Trên đây là nội dung được UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại họp báo quá trình xây dựng và những nội dung chính của dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 diễn ra tối 18/5.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao.
Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. Việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên thực tế không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.
Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 24-NQ/TW) và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 31-NQ/TW).
Cả hai nghị quyết trên đều khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước; đồng thời, xác định mục tiêu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Theo ông Phan Văn Mãi, để đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết nêu trên, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về không gian phát triển cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14; bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Nếu như Nghị quyết số 54/2017/QH14 tập trung vào các cơ chế tăng nguồn thu cho thành phố thì dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 tập trung vào các cơ chế thu hút nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng này được đề ra trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang mất dần các lợi thế thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Dù là địa phương chiếm 1/3 số dự án FDI của cả nước nhưng thời gian qua quy mô dự án mới chưa đạt như kỳ vọng, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực mà thành phố ưu tiên phát triển. Do đó, trong Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cho phép áp dụng các hình thức hợp tác công tư vào các dự án đầu tư, gắn liền với đề xuất cơ chế minh bạch thông tin, hài hòa lợi ích xã hội, nhà nước và nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến năng lực canh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh giảm sút xuất phát từ việc doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai. Ngoài nguyên nhân khách quan là quỹ đất hạn chế thì các cơ chế xác định giá đất, quy trình bồi thường, thu hồi đất còn nhiều vướng mắc.
Với dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các cơ chế tháo gỡ, cho phép Thành phố chủ động hơn trong việc bố trí nguồn lực đất đai, đa dạng hóa hình thức bồi thường khi thu hồi đất nhằm cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai công khai, minh bạch và liên thông thông tin giữa các đơn vị liên quan để doanh nghiệp, người dân tiếp cận đầy đủ thông tin.
Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung Dự thảo Nghị quyết thay thế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là con người để triển khai hiệu quả các phần việc, sớm đưa nội dung Nghị quyết đi vào thực tiễn nếu Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua.