Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước

Ngày 7/7, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã tổ chức khai mạc Hội nghị lần thứ 42. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì Hội nghị. 

Khẳng định rõ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước

Theo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; các báo cáo chuyên đề về kết quả thực hiện Quy định 1374 ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giai đoạn 2018-2020 và báo cáo liên quan đến công tác đảng viên trong nhiệm kỳ 2015-2020. 

Chú thích ảnh
 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Hội nghị cũng cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội, ngân sách 5 năm (2015-2020), phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2021-2025); báo cáo kết quả 5 năm (2015-2020) thực hiện 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị Thành ủy lần thứ 42, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, làm rõ vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của thành phố đối với cả nước; những kết quả thành phố đã đóng góp được và những mặt hạn chế và các nội dung cần làm sâu hơn nữa.

Khẳng định quy mô kinh tế của thành phố ngày càng tăng và đóng góp vào quy mô kinh tế cả nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Nói đến vai trò đầu tàu kinh tế, có thể thấy tỷ trọng đóng góp của Thành phố Hồ Chí Min vào nền kinh tế cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn 1996 - 2000 cứ trên 1 km2 thành phố đã tạo ra giá trị gia tăng gấp 27 lần so với bình quân cả nước; giai đoạn 2001 0 2010 là 31 lần và giai đoạn 2011 - 2019 là 35 lần. Cùng với đó, thành phố cũng duy trì năng suất lao động cao hơn cả nước, có năm gấp 2,7 lần và năm 2019 là gấp 2,9 lần. 

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí đầu tàu không chỉ là tăng trưởng mà đóng góp vào ngân sách cả nước. Cụ thể, thu ngân sách của thành phố giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đóng góp ở mức 26% ngân sách cả nước; giai đoạn 2011 - 2019 là khoảng 27,6%. “Như vậy, tỷ trọng đóng góp ngân sách tiếp tục tăng. Đây là yếu tố chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh là vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, tiếp tục được giữ vững và tiếp tục được khẳng định”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Thẳng thắn nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố có chiều hướng chậm lại, từ 1,6 lần xuống còn 1,2 lần, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là 20 năm qua tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2000 tỷ lệ ngân sách để lại thành phố bằng 33% tổng thu trên địa bàn; giai đoạn 2017 - 2020 giảm còn 18%. Ngoài ra, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, về nguyên nhân chủ quan, thành phố cần rà soát việc ứng dụng khoa học - công nghệ của thành phố và phát huy sáng tạo của người lao động.

Chia sẻ về động lực phát triển kinh tế thành phố với cả nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Thành phố đã có mô hình mới trong phát triển kinh tế đã và đang phát triển. Điển hình là Khu Công nghệ cao thành phố thu hút khoảng 7 tỷ USD, xuất khẩu hàng năm hơn 8 tỷ USD với diện tích khoảng 800 ha; các khu chế xuất, khu công nghiệp từ giai đoạn trước đang phát huy tích cực; Công viên phần mềm Quang Trung ra đời sớm nhất và phát huy hiệu quả nhất cả nước; các dự án khởi nghiệp tại thành phố có quy mô lớn nhất cả nước. 

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, với các mô hình đặc thù đổi mới, thành phố vẫn giữ được tính đổi mới, tiên phong. Gần đây thành phố triển khai Khu Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông sẽ tạo động lực lớn hơn cho thành phố trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, thành phố còn có mô hình liên kết ngân hàng với doanh nghiệp thông qua cơ quan quản lý nhà nước quận, huyện cũng thực hiện rất tốt.

Nhiều điểm sáng, tiền đề cho phục hồi tăng trưởng

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 nên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Nhiều khu vực, ngành kinh tế có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 3,7% so với cùng kỳ, ngành lưu trú, ăn uống giảm 47,3%, ngành du lịch lữ hành giảm 71,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,0%), trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 2,0% (cùng kỳ tăng 5,5%). Thu ngân sách nhà nước được hơn 163.000 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4% so với cùng kỳ. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Tuy nhiên, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân thành phố, tình hình kinh tế - xã hội vẫn có nhiều điểm sáng, tiền đề cho sự phục hồi, tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới. Khối lượng đầu tư công được giải ngân trên thực tế ở mức hơn 17.962 tỷ đồng, đạt 43,08% kế hoạch vốn, gấp hơn 4 lần về giá trị tuyệt đối, hơn 3 lần về tỷ lệ so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 403.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (dịch vụ y tài chính ngân hàng tăng 7,82%...

Đề cập tình hình kinh tế - xã hội thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố, nhấn mạnh: Thành phố chủ động phòng chống dịch COVID-19 một cách tích cực. Các quận, huyện triển khai tốt đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XI Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các quận huyện đã đẩy mạnh đầu tư công, giá trị giải ngân đạt khoảng 43% gấp 3 lần cùng kỳ. Trong điều kiện có dịch COVID-19, đây là kết quả rất đáng trân trọng.

Lưu ý một số nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cho biết: Các cấp uỷ cần tiếp tục tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố; đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp để sớm duy trì khôi phục kinh tế thành phố; tiếp tục hoàn thành đầu tư công; giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội.

Dự kiến hội nghị làm việc trong 2 ngày 7 và 8/7.

Hoàng Tuấn  (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh hướng tới sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số
TP Hồ Chí Minh hướng tới sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số

Đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận, huyện và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ phạm vi bí mật Nhà nước).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN