Trước tình hình này, ngay từ đầu năm, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn và các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn mấu chốt này, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng.
Gỡ khó cho từng doanh nghiệp
Cuối năm 2022, Công ty cổ phần Echigo Việt Nam có nhà máy đã xây dựng xong phục vụ “Dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm và chế tạo khuôn mẫu có độ chính xác cao” tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Đây là dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, thuộc diện được ưu đãi trong chính sách của Nhà nước.
Mặt khác, dự án cũng thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt quyết định cho hưởng lãi suất vay trung dài hạn đến 2020 theo chương trình kích cầu của thành phố. Tuy nhiên, từ đó đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được giải ngân khoản tiền này.
Để thực hiện dự án trên, Echigo vay trung dài hạn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), với mức lãi suất lên đến 15,05%/năm và đã được giải ngân cho vay giai đoạn 1. Tuy nhiên, với mức lãi suất trên, Echigo gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền và có nguy cơ phải phá sản.
Đứng trước khó khăn đó, lãnh đạo Echigo Việt Nam đã đề xuất phía ngân hàng xem xét hỗ trợ áp dụng lãi suất cho vay dự án là lãi suất cơ sở cộng với biên độ 2,5%, thay vì cộng 4,8% như trước. Đồng thời cho phép doanh nghiệp trả nợ trước hạn một số món và không tính phí phạt trả nợ trước hạn 3% hoặc phạt với mức phí thấp hơn. Ngoài ra, Echigo cũng đề xuất TPBank chấp thuận cho doanh nghiệp tìm ngân hàng khác mua lại toàn bộ nợ của doanh nghiệp.
Trong khi đó, vấn đề khó tiếp cận tín dụng tại Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha lại là một câu chuyện khác. Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV công ty này cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp đã phải dùng hết số tiền tích trữ để duy trì hoạt động, tài sản còn lại chỉ là đất nông nghiệp ở các tỉnh và đất thuê trả tiền hằng năm ở các khu công nghiệp.
Thế nhưng, khi doanh nghiệp đem đất nông nghiệp đi thế chấp thì bị ngân hàng định giá rất thấp, thời gian phê duyệt hồ sơ kéo dài. Còn đất thuê trả tiền hằng năm tại các khu công nghiệp, ngân hàng lại từ chối cho vay.
Ngay khi nhận phản ánh của các doanh nghiệp, giữa tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc trực tiếp với từng nhóm doanh nghiệp và ngân hàng cho vay để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Sau đối thoại, TPBank đồng ý giảm lãi vay theo mức đề xuất của doanh nghiệp và chấp thuận cho Echigo trả nợ trước hạn một số món mà không tính phí phạt. Đồng thời, TPBank cũng đồng ý và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm việc với ngân hàng khác để chuyển dư nợ…
Đối với vấn đề khó khăn của Công ty Mebipha, phía ngân hàng cho biết, đây là vấn đề vượt tầm ngân hàng. Loại hình đất thuê trả tiền hàng năm dù là tài sản có giá trị, nhưng Luật Đất đai năm 2013 hiện không cho phép ngân hàng quyền nhận thế chấp. Các ngân hàng chỉ nhận thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc nhận thế chấp đối với hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng và thời gian thuê. Nội dung này sẽ được cả doanh nghiệp và ngân hàng kiến nghị sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 hiện đang được lấy ý kiến trên cả nước.
Thực tế, việc tổ chức kết nối, đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và ngân hàng như trường hợp của Echigo và Mebipha như trên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của ngành ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong câu chuyện tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, với những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng sẽ được ngành ngân hàng thành phố tập trung tháo gỡ. Nếu nguyên nhân do cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, gây khó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiêm khắc xử lý. Tuy nhiên, với những vấn đề vượt tầm, không liên quan đến ngành, như vấn đề đất đai và các lĩnh vực khác, đơn vị cũng sẽ ghi nhận, báo cáo Ngân hàng Nhà nước, UBND thành phố để chỉ đạo xử lý, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thực chất hơn
Kể đầu năm 2023, thanh khoản thị trường tài chính ngân hàng đã được cải thiện, song việc lãi suất cho vay trung dài hạn neo ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh, hoạt động kém hiệu quả. Chưa kể, việc tiếp cận vốn vay vẫn luôn là bài toán khó của doanh nghiệp.
Ngược lại, các ngân hàng cũng cho biết, việc giải ngân cho vay phải đảm bảo theo yêu cầu của Luật Tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thiếu minh bạch dòng tiền, báo cáo tài chính, dự án kém khả thi nên ngân hàng rất khó giải ngân cho vay.
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như phía ngân hàng, ngay từ đầu năm, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp và kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đồng thời đưa ra một số thông điệp nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc này.
Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 3/2023, đã có 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói tín dụng trị giá 453.070 tỷ đồng cho vay trong năm 2023 theo chương trình này, tăng 4% so với năm 2022. Đồng thời, quy mô gói tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng chiếm khoảng 14% tổng huy động vốn trên địa bàn. Trong số đó, có một số gói tín dụng đáng chú ý như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) dành gói 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi giảm bình quân khoảng 2%/năm so với lãi suất thông thường; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dành 2.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho chương trình…
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp sẽ rất lớn và thiết thực khi triển khai đúng mục tiêu của chương trình. Bởi lẽ, các tiêu chí như lãi suất cho vay hợp lý; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay hỗ trợ 2% lãi suất; cho vay kích cầu đầu tư và hỗ trợ lãi suất của UBND Thành phố; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; hỗ trợ dịch vụ, phí và hạn mức tín dụng gắn với cải cách hành chính… đều được đăng ký và đưa vào chương trình kết nối năm nay.
“Khi chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức triển khai thực hiện tốt, đúng cam kết, đúng kế hoạch sẽ phát huy hiệu quả rất lớn và thiết thực cho doanh nghiệp cả về vốn, lãi suất cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thuận lợi nhất dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp… Từ đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển”, ông Lệnh cho biết.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đề nghị sở, ngành, hiệp hội phối hợp thông tin đến doanh nghiệp thuộc địa bàn và lĩnh vực các cơ quan này quản lý tiếp cận gói tín dụng khi có nhu cầu. Đồng thời, gửi chi tiết các gọi tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn công bố cho vay giảm lãi suất đến UBND TP Hồ Chí Minh. Ngành ngân hàng thành phố xác định đây là một trong những hoạt động nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thành phố phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Để chương trình phát huy hiệu quả, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngân hàng cần công khai, minh bạch các gói tín dụng để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Khi đó, chính sách mới đi vào cuộc sống. Các gói này chảy vào các dự án một cách hiệu quả thì ngân hàng cũng tránh được nợ xấu. Về phía doanh nghiệp, cũng phải tự sắp xếp để sử dụng vốn sao cho hiệu quả.
Song song đó, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn, từ đó có thể hợp tác trên tinh thần cầu thị, đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, ngành ngân hàng nên có các kênh kết nối khác để các doanh nghiệp thường xuyên phản ánh các vướng mắc, kiến nghị đến cơ quan quản lý tiền tệ và lãnh đạo thành phố.
Bài cuối: Nguồn lực cho chiến lược dài hơi