng tạo sự thuận lợi và an tâm cho du khách đi du lịch”, ông Võ Anh Tài kiến nghị.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến các công ty, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn phải đóng cửa để phòng dịch. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, TP Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc khôi phục ngành du lịch để góp phần khôi phục nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, ngành du lịch đã tập trung chuyển đổi số, đẩy mạnh nâng cao ứng dụng công nghệ vào các hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn với COVID-19. Mới đây, để thích ứng với dịch trong tình hình mới, Sở còn công bố bộ tài nguyên du lịch trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth; công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch TP Hồ Chí Minh tại địa chỉ www.visithcmc.vn và gần đây nhất là tổ chức sự kiện Ngày hội Du lịch trên nền tảng công nghệ 2D và 3D…

Tạo điều kiện cho du khách

Dưới góc độ các nhà quản lý, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để tạo điều kiện cho du khách đi du lịch trong mùa dịch, nếu du khách đã tiêm vaccine mũi 1 mà đến hẹn tiêm mũi 2 thì có thể tiêm vaccine nếu đang du lịch tại các tỉnh Tây Bắc.

Theo ông Trần Đức Quý, hiện nay, các tỉnh không thể chờ "Zero COVID" mới mở cửa ngành du lịch, vì vậy giải pháp liên kết giữa các tỉnh trong vùng với TP Hồ Chí Minh trong hoạt động đưa đón khách sẽ có hiệu quả kép. "Du lịch sớm phục hồi sẽ thúc đẩy kinh tế các tỉnh Tây Bắc, đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, Hà Giang đang áp dụng giải pháp hỗ trợ du khách khi đến tỉnh. Cụ thể, nếu du khách đã tiêm một mũi vaccine, nhưng đến kỳ tiêm mũi hai khi đang du lịch Hà Giang sẽ được tiêm ngay tại tỉnh hoặc khách bị COVID-19 khi đang trong chương trình du lịch sẽ được tạo điều kiện tốt nhất về điều trị, cách ly...", ông Trần Đức Quý cho biết.

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc cùng các doanh nghiệp, đơn vị... dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ tại Đài hương 468 của tỉnh Hà Giang.

Theo ông Trần Đức Quý cho biết, việc liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc vừa qua đã có hiệu quả bước đầu khi du khách từ TP Hồ Chí Minh biết và đến các tỉnh Tây Bắc nhiều hơn. Tuy nhiên để việc liên kết, phục hồi du lịch trong điều kiện có dịch, các tỉnh, thành phố cần nhất quán về chính sách đón khách. Dịp cuối năm, lượng khách đến với các tỉnh Tây Bắc, cụ thể là Hà Giang sẽ tăng cao hơn, vì vậy tỉnh Hà Giang sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ du khách các tỉnh đi du lịch trong mùa dịch này.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều du khách TP Hồ Chí Minh đã chọn các điểm đến Tây Bắc để du lịch sau một thời gian dài ở nhà chống dịch. Tuy nhiên, do đi du lịch trong mùa dịch nên các tỉnh, thành phố cần có phương án thống nhất trong điều kiện đón khách của TP Hồ Chí Minh đến với 8 tỉnh Tây Bắc. Bởi vừa qua, một số tỉnh Tây Bắc vẫn chưa có sự thống nhất, khiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành TP Hồ Chí Minh e dè, lo ngại.

Chú thích ảnh
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh năm 2021.

"Sắp tới là mùa du lịch cao điểm cuối năm, cụ thể là mùa du lịch Tết Dương lịch và dịp Giáng sinh, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần thảo luận và thống nhất với nhau giải pháp đón khách. Cụ thể, thống nhất trong việc khách từ TP Hồ Chí Minh đến 8 tỉnh Tây Bắc sẽ được test nhanh hay PCR; trường hợp có khách trong đoàn dương tính với COVID-19 thì xử lý thế nào về y tế? Các thành viên còn lại sẽ tiếp tục hành trình hay phải cách ly... ", bà Phan Thị Thắng nêu.

Bà Phan Thị Thắng cũng cho biết, để sống chung với dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đã ban hành và xây dựng bộ tiêu chí an toàn với dịch bệnh. Hiện nay, bộ tiêu chí này cũng đã phát huy hiệu quả khá tốt trong việc xử lý các vấn đề cụ thể trong việc đảm bảo an toàn cho du khách, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú... trong điều kiện thích ứng an toàn. Nhờ bộ tiêu chí này mà TP Hồ Chí Minh đã có những hoạt động liên kết, trao đổi du khách với nhiều tỉnh, thành phía Nam. Do đó, các tỉnh Tây Bắc nếu chưa xây dựng được bộ tiêu chí chung, có thể tham khảo và điều chỉnh cho phù hợp. Quan trọng là phải đảm bảo việc thống nhất, thuận lợi nhất có thể cho du khách.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Du lịch TP Hồ Chí Minh kích cầu sản phẩm, dịch vụ nội địa cuối năm
Du lịch TP Hồ Chí Minh kích cầu sản phẩm, dịch vụ nội địa cuối năm

So với thời điểm chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từng bước "mở cửa" hoạt động lại nhiều ngành nghề, lĩnh vực, thì hiện nay ngành du lịch thành phố đã mở nhiều tuyến tour mới để kích cầu thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN