Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các Bí thư Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng cán bộ chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 312 điểm cầu ở các xã phường, thị trấn trong toàn thành phố.
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực. Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực cũng như thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm, thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, yếu kém.
Bộ Chính trị nêu rõ: Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Về mục tiêu và tầm nhìn, Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Quán triệt Chương trình hành động của Thành ủy triển khai Nghị quyết của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Trong chương trình hành động, thành phố đã xây dựng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, giải pháp có tính khả thi cao để triển khai Nghị quyết số 31-NQ/TW cùng với đó là các nội dung của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố.
Cụ thể, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị; tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuốc sống của người dân, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Lãnh tụ Hồ Chí Minh; đảm bảo quốc phòng, an ninh nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các chính sách vượt trội được Bộ Chính trị đồng thuận, Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép để phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Tạo điều kiện cho sự phát triển đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các tỉnh lân cận và tổ chức đoàn thể chính trị, thành phố Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh đã có tham luận, trong đó đều biểu thị quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
Phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Với tính chất, vị trí, tầm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị luôn quan tâm, có nhiều Nghị quyết về phát triển thành phố. Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012 về phát triển thành phố đến năm 2020, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Gợi mở một số ý kiến để Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đảng bộ Thành phố phải chủ động phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước, nhất là các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trong điểm phía Nam tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, qua đó nâng cao và thống nhất nhận thức “Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với phương châm: Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước - cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh". Thành ủy phải chỉ đạo, sớm tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân thực hiện Nghị quyết, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng, anh hùng, đi đầu đổi mới, năng động, sáng tạo trong xây dựng, phát triển thành phố hôm nay.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, với tinh thần, thái độ quyết liệt, chủ động, năng động, sáng tạo, phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Trên cơ sở nhận thức về nội dung Nghị quyết, tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp chức năng, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng.
“Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này phải tạo chuyển biến thực sự, kết quả cụ thể, trước mắt phải giải quyết tốt vấn đề ngập úng, an ninh, an toàn, trật tự đô thị... phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tạo bước tiến mới trong sự phát triển của thành phố”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững; phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với thành phố mang tên Bác kính yêu. Chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của thành phố trong liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị lần này nhấn mạnh việc ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong giai đoạn mới. Thường trực Ban Bí thư đề nghị, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, sớm ban hành văn bản của Quốc hội, của Chính phủ về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố.
Cùng với đó,Thường trực Ban Bí thư đề nghị, thành phố tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xác định đây là nội dung then chốt, bảo đảm các cấp ủy, tổ chức đảng toàn thành phố thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện; chủ động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp; xây dựng tổ chức cơ sở đảng phù hợp với mô hình đô thị. Thành phố tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển thành phố.
Nhấn mạnh sự tham gia của các bộ ngành, địa phương trong triển khai Nghị quyết, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết không chỉ của riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong cả nước, nhất là ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần tích cực phối hợp, tăng cường liên kết, hợp tác, chung tay xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Nghị quyết đã nêu.