TP Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa. Vấn đề an toàn cây xanh một lần nữa thu hút sự quan tâm của người dân khi chỉ trong chưa đầy một tháng qua đã xảy ra hàng loạt sự cố cây xanh bật gốc, ngã đổ đè lên người đi đường do dông, lốc mạnh. Các cơ quan chức năng của thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp cắt ngọn, tỉa cành nhằm hạn chế cây đổ bất ngờ, bảo đảm an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, các chuyên gia về cây xanh cho rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan thuộc về thiên nhiên, thời tiết, sâu bệnh... cần quan tâm đến kỹ thuật chọn cây, trồng cây phù hợp với môi trường đô thị của thành phố cũng như những tác động tiêu cực của việc phát triển đô thị quá mức đến sự phát triển của cây xanh để có hướng giải quyết triệt để, hiệu quả.
Người dân bất an khi ra đường lúc mưa lớn
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), từ đầu mùa mưa năm 2020 đến nay, tại thành phố, hàng chục trường hợp cây đổ, gãy nhánh và bật gốc đã xảy ra, trong đó có ba vụ nghiêm trọng, khiến hai người tử vong và hai người bị thương.
Vụ mới nhất xảy ra tối 13/6, một cây xanh trên đường Tô Hiến Thành, Phường 13 (Quận 10), bất ngờ gãy nhánh. Cành cây ở độ cao gần 10m đổ xuống đường, đè trúng một người đàn ông chạy xe máy ngang qua khu vực, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Cũng trong chiều hôm đó, cây xanh trên đường Ba Tháng Hai, Phường 11 (Quận 10) gãy nhánh làm hai người đang điều khiển xe máy ngang qua bị thương phải đi cấp cứu. Trước đó không lâu, sáng 26/5, cây phượng trong sân Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng (Quận 3) bật gốc, đè một học sinh 12 tuổi tử vong.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cứ mỗi khi mưa lại xảy ra tình trạng cây xanh gãy đổ, làm thiệt hại tài sản. Tuy may mắn không gây thương vong về người nhưng tình trạng này khiến người dân rất bất an mỗi khi phải ra đường lúc mưa lớn.
Muôn kiểu “bức tử” cây xanh
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị quy định chọn giống cây trồng trong đô thị là cây phải có thân thẳng, phân cành cao từ 3m trở lên, rễ cọc phát triển sâu; cây có sức đề kháng cao, chống chọi tốt với gió bão và bệnh hại; hoa, quả, cây không có mùi khó chịu, không chứa chất gây hại sức khỏe. Các loại cây trồng ven đường càng phải tuyệt đối tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn này để bảo đảm an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Diệp, tình trạng cây gãy, đổ ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay ít phụ thuộc vào chất lượng cây mà chủ yếu là do kỹ thuật trồng và đất trồng. Trên thực tế, hầu hết các giống cây đang được trồng ở Thành phố Hồ Chí Minh như bằng lăng tím, me tây, lim xẹt... đều là cây rễ cọc, phân cành cao, đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy định. Một số loại cây rễ chùm như sọ khỉ, trước đây trồng khá nhiều nay chính quyền thành phố cho đốn hạ bớt. Dù vậy, cứ mỗi mùa mưa bão, các giống cây, bất kể rễ cọc hay rễ chùm vẫn bị bật gốc.
Xảy ra tình trạng trên, ông Đinh Quang Diệp cho rằng, do môi trường sống cho cây xanh ở thành phố còn nhiều bất cập. Việc trồng cây đô thị thường chỉ được tiến hành sau khi đã hoàn tất các hạng mục khác như lát vỉa hè, thi công công trình ngầm... khiến diện tích trồng cây bị thu hẹp, vỉa hè rộng 6-7m nhưng đất trồng cây chỉ khoảng 1-1,2m. Ngoài ra, hiện tượng “bê tông hóa” cùng hệ thống cáp ngầm xây quá sát gốc cây làm quá trình trao đổi nước của cây với tầng đất bên dưới bị hạn chế, rễ cây không thể phát triển để bám giữ đất khiến cây rất dễ bị bật gốc khi gặp gió mạnh.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn chưa có quy hoạch cây xanh đô thị, chỉ mới thiết kế được khu vực dùng để trồng cây chứ chưa chỉ ra được đất ở khu vực đó phù hợp với loại cây gì. Việc này dẫn đến nhiều giống cây rễ cọc chất lượng rất tốt nhưng gặp đất không phù hợp nên sinh trưởng chậm, đề kháng kém, dễ bị sâu hại tấn công khiến cây bị rỗng ruột, mục rễ, không thể chống chọi khi gặp mưa to gió lớn.
Cũng có khi, sự xâm hại dẫn đến gãy đổ của cây xanh đô thị lại đến từ một bộ phận người dân thiếu ý thức, trong đó phổ biến tình trạng chặt rễ và xây bệ trám bít gốc cây, thậm chí vì nhiều nguyên nhân mà tự ý đầu độc cho cây chết. Gần đây nhất, theo thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Trần Quang Khải (Quận 1), một cây dầu trăm tuổi bị chết khô bất thường, cây bật rễ nghiêng hẳn ra đường phải đốn bỏ gấp. Kết quả kiểm tra cho thấy, cây chết do bị đào bới gốc để đổ hóa chất độc hại vào.
Chung tay bảo tồn mảng xanh đô thị
Trước nguy cơ cây xanh gãy đổ mỗi mùa mưa bão, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giải pháp khả thi nhất hiện nay là phải quyết liệt ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các tình huống xâm hại cây xanh đô thị.
Theo ông Lê Công Phương, từ góc độ đơn vị được giao trực tiếp quản lý, chăm sóc phần lớn cây xanh trên địa bàn thành phố (100.000 trong tổng số 155.000 cây xanh), vào đầu mỗi mùa mưa, Công ty Công viên cây xanh luôn chủ động thực hiện kiểm tra, phát hiện cây xanh sâu bệnh, có dấu hiệu gãy, đổ để cắt tỉa hoặc chặt hạ kịp thời; cử nhân viên túc trực 24/24 giờ tại các tuyến đường thường xảy ra sự cố cây gãy, đổ để thu dọn, xử lý trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Công ty chỉ có thể ứng phó được với những tác động đến từ mưa dông, lốc xoáy thuộc về yếu tố thiên nhiên, thời tiết, còn những tác động do con người gây ra, chỉ như “muối bỏ biển” nếu không có sự chung tay hỗ trợ giải quyết từ các cấp, ngành. Ông Lê Công Phương mong muốn có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè và tối ưu là đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư công trình nên có sự phối hợp với Công ty Công viên cây xanh. Khi đó, những chuyện cây xanh bị chặt rễ, bị đầu độc hoặc trồng sai quy cách sẽ không xảy ra. Sự sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố sẽ được bảo đảm hơn. Nguy cơ bật gốc, gãy cành khi mưa to dông lốc sẽ giảm đi đáng kể.
Theo ý kiến từ Hiệp hội Công viên - Cây xanh Việt Nam, biện pháp trước mắt cho vấn đề cây xanh gãy đổ là cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm những cây bị sâu bệnh. Giải pháp dài hạn là huy động sự góp sức của giới chuyên môn, khoa học trong vấn đề bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Trong đó, các hội thảo chuyên đề về cây xanh đô thị là một kênh hiệu quả để các nhà quản lý tham vấn ý kiến từ các chuyên gia làm cơ sở đề ra chính sách, đường hướng bảo vệ và phát triển mảng xanh đô thị. Việc tập hợp tri thức từ giới chuyên gia càng đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng và xu hướng tiếp tục đô thị hóa mạnh mẽ ở nhiều nơi.
Thời gian qua, nhằm phòng ngừa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý; kiểm tra khả năng bảo đảm an toàn của cây xanh; xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm; chủ động cắt tỉa, đề phòng tình trạng cây gãy, đổ mất an toàn giao thông, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, khu dân cư…
Hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành hữu ích của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, tạo ra mảng xanh cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Vấn đề bảo tồn, phát triển mạng lưới cây xanh chính vì thế cần được coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả những hành vi xâm hại, làm tổn hại đến sinh trưởng của hệ thống cây xanh đô thị, vốn đang tồn tại như một vấn nạn nhức nhối trong suốt thời gian qua.