TP Hồ Chí Minh cảm ơn các chiến sĩ tình nguyện nơi tuyến đầu chống dịch

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, những đóng góp, hy sinh, cống hiến thầm lặng của mọi người đã góp phần vô cùng quan trọng giúp TP Hồ Chí Minh từng bước kiểm soát dịch, chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới”.

Chú thích ảnh
Ngày 8/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã trao tặng Bằng khen cho 55 tập thể và tặng Huy hiệu TP Hồ Chí Minh cho 115 cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia công tác phòng, chống dịch.

Ngày 8/10, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trân trọng gửi lời cám ơn sâu sắc đến gần 30.000 người chi viện từ khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là 55 tập thể và 115 cá nhân đã sát cánh cùng TP Hồ Chí Minh hơn 100 ngày qua. Ngoài ra, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cũng gửi lời cảm ơn các gia đình, cơ quan, đơn vị, các cơ quan trung ương, tổ chức - cá nhân trong và ngoài nước, tổ chức - cá nhân thiện nguyện, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các tỉnh thành bạn, các tổ chức tôn giáo đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh; cám ơn đồng bào cả nước, người dân TP Hồ Chí Minh đã đồng cam cộng khổ cùng chính quyền bước qua giai đoạn khó khăn.

“Các bạn đã trở thành những người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường nơi tuyến đầu chống dịch của TP Hồ Chí Minh. Những đóng góp, hy sinh, cống hiến thầm lặng của mọi người nơi tuyến đầu chống dịch đã góp phần vô cùng quan trọng để cùng Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh kéo giảm số người bị nhiễm, giảm số người trở nặng và đặc biệt là số người tử vong, từng bước giúp TP Hồ Chí Minh kiểm soát dịch, chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói. 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư TP Hồ Chí Minh cảm ơn những đóng góp to lớn của các lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch tại địa bàn. 

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân cũng tuyệt đối không được chủ quan, phải luôn cảnh giác. Đồng thời, thay đổi cách sống phù hợp với tình hình mới - sống trong môi trường có dịch - để thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả trong điều kiện bình thường mới. Từ đó, phục hồi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước khôi phục các sinh hoạt của người dân; nhanh chóng củng cố toàn diện hệ thống y tế từ TP Hồ Chí Minh đến cơ sở để bảo vệ sức khỏe nhân dân, sẵn sàng ứng phó với đại dịch.

Chú thích ảnh
Bí thư Nguyễn Văn Nên trao Huy hiệu TP Hồ Chí Minh cho các cá nhân tình nguyện tham gia chống dịch. 

 Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Những hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ tuyến đầu, nhất là lực lượng chi viện trong bối cảnh khó khăn, sẽ luôn được người dân thành phố nhớ đến. Đó là hình ảnh người lính đi chợ giúp dân, là hình ảnh các bác sĩ quân y, dân y, nhân viên y tế, sinh viên y khoa và đội ngũ tình nguyện… Lặng lẽ mà kiên cường, họ đã kiên trì bám trụ và chiến đấu âm thầm trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Sau khi kết thúc nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh Minh, chúng tôi thay mặt người dân, chính quyền chúc lực lượng tình nguyện tăng cường sớm về bên người thân". Bí thư Nguyễn Thành Nên cũng trân trọng mời mọi người trở lại thành phố với tư cách là ân nhân, là khách quý của TP Hồ Chí Minh.

Thay mặt các lực lượng tăng cường hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, Đại tá, TS. Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục hậu cần Bộ Quốc phòng cho biết, các chiến sĩ quân y đã tham gia hỗ trợ hầu hết các hoạt động phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, tham gia thành lập và triển khai 10 bệnh viện dã chiến, 2 trung tâm hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, triển khai lấy mẫu xét nghiệm, tiêm ngừa cho nhân dân. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ quân y đã bổ sung lực lượng bác sĩ, điều dưỡng cho 485 trạm y tế lưu động để chăm sóc, tư vấn, cấp thuốc điều trị F0 tại nhà ở 322 xã, phường, thị trấn của 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Chú thích ảnh
Những giây phút vui vẻ của các bác sĩ, chiến sĩ quân y nơi tuyến đầu chống dịch trong buổi lễ tuyên dương ngày 8/10.

“Quân đội, ngành quân y vẫn luôn sát cánh cùng các lực lượng y tế của TP Hồ Chí Minh, tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc điều trị F0 tại tuyến cơ sở, củng cố các bệnh viện dã chiến, duy trì các trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng, tiếp tục duy trì các hoạt động của hệ thống xe cứu thương quân đội để hỗ trợ công tác vận chuyển bệnh nhân COVID-19 trong TP Hồ Chí Minh…”, Đại tá Nguyễn Văn Giang cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ dân quân đi thăm khám cho các F0 đang điều trị cách ly tại địa bàn Quận 5. 

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, suốt gần 2 tháng (từ ngày 15/7 - 15/9), TP Hồ Chí Minh đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm. Khoảng giữa tháng 9 đến nay, đã có những tín hiệu lạc quan cho thấy Thành phố bắt đầu kiểm soát được dịch, số ca tử vong và trường hợp mắc mới giảm dần, số ca xuất viện đã rút ngắn khoảng cách và cao hơn so với trường hợp nhập viện. Ngoài việc huy động tổng lực nhân viên y tế từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu nguồn nhân lực y tế đến từ 132 đơn vị. Tính đến ngày 30/9, đã có 187.275 người tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Trong đó, lực lượng do các bộ ngành trung ương, các tỉnh, thành tham gia hỗ trợ là 28.989 người (2.335 bác sĩ, 5.011 điều dưỡng, 4.760 giáo viên - sinh viên các trường y khoa, 6.103 chiến sĩ quân y, 175 cán bộ y tế Bộ Công an).

Chú thích ảnh
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đề xuất đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng xây cảng container tại TP Hồ Chí Minh
Đề xuất đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng xây cảng container tại TP Hồ Chí Minh

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất chủ trương đầu tư khu bến container tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Tổng vốn đầu tư dự án ước khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN