Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Loay hoay với 'chiếc áo chật'

Sức khỏe của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương và bản thân Tp. Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu, đề xuất, triển khai nhiều tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, thực tế do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, các giải pháp được triển khai vẫn chưa được như mong muốn, thâm chí nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ thấu đáo.

Rào cản từ cơ chế

Chú thích ảnh
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có đóng góp lớn cho ngân sách, sự phát triển chung của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, rất nhiều quy định, cơ chế chính sách không còn phù hợp với quy mô phát triển của thành phố trong đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường đô thị...

Phân tích đóng góp của Tp. Hồ Chí Minh vào nền kinh tế của cả nước có xu hướng giảm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ việc thiếu cơ chế, chính sách đặc thù trong giải quyết những vấn đề liên quan; còn tồn tại những dự án đầu tư quy mô lớn chậm triển khai trong nhiều năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch hằng năm.

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều năm qua, thành phố không thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài và trong nước có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và triển khai trên địa bàn, cùng với sự hợp tác của các doanh nghiệp trong nước để phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi sản xuất và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, tỷ lệ đất dành cho giao thông, công nghiệp và dịch vụ còn rất thấp so với yêu cầu phát triển của một trung tâm kinh tế; sự hình thành liên kết doanh nghiệp - khoa học - đào tạo - nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tại tọa đàm giữa lãnh đạo thành phố và lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 2/2023 vừa qua, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã phản ánh tình trạng trì trệ trong việc thực thi các thủ tục cấp phép. Singapore hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Tp. Hồ Chí Minh, thế nhưng theo phản ánh của nhà đầu tư, họ vẫn mất rất nhiều thời gian cho thủ tục xin cấp phép kinh doanh và mỗi nơi áp dụng một kiểu. Cụ thể, doanh nghiệp nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh dịch vụ cho thuê trang thiết bị gửi lên Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh nhưng Sở Công Thương không cấp phép được mà phải gửi hồ sơ ra Bộ Công Thương hỏi ý kiến.

Thời gian nhà đầu tư chờ đợi để được cấp giấy phép phải sau 9 tháng, thậm chí 1 năm. Ngay với các dự án đã đầu tư rồi xin giấy phép thay đổi hạng mục kinh doanh, tăng vốn thì doanh nghiệp vẫn phải làm việc với nhiều cơ quan ban ngành để cập nhật từng thông tin mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, công ty đã xin cấp phép đầu tư từ 10 năm trước, nay cập nhật thay đổi, lại phải làm nguyên bộ hồ sơ như hồ sơ của 10 năm trước.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc tăng trưởng kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh giảm thời gian qua đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình bất ổn của thị trường thế giới, sự biến động mạnh của thị trường tài chính… Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh cũng đã bộc lộ những nhược điểm, tồn tại toàn bộ cơ cấu kinh tế và thể chế quản lý của thành phố, đặc biệt vấn đề thể chế quản lý đang có nhiều bất cập đối với một thành phố có quy mô siêu đô thị như Tp. Hồ Chí Minh.

Thảo luận tại Quốc hội mới đây, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, phải tạo điều kiện cho Tp. Hồ Chí Minh có cơ chế theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ mạnh và đột phá, giúp thành phố phát triển mạnh hơn. Các chính sách tập trung 3 vấn đề, trong đó các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực lớn hơn cho thành phố; phân cấp, phân quyền tạo chủ động cho thành phố và quy định một số thủ tục rút gọn trong thực hiện các chính sách.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, các cơ chế, chính sách cần tạo nguồn lực lớn hơn cho Tp.Hồ Chí Minh. Hiện nhu cầu của thành phố rất lớn, ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng y tế, xã hội và nhu cầu lớn về đường sắt đô thị chưa thể giải quyết… Tp.Hồ Chí Minh đang mặc một chiếc áo quá chật, cần nới ra để thành phố phát triển.

Chính sách đặc thù chưa đồng bộ

Chú thích ảnh
Bốc xếp container hàng hóa tại Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh (tư liệu) minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong hai năm 2020, 2021 làm chậm lại việc thực thi các cơ chế chính sách mà Nghị quyết 54/2017/QH14 đã thể chế hóa. Cơ chế tài chính - ngân sách về các nội dung thuế, phí, lệ phí, các nguồn thu mà thành phố được hưởng, hạn mức dư nợ... chưa được phát huy, chưa thực sự là động lực để huy động, phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội.

Lý giải một số nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch dự kiến, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân là do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Trong hai năm đầu kế từ khi Nghị quyết số 54/2017/QH14 có hiệu lực (năm 2018, năm 2019), thành phố đã triển khai rất quyết liệt nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị, thành phố kỳ vọng các chính sách sẽ được phát huy trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hình kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó thành phố là một trong những địa phương chịu tác động mạnh nhất.

Theo ông Phan Văn Mãi, với đặc thù của Tp. Hồ Chí Minh, khuôn khổ pháp luật hiện tại chưa bao quát được hết, đòi hỏi cần có khung pháp lý phù hợp để vừa tháo gỡ vướng mắc vừa tạo không gian mới cho thành phố phát triển và tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu. Một nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 là hết sức cấp thiết  để khắc phục những khó khăn hiện tại, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, huy động nguồn lực xã hội ngoài ngân sách, phân cấp, phân quyền cho thành phố chủ động hơn trong thủ tục, đặc biệt tháo gỡ cho thành phố Thủ Đức.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 đã tháo gỡ cho Tp.Hồ Chí Minh nhiều vấn đề, tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số cơ chế còn chậm áp dụng như dư nợ cho vay đến 90% nhưng mới được 31%; huy động nhân tài, nhà khoa học chưa làm được nhiều; huy động nguồn lực cho các nhiệm vụ của thành phố cũng chưa nhiều…

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, nhiều nội dung triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội còn chậm, một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc còn chờ văn bản hướng dẫn nên kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành bộ máy do thiếu hướng dẫn và nhất là chưa được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.

Còn theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, trong quá trình triển khai Nghị quyết còn nhiều bất cập, chậm so với kế hoạch và hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản đều là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể hóa cần phải nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ngoài ra, còn có yếu tố khách quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, đồng thời thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Vì vậy, thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết; đặc biệt quá trình triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của thành phố còn chậm như cổ phần hóa và thu hút nhân tài.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, có nội dung rất quan trọng là tạo cho thành phố một cơ chế vượt trội để phát triển. Với tư tưởng như vậy, thành phố tổng kết Nghị quyết 54 và đề xuất một loạt chính sách trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. “Nghị quyết mới phải làm sao giải quyết bài toán đã đề cập suốt 20 năm nay, đó là Tp. Hồ Chí Minh có “chiếc áo quá chật”, không thể lớn được. Với một siêu đô thị hơn 10 triệu dân thì những cơ chế quản lý phải được “may rộng ra”, thành phố mới có thể phát triển được”, Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.

Bài 3: Gỡ nút thắt về bộ máy và con người

Anh Tuấn - Tiến Lực - Xuân Anh (TTXVN)
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước

Ngày 7/7, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã tổ chức khai mạc Hội nghị lần thứ 42. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì Hội nghị. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN