Thúc đẩy tiến độ dự án lớn
Bên cạnh các dự án đường sắt đô thị (metro) thực hiện nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng nút giao An Phú… Cùng với đó, dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng để kịp khởi công vào cuối tháng 6/2023.
Dù khởi công “rầm rộ” cuối tháng 12/2022, tuy nhiên cả 3 dự án cửa ngõ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) là chủ đầu tư gồm đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Quốc lộ 50, nút giao thông An Phú với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng triển khai khá chậm, thi công cầm chừng. Các dự án này vừa được UBND TP Hồ Chí Minh đưa vào danh mục dự án, công trình giao thông trọng điểm năm 2023 nhằm giảm ùn tắc các cửa ngõ thành phố, tăng kết nối liên vùng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, 3 dự án này rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tổ chức giao thông, có sử dụng nguồn lực Trung ương. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các công trình đang thi công mang tính cầm chừng, chưa triển khai đồng bộ, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ dự án, tạo dư luận không tốt.
Do đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị Ban Giao thông chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, hoàn thành dự án đúng tiến độ. Chủ đầu tư cũng phải lập kế hoạch thi công xây dựng chi tiết từng dự án, thể hiện đầy đủ các hạng mục công việc, có dự phòng thời gian thực hiện, giải pháp đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân và quản lý chất lượng công trình.
Ngoài các dự án lớn trên, cuối tháng 2/2023, Thành phố đã khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn). Với tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng, dự án này mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong tương lai.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, việc triển khai thi công, hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho hạ tầng đô thị thành phố, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng và Thành phố nói chung. Qua đó, dự án sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận huyện, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trong khi đó, dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng (chi phí xây dựng hơn 22.400 tỷ đồng và gần 19.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng) cũng đang gấp rút triển khai. Dự án đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với tổng diện tích giải tỏa để thực hiện dự án khoảng 412 ha, hơn 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng.
Dự kiến đến ngày 15/6, các địa phương sẽ bàn giao 80% mặt bằng cho chủ đầu tư để khởi công dự án. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, năm nay vốn giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 3 là hơn 18.000 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn, cần khẩn trương thực hiện nên từ cuối năm 2022 đến nay các địa phương đã rà soát các thủ tục để cố gắng tháng 6/2023 bàn giao 80% mặt bằng và đến tháng 11/2023 bàn giao 100% mặt bằng dự án.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54 về phát triển thành phố liên quan nhiều đến các cơ chế đầu tư, giải phóng mặt bằng và những cơ chế thu hút vốn khác. Nếu đến tháng 5/2023 được Quốc hội thông qua sau đó triển khai thì sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy đầu tư công cũng như đầu tư thu hút xã hội khác.
Dự án Vành đai 3 có vai trò quan trọng trong kết nối liên vùng (kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 kết nối trực tiếp TP Hồ Chí Minh với các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và kết nối liên vùng với các tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... sẽ tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đầu tư công dẫn dắt đầu tư xã hội
Năm 2022, TP Hồ Chí Minh giải ngân vốn đầu tư công 26.636 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,3% so với tổng kế hoạch vốn giao là 37.366 tỷ đồng. Nhiều chủ đầu tư chưa đảm bảo được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 86% trở lên, gồm 63/92 cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án; trong đó, có 9 đơn vị giải ngân từ 80 - 86%; có 23 đơn vị giải ngân từ 50 - 80% và 31 đơn vị dưới 50%.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng số vốn giải ngân của thành phố chỉ đạt 1% so với kế hoạch vốn đã được UBND Thành phố giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương; đạt 0,52% so với tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Giữa tháng 3 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai công trình trọng điểm, dự án hạ tầng, giao thông đô thị. Cùng đó, UBND thành phố yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là dự án trọng điểm, dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện chỉ đạo và giám sát thường xuyên các cơ quan chuyên môn trực thuộc, các xã phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư có dự án trên địa bàn, chỉ đạo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ký hợp đồng và hỗ trợ thủ tục với các chủ đầu tư để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.
Ngay sau khi Chương trình hành động được ban hành, thành phố Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng cho Ban Giao thông để tái khởi động lại dự án cầu Nam Lý, vốn tạm dừng thi công 4 năm qua do vướng mặt bằng. Khởi công cuối năm 2016, dự án cầu Nam Lý nhằm thay thế đập Rạch Chiếc đã triển khai đạt tổng khối lượng khoảng 40% giá trị hợp đồng nhưng tạm dừng thi công từ tháng 4/2019.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, sau khi tiếp nhận phần mặt bằng, Ban Giao thông sẽ cùng các đơn vị thi công, tư vấn triển khai ngay công tác tập kết vật tư, thiết bị, chuẩn bị mặt bằng tổ chức thi công... để có thể chính thức thi công trở lại trước ngày 10/4. Các đơn vị quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình trong thời gian 14 tháng kể từ khi tiếp nhận đủ mặt bằng.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng, cầu Nam Lý khi hoàn thành không chỉ nối hai bờ sông Rạch Chiếc mà còn là nối lại niềm vui, mang lại niềm tin hết sức to lớn cho người dân Thủ Đức. Công trình này cũng là động lực để triển khai và hoàn thành các dự án trọng điểm khác như Vành đai 3, cầu Ông Nhiêu, Tăng Long.
Năm 2023, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua với nguồn vốn đầu tư cônghơn 70.000 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, TP Hồ Chí Minh xác định tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm. Thành phố cũng khẩn trương chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết để các dự án đủ điều kiện bố trí vốn, không để xảy ra tình trạng “vốn chờ thủ tục”; trong đó, hướng tới thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án khởi công mới.
Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Thành phố có số vốn đầu tư rất lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Việc giải ngân vốn đầu tư tốt đi cùng với tiến độ triển khai được đảm bảo, các dự án này sẽ là cú hích thu hút đầu tư xã hội và là động lực phát triển thành phố. Đây cũng chính là các dự án gỡ “nút thắt” về kết nối giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.
Bài 3: Ổn định cung - cầu lao động