Tăng thực phẩm sạch, chặn thực phẩm “bẩn”
Hiện nay, các cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, bánh kẹo, mứt… đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng Tết. Bên cạnh chuẩn bị sản lượng, các đơn vị cũng chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm.
Theo Saigon Co.op, từ giữa năm 2023, đơn vị đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng thiết yếu phục vụ cho dịp lễ, Tết năm 2024 với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng 20 – 50% so với tháng kinh doanh bình thường.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, song song với công tác chuẩn bị nguồn hàng, chương trình khuyến mãi, công tác kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quán triệt và huy động mọi nguồn lực trong hệ thống để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo đó, đơn vị sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung chính. Đó là, kiểm soát chặt các hồ sơ pháp lý, hồ sơ chất lượng hàng hoá và các hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; kiểm soát chất lượng hàng hoá tại điểm bán và nhà cung cấp; nâng cao khả năng xét nghiệm của phòng thí nghiệm gấp 5 -10 lần so với ngày thường; xét nghiệm thực phẩm lưu động kịp thời để kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại nguồn.
“Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ quả, trái cây … được chúng tôi kiểm tra chất lượng ngay tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị. Các chỉ tiêu được kiểm tra bao gồm kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formol, chất tẩy trắng…”, ông Lê Trường Sơn thông tin.
Còn ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Việt Farm (Lâm Đồng) cho biết, sản phẩm rau củ quả của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh như Aeon, Lotte, Coop Mart… Do đã ký hợp đồng từ trước nên giá cả ổn định, kể cả dịp Tết.
“Chúng tôi rất chú trọng về các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, bởi đây chính là sự sống còn của doanh nghiệp. Sản phẩm được kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu gieo giống, canh tác đến thu hoạch, xuất bán. Chúng tôi chủ động lấy mẫu kiểm tra định kỳ, các siêu thị nhập hàng cũng lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với tất cả sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Tuy nhiên, điều khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiện nay là phải cạnh tranh, đối phó với những cơ sở kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện một kho đông lạnh ở phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức đang lưu chứa gần 25 tấn thực phẩm gồm: Bao tử heo đông lạnh, vú heo đông lạnh, dồi trường heo đông lạnh, trứng gà non, lá xách bò đông lạnh… đang chuẩn bị đưa ra bán trên thị trường. Toàn bộ số thực phẩm trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch, hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc mua bán, lưu thông trên thị trường.
Theo Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn dịp Tết Nguyên đán thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay. Nếu những loại thực phẩm này không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Tăng cường lực lượng thanh, kiểm tra
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là công việc thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, đơn vị xem đây là dịp cao điểm, trọng tâm và tập trung nhiều lực lượng vào công tác đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo người dân có một cái Tết an toàn nhất.
Tương tự, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đang tăng cường lực lượng thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trong thời điểm này, đồng thời phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh để chống hàng gian, hàng giả.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đơn vị đã lập 11 đoàn kiểm tra, tập trung vào khâu sản xuất, đặc biệt là những kho hàng, những nguyên liệu tập kết để chuẩn bị cho sản xuất.
Từ nay đến Tết, đơn vị sẽ tập trung nhiều hơn ở các khâu phân phối, từ các chợ đầu mối đến chợ truyền thống, các siêu thị. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn mác, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm; qua đó, sớm phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị còn tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024.
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về 3 chợ đầu mối tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày. Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai đến Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ và kiểm soát an toàn thực phẩm, chống hàng gian, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...