Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng hình ảnh chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ nhân dân, thân thiện, hiện đại, đoàn kết, nghĩa tình.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chính đối với công tác cải cách hành chính, lấy kết quả, hiệu quả, sáng tạo và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm căn cứ, điều kiện đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một “đại sứ” cải cách hành chính, nhiệt tình, thân thiện khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
UBND thành phố cũng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, sáng tạo, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để tham mưu bổ sung, điều chỉnh giải pháp cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt nắm rõ nguyên nhân không hài lòng của cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính để chấn chỉnh kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, nhất là thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cũng yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện triển khai nghiêm túc quy định về tiếp dân, đối thoại, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện cải cách hành chính trong nội bộ, xử lý nghiêm, kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có thái độ không chuẩn mực, nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý mức độ 3, mức độ 4, tiếp nhận, trả kết quả qua bưu điện và rà soát, đánh giá mô hình về cải cách hành chính đang áp dựng tại đơn vị, địa phương để kịp thời nhân rộng.
UBND thành phố yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường khắc phục, kéo giảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn trong lĩnh vực đất đai. Lực lượng Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong công tác phản hồi thông tin xác minh hồ sơ lý lịch tư pháp kịp thời, chính xác để đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân theo quy định.
Liên quan đến việc triển khai giải pháp cải cách hành chính, kịp thời nhân rộng mô hình, cách làm hay cũng như chấn chỉnh vi phạm, hạn chế, thiếu sót, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Theo đó, thành phố sẽ đánh giá chỉ số tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời gian cho phép (chỉ số 1), thời gian thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức tham gia giải quyết hồ sơ so với quy định (chỉ số 2), số lần người dân, tổ chức phải liên hệ với nơi tiếp nhận hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ (chỉ số 3). Số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức mà người dân phải liên hệ để hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính (chỉ số 4), mức độ công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa (chỉ số 8), tiếp thu giải trình đối với các ý kiến phản ánh, kiến nghị (chỉ số 9) và tiến độ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, đơn vị (chỉ số 10). Các cơ quan được đánh giá gồm Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND Quận 1, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh.
Trong khi đó, để nâng cao dịch vụ công trực tuyến, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành danh mục 325 dịch vụ công ưu tiên cung cấp trên Cổng Dịch vụ công thành phố và tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thực hiện 5 dịch vụ trong đó có thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ban Quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện 17 nhóm dịch vụ công, trong đó có thủ tục cấp Giấy phép xây dựng dự án. UBND quận, huyện thực hiện 42 dịch vụ; Sở Công Thương thực hiện 8 dịch vụ; Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện 2 dịch vụ; Sở Giao thông Vận tải thực hiện 17 dịch vụ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện 5 dịch vụ…
Đáng chú ý, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất thực hiện 9 nhóm dịch vụ công, trong đó có dịch vụ đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện 61 dịch vụ, trong đó có dịch vụ giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 21 dịch vụ, trong đó có dịch vụ chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, cung cấp thông tin dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ…