Trước tình trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch đối với các đơn vị duy trì hệ thống thoát nước.
Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chủ trì và phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành viên Thoát nước Hà Nội, các đơn vị duy trì hệ thống thoát nước tăng cường công tác duy tu, duy trì, đặc biệt kiểm tra, giám sát các vị trí có nguy cơ úng ngập để đôn đốc, xử lý, giải quyết kịp thời.
Sở cũng đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công dự án có ảnh hưởng đến công tác thoát nước đô thị; phối hợp với các đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi rà soát, đề xuất bàn giao các kênh mương không còn chức năng phục vụ canh tác nông nghiệp chuyển mục đích phục vụ thoát nước đô thị và phối hợp điều tiết, vận hành các công trình đầu mối thoát nước nông nghiệp kết hợp với tiêu thoát nước khu vực nội thành.
Bên cạnh đó, Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố là đơn vị chủ lực, trực tiếp thực hiện kế hoạch; phối hợp với các Công ty Điện lực đảm bảo cung cấp điện để phục vụ vận hành an toàn các trạm bơm thoát nước.
Sở Xây dựng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai ứng trực, tăng cường kiểm tra, phát hiện khắc phục sự cố thoát nước; phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra các sự cố thiên tai, úng ngập trên địa bàn.
Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã xử lý ô nhiễm môi trường nước ở 90 hồ trong khu vực nội thành, lắp đặt bè thủy sinh trên 66 hồ và máy sục khí trên 52 hồ, đồng thời thực hiện công tác nạo vét bùn lắng đối với 10 hồ. Ngoài ra, công tác điều tiết mực nước hồ đã đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thoát nước và cân bằng sinh thái môi trường, qua đó góp phần làm không gian xung quanh các hồ trở thành nơi vui chơi, thư giãn của người dân.
Nhằm hạn chế việc nước thải chứa nhiều dầu mỡ ra hệ thống thoát nước chung của thành phố, đến nay đã có hàng trăm cơ sở kinh doanh, hộ gia đình lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ, góp phần loại bỏ dầu mỡ ngay tại nguồn phát sinh, nâng cao hiệu quả xử lý của các trạm xử lý nước thải và cải thiện chất lượng môi trường của nguồn tiếp nhận (sông, hồ).
Đáng chú ý, liên quan đến công tác cắt tỉa cây xanh, chỉnh trang đô thị nhằm hạn chế tối đa những vụ việc gãy đổ gây nguy hiểm về người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết: Ngay từ đầu năm 2020, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, phối hợp cùng các đơn vị thực hiện công tác duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh thực hiện kiểm tra, rà soát hệ thống cây bóng mát, lập kế hoạch, triển khai cắt tỉa ngay những cây có nguy cơ gãy đổ cao.
Sở Xây dựng cũng chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, nâng cao vòm lá, khống chế chiều cao cây bóng mát và thực hiện gia cố cọc chống các cây mới trồng trong hệ thống cây xanh 12 quận nội thành.
Sở Xây dựng đã đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý, duy trì cây bóng mát ở ngoại thành, rà soát, kịp thời chặt hạ cây sâu mục, cắt sửa cây có cành ảnh hưởng đến giao thông.
Để chủ động trong trường hợp mưa bão xảy ra, Sở Xây dựng đã lập phương án ứng phó với một số tình huống thiên tại úng ngập nội thành, khắc phục sự cố cây gãy, đổ, cung cấp nước sạch mùa mưa bão trên địa bàn thành phố năm 2020.
Các đơn vị có liên quan sẽ phải huy động 100% quân số, thực hiện giải tỏa 24/24 giờ/ngày khi có cây gãy, đổ. Trong đó, các đơn vị chức năng sẽ ưu tiên xử lý các cây đổ, nguy hiểm đe dọa đến tài sản, tính mạng nhân dân, gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính... và trồng cây thay thế sau 10 ngày.