Hà Nội cắt tỉa gần 40.000 cây xanh trước mùa mưa bão

Trước những dự báo diễn biến phức tạp của thời tiết năm 2019, nhất là mưa bão, gió giật bất thường, mưa kéo dài, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ động giao các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, giảm thiệt hại do nguy cơ gãy đổ từ hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão năm 2019.

Chú thích ảnh
Công nhân cắt tỉa cây xanh trên các tuyến phố của Hà Nội. Ảnh tư liệu: Lê Phú

Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị là đơn vị trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ đổ gẫy gây nguy hiểm, thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao cây và gia cố cọc chống chưa đảm bảo đối với cây mới trồng.

Đối với những cây nguy hiểm, nặng tán có nguy cơ gẫy đổ trong mùa mưa bão trên các tuyến phố thuộc địa bàn 12 quận đã được thành phố đặt hàng giao Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh thực hiện. Đối với những cây trên địa bàn 18 huyện và thị xã Sơn Tây được các đơn vị trúng thầu ưu tiên xử lý các trường hợp các cây nguy hiểm, nặng tán.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng chủ động đôn đốc UBND cấp huyện, các đơn vị, các chủ đầu tư (các Ban Quản lý dự án thành phố, các dự án khu đô thị) xây dựng phương án ứng phó trong mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại cây gẫy đổ theo địa bàn được giao; tăng cường cắt tỉa, hạ độ cao cây bóng mát, nhất là việc chằng, chống, khắc phục các cọc bị hỏng, mục không đảm bảo yêu cầu để cây mới trồng không bị nghiêng ngả, đổ gãy khi gió lớn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 235.000 cây bóng mát có đường kính lớn (> 20cm). Tổng số cây cần cắt tỉa trong năm 2019 là 67.601 cây/435 tuyến đường, phố; trong đó, số cây nặng tán khoảng 30.160 cây/356 tuyến (xà cừ chiếm khoảng 3.134 cây/152 tuyến).

Tính đến cuối tháng 5/2019, các đơn vị đã chủ động xử lý các cây nguy hiểm, nặng tán để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Kết quả cho thấy, 12 quận nội thành đã thực hiện cắt tỉa khoảng 12.491 cây/159 tuyến đường, phố, đạt tỷ lệ 44 % kế hoạch; trong đó, số cây nặng tán khoảng 10.000 cây/159 tuyến phố; số cây xà cừ đã cắt tỉa hạ độ cao là 1.005/1.844 cây thuộc 47/65 tuyến phố.

Địa bàn các huyện và thị xã Sơn Tây đã cắt tỉa khoảng 17.682 cây/53 tuyến, đạt tỷ lệ 45% kế hoạch, tập trung vào cắt tỉa đối với cây nặng tán là 12.431 cây/53 tuyến.

Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh đã thực hiện chằng chống, gia cố 13.935 bộ cọc các loại; đồng thời cắt sửa cây theo đơn, thư, công văn 618 cây; chặt hạ cây chết, nghiêng, sâu mục, nguy hiểm 194 cây.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khối lượng còn lại phải cắt tỉa theo kế hoạch năm 2019 là 37.428 cây/261 tuyến phố và Sở tiếp tục đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu đô thị cắt tỉa, hạ độ cao, chằng chống cây xanh mới trồng nhằm đảm bảo an toàn mùa mưa bão theo phân cấp.

Cùng với đó, xây dựng phương án phối hợp thực hiện một số tình huống cây gãy đổ có khối lượng lớn nhằm kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt cho nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nguyễn Minh Nghĩa (TTXVN)
Các tỉnh Bắc Bộ cần chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
Các tỉnh Bắc Bộ cần chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất, dông lốc còn diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi diến biến thiên tai, thông tin trên truyền hình, phát thanh, mạng và hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN