Củng cố các động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh mới hiện nay, Tp.Hồ Chí Minh đã và đang tập trung xác định, củng cố các động lực tăng trưởng mới trong phát triển của mình. Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra, thành phố đã xác định được các dự án trọng điểm, nhiệm vụ hiện nay là đảm bảo tiến độ thực hiện, nhất là tuyến đường vành đai, hạ tầng giao thông, cải thiện nâng cấp các cơ sở y tế… Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị thành phố sớm nối lại chương trình kích cầu đầu tư. Đây là chương trình được triển khai suốt 20 năm và đem lại hiệu quả thực tế nhưng đã bị dừng trong 2 năm trở lại đây.
“Chương trình kích cầu đầu tư đóng vai trò đòn bẩy, kích thích đầu tư xã hội vào nhiều lĩnh vực có tính dẫn dắt tăng trưởng. Điển hình như đầu tư vào hệ thống logistics giúp cải thiện chất lượng, giảm chi phí lưu thông hàng hoá, tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu”, ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.
Phân tích sâu về lý do cần khơi thông thị trường bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, đang có tình trạng đánh đồng cả ngành bất động sản với hoạt động đầu cơ, xây dựng dự án nghỉ dưỡng hay và tình trạng bơm vốn quá mức cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, bất động sản lành mạnh, đáp ứng nhu cầu nhà ở thật sự của người dân cần được duy trì và tạo cơ hội để phát triển. Thay vì bơm tiền cho đơn vị phát triển dự án, ngân hàng cần hỗ trợ cho người mua nhà. Thị trường nhà ở chuyển động sẽ kéo theo các ngành sản xuất khác như xi măng, sắt thép, nội thất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Khi người động có việc làm, thu nhập được cải thiện thì cầu tiêu dùng sẽ sớm phục hồi, tiếp tục nối dài chuỗi chuyển động cho các ngành sản xuất tiêu dùng khác trong nước.
Đề xuất một số nguyên tắc gợi ý chính sách để thu hút nguồn lực cho Tp. Hồ Chí Minh, chuyên gia Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng cần tập trung vào tài lực, nhân lực và các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, tỷ lệ điều tiết ngân sách, bồi dưỡng nguồn thu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với nguồn lực cho các dự án đầu tư công, cần tạo sự lan tỏa mạnh mẽ nhằm kích thích tổng cầu, trong đó, cơ quan đại diện vốn nhà nước tham gia thực hiện các dự án đầu tư công với nguồn “vốn đệm” từ ngân sách nhà nước, đồng thời kết hợp và chủ động tìm kiếm và đề xuất nhà đầu tư từ khu vực tư nhân. Tránh tình trạng trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhưng phải linh hoạt, đa dạng, tháo gỡ những khó khăn đối với các hình thức chi trả cho nhà đầu tư theo mô hình đối tác công tư.
Để thu hút nguồn lực về vốn, thành phố cần phải chủ động tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, cơ sở quy hoạch hạ tầng cho dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống cảng, logistics... Hoàn thiện và đổi mới cơ chế chuẩn bị đất cho nhà đầu tư, thí điểm đối với dự án cải tạo và phát triển đô thị theo định hướng tích hợp từ nguồn lực trong nước lẫn nước ngoài, từ nguồn lực của nhà nước lẫn tư nhân. Rà soát các dự án tồn đọng và các dự án tiềm năng để tiến hành tổ chức các buổi xúc tiến, lấy ý kiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư các dự án trong danh mục của Tp. Hồ Chí Minh; xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn
Nhanh chóng đưa các nội dung của Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh với 40 nội dung, đầu việc; trong đó sẽ trình HĐND Thành phố thông qua 7 nội dung tại kỳ họp vào tháng 7/2023; 33 nội dung, đầu việc còn lại sẽ tiếp tục chuẩn bị thật kỹ để trình cấp có thẩm quyền thông qua, triển khai trong quý IV năm 2023.
Nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính công
Để lấy lại đà tăng trưởng, Tp. Hồ Chí Minh cần sự thay đổi mang tính đồng bộ, cả về động lực tăng trưởng và tính hiệu quả của bộ máy hành chính công, qua đó góp phần vận hành, đưa các cơ chế chính sách mới nhanh chóng vào cuộc sống.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề cấp bách trước mắt là phải tháo được điểm nghẽn về đầu tư công cho từng dự án cụ thể, xác định rõ vướng mắc ở đâu, trách nhiệm của ai, thẩm quyền cấp nào để giải quyết một cách ráo riết. Nếu đó là trách nhiệm của cán bộ cấp thành phố, không xong việc thì thay người. Có như vậy mới tạo ra sự chuyển động cho các dự án và chấn chỉnh tình trạng chùng lại trong bộ máy công quyền. Song song với đầu tư công, cần khơi thông thị trường bất động sản, tạo điều kiện để dòng tiền trong xã hội lưu thông, lan toả sang các lĩnh vực khác.
Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong quản lý nhà nước cũng như thúc đẩy thực hiện cơ chế, chính sách vượt trội cho Tp. Hồ Chí Minh, ông Vũ Tuấn Hưng cho rằng, Bộ Nội vụ cần sớm có cơ chế chính sách chung, với việc xác định định biên trên cơ sở tiếp cận đa chiều của đối tượng quản lý cho cả nước, trong đó có Tp. Hồ Chí Minh trong việc chủ động xem xét, thẩm định, giao bổ sung, điều tiết số biên chế cho các phường, xã, thị trấn căn cứ theo quy mô dân số, sự phức tạp của địa bàn...
Theo ông Vũ Tuấn Hưng, cần cân nhắc một cơ chế chính sách mới, vượt trội công bằng cho Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở xác định các tiêu chí định mức cụ thể và tạo tính khuyến khích được trích lại với việc tăng tỷ lệ phần trăm cao hơn cho ngân sách Thành phố ở phần vượt định mức, từ đó tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy cho thành phố đầu tư phát triển, tạo nguồn thu bền vững. Với cách làm tương tự, có thể khuyến khích mọi địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có cân đối được ngân sách tăng thu ngân sách và đóng góp nhiều cho trung ương song ngân sách của tỉnh, thành phố cũng cao lên. Lấy đây là thí điểm để từ đó nhân rộng mô hình cho các địa phương trong cả nước, kích thích sự phấn đấu, năng động sáng tạo của chính quyền các địa phương.
Đầu tháng 6/2023 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 87/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ Chính phủ ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới; trong đó, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND thành phố nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính-ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Theo Nghị quyết, Chính phủ ban hành và triển khai thí điểm chính sách mang tính đột phá để Tp.Hồ Chí Minh chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển; giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch...; nâng cao hiệu quả các loại hình liên kết đầu tư trong các lĩnh vực này; áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công-tư để thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và khoa học-công nghệ.
Có lẽ yêu cầu tiên quyết đặt ra đối với Thành phố lúc này đó là tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Mặt khác, “chăm lo quy hoạch, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ kế thừa; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”, như Bộ Chính trị đã chỉ rõ.